(Baothanhhoa.vn) - Những dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Câu lạc bộ (CLB) Hàm Rồng, tôi thường được nghe nhiều câu chuyện về một thời gian khổ, kiên cường mà rất đỗi tự hào của các hội viên từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Trong số hơn 100 hội viên CLB tham gia kháng chiến chống Pháp nay chỉ còn hơn 60 bác. Dù tuổi cao, sức yếu, trí nhớ có phần giảm sút, nhưng được gặp gỡ, chia sẻ kỷ niệm một thời máu lửa, với các bác có lẽ là niềm hạnh phúc nhất. Những cái ôm, nụ cười rạng rỡ, thân mật của mấy chục năm trước lại ùa về còn nguyên cảm xúc của tình đồng chí, đồng đội.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm chiến thắng Điện biên phủ (7-5)

“Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”

Những dịp kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại Câu lạc bộ (CLB) Hàm Rồng, tôi thường được nghe nhiều câu chuyện về một thời gian khổ, kiên cường mà rất đỗi tự hào của các hội viên từng tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu ở chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa. Trong số hơn 100 hội viên CLB tham gia kháng chiến chống Pháp nay chỉ còn hơn 60 bác. Dù tuổi cao, sức yếu, trí nhớ có phần giảm sút, nhưng được gặp gỡ, chia sẻ kỷ niệm một thời máu lửa, với các bác có lẽ là niềm hạnh phúc nhất. Những cái ôm, nụ cười rạng rỡ, thân mật của mấy chục năm trước lại ùa về còn nguyên cảm xúc của tình đồng chí, đồng đội.

“Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”

Ông Hoàng Văn Tuất, thôn Thịnh Hòa, xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa) (người cầm bằng khen) ôn lại kỷ niệm. Ảnh: Lê Hà

Bác Mai Thị Đính (dân công hỏa tuyến), phố Hàn Thuyên cho biết: “Mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi lại nhớ những kỷ niệm đẹp thời “mưa dầm, cơm vắt”. Chiến tranh ác liệt vô cùng, tôi tham gia cáng thương, dù rất mệt, nhưng vẫn gắng cáng thương binh thật nhanh ra khỏi hầm, đi đường rừng đến nơi tập kết có bác sĩ để kịp cứu thương cho đồng đội. Sau mỗi trận chiến hoàn thành nhiệm vụ, tôi và nhiều chị em trong đội lại mang “tiếng hát át tiếng bom”, mang niềm vui đến tiếp thêm sức mạnh cho chiến sĩ bằng những bài hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương, tình đồng chí, đồng đội”.

Bác Nguyễn Xuân Ba (bộ đội chủ lực) kể: “Muốn chiến thắng kẻ thù phải có mưu lược, có kế sách chứ không chỉ đơn thuần dùng vũ khí và sức lực, bởi quân Pháp mạnh hơn ta rất nhiều và được trang bị vũ khí hiện đại. Tôi tham gia đánh đồi Độc Lập nhiều trận. Ban đầu, do địch ở trên đồi cao, chúng dễ quan sát và bắn trúng nên quân ta hy sinh nhiều. Sau đó, các đơn vị tích cực đào chiến hào để bộ đội di chuyển mà địch không biết, nhắm không trúng, tránh được thương vong và bảo toàn được lực lượng quân số tiến công đánh trả quân địch. Lần khác, tôi được giao nhiệm vụ cùng đồng đội áp sát sân bay khống chế địch vận chuyển, tiếp tế lương thực, vũ khí cho quân đội của chúng. Địch đánh ta ban ngày, chúng dùng xe tăng lấp các chiến hào và uy hiếp lực lượng của ta. Ban đêm chúng thả pháo sáng để quan sát nhưng vẫn bị ta khống chế không cho vận chuyển lương thực, vũ khí và dần rơi vào thế bị động, hoang mang...”. Những câu chuyện, những kỷ niệm về cuộc chiến chống Pháp cứ thế được các bác từng là bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong,... chia sẻ với niềm tự hào đã truyền lửa cho thế hệ trẻ chúng tôi hiểu sâu hơn về lịch sử đấu tranh của dân tộc, về những người anh hùng áo vải.

Mới đây, nhân chuyến công tác về xã Hoằng Thịnh (Hoằng Hóa), may mắn chúng tôi được gặp ông Hoàng Văn Tuất (86 tuổi) là số ít người tham gia kháng chiến chống Pháp của xã còn sống và rất khỏe mạnh. Ông tâm sự: “19 tuổi, tôi cùng đồng đội hành quân 16 ngày đêm từ tỉnh Nghệ An đến căn cứ địa tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Mưa dầm, cơm vắt là chuỗi ngày gian khổ nhưng oanh liệt vô cùng. Chúng tôi chuyền cơm cho nhau qua những tấm vải dù lia từ bên này sang bên kia vì đường đèo giao thông trắc trở. Quần áo chỉ có 1 bộ, ngày đêm đào hầm và chiến đấu khi máy bay địch bắn phá ác liệt, dây thép gai cài chằng chịt, mìn nhảy, mìn díp khắp nơi... Nhưng khi nghe tin bắt sống Tướng Đờ Cát, chúng tôi và dân bản reo hò mừng rỡ vì những gian khổ hy sinh của quân đội ta đã thắng lợi vẻ vang. Chiến dịch kết thúc, những người còn sống vẫn tiếp tục chặng đường chiến đấu tiếp quản Điện Biên, tôi dò phá mìn để đơn vị khác đến xây dựng tiếp quản căn cứ. Năm 1960, tôi chuyển ngành sang cơ quan Tổng cục Địa chất Hà Nội rồi về hưu và tham gia một số công tác ở địa phương”.

66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy khắp năm châu” vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của bà Đính, ông Ba, ông Tuất và hàng ngàn người con Thanh Hóa đã hăng hái tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Cả một thế hệ mang trong mình trái tim “rực cháy”, vượt mọi gian lao, luôn biết chịu đựng gian khổ, hy sinh để góp phần đánh thắng kẻ thù, giải phóng dân tộc. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng”, những năm kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa đã huy động tối đa sức người, sức của phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Thanh niên Thanh Hóa nô nức tòng quân, tham gia thanh niên xung phong, hàng ngàn dân công được huy động lên đường chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Để có đủ số lương thực, thực phẩm Trung ương giao, nhân dân Thanh Hóa đã phải ăn ngô, khoai non, dành gạo cho chiến sĩ ngoài mặt trận. Nông dân phải ra đồng tỉa từng bông lúa vừa chín và dốc những hạt gạo cuối cùng để đóng góp cho chiến dịch. Nhân dân các dân tộc từ miền xuôi đến miền ngược, đâu đâu cũng hừng hực khí thế “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả để chiến thắng”. Tính chung cả ba đợt, Thanh Hóa đã huy động 30% người trong độ tuổi lao động tham gia dân công tuyến lửa (dài hạn và ngắn hạn) với tổng số 178.924 người, huy động 3.530 xe đạp thồ với 16.000 lượt chiếc, 1.126 thuyền, 31 ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi; cung cấp hậu cần cho quân đội, chiếm 56% (9.000 tấn gạo/16.000 tấn), số lương thực, thực phẩm chiếm 40% (450 tấn cá khô, 2.000 con lợn, 1.300 con bò, 250.000 quả trứng, 150 tấn đậu, 20.000 chai, lọ nước mắm cùng hàng trăm tấn rau các loại), đảm bảo lương thực phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều con em dân công Thanh Hóa trở thành “kiện tướng” vận chuyển như: Ma Văn Kháng, Cao Văn Tỵ, Trịnh Ngọc... Ngày 13-6-1957, Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần thứ hai, khi đánh giá về công lao của nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã khen ngợi “Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó”.

Kỷ niệm 66 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta tự hào với những đóng góp to lớn của Đảng bộ, của quân và dân Thanh Hóa, cần thấy rõ trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay được sống trong thời bình, càng phải ra sức học tập, lao động, sáng tạo để đóng góp một phần công sức của mình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]