(Baothanhhoa.vn) - Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, các cấp ủy đảng, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã luôn quan tâm công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, tổ chức các phong trào, khơi dậy tinh thần nhiệt huyết, xung kích của tuổi trẻ, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những đảng viên trẻ tiên phong trong phong trào khởi nghiệp

Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”, các cấp ủy đảng, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã luôn quan tâm công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ, tổ chức các phong trào, khơi dậy tinh thần nhiệt huyết, xung kích của tuổi trẻ, đóng góp vào công cuộc bảo vệ, xây dựng đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Những đảng viên trẻ tiên phong trong phong trào khởi nghiệp

Mô hình trang trại tổng hợp của anh Trịnh Đình Cường, bí thư đoàn Trường THPT Thọ Xuân 4 (Thọ Xuân).

Một trong những phong trào đang diễn ra sôi nổi, rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh, tạo thành một làn sóng mới được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng đó là phong trào khởi nghiệp. Đặc biệt, phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, nhiều đảng viên trẻ đã xung kích đi đầu, năng động sáng tạo, mạnh dạn đầu tư, bắt tay vào khởi nghiệp với nhiều ý tưởng đam mê, khát vọng...

Dẫn chúng tôi đi thăm xưởng cơ khí với quy mô trên 400m2 của Hoàng Anh Sơn, Bí thư Chi đoàn thôn Hợp Thành, xã Thành Hưng (Thạch Thành), anh Hoàng Anh Tài, Phó Bí thư Huyện đoàn Thạch Thành, nhấn mạnh: Đây là một trong những mô hình làm kinh tế giỏi tiêu biểu của huyện Thạch Thành, có thu nhập ổn định trên 500 triệu đồng/năm.

Hoàng Anh Sơn sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo huyện Thạch Thành, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh trở về quê với nhiều trăn trở, quyết tâm lập nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hoàng Anh Sơn đã đăng ký vào lớp cơ khí tại Ninh Bình. Học xong, Sơn mạnh dạn đầu tư mở xưởng cơ khí. Bước đầu lập nghiệp, vấn đề vốn, thị trường luôn là những rào cản khiến Sơn cảm thấy băn khoăn nhất. Hoàng Anh Sơn cho biết: Tháng đầu tiên lập nghiệp, xưởng chỉ nhận được vài cánh cửa từ anh em, bạn bè, khi đó tôi tưởng chừng như phải bỏ cuộc vì chồng chất khó khăn. Dần dần, tôi nhận được sự tin tưởng của mọi người, công việc ngày càng thuận lợi, xưởng cũng nhận thêm nhiều đơn hàng. Đến nay, xưởng cơ khí của tôi đã tạo công ăn việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức lương ổn định từ 4-6 triệu đồng/tháng. Từ thành công bước đầu, trong thời gian tới tôi dự định tiếp tục mở rộng quy mô, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển sản xuất với tổng mức đầu tư khoảng trên 1 tỷ đồng.

Lớn lên trong một gia đình thuần nông nghèo, đảng viên trẻ Lê Ngọc Đạt, xã Xuân Khánh (Thọ Xuân) luôn ước mơ và quyết tâm xóa nghèo, vươn lên làm giàu. Năm 2008, sau khi thi đỗ Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Lê Ngọc Đạt luôn cố gắng học tập, trau dồi kiến thức, cùng các thầy cô giáo tham gia nghiên cứu, lai tạo nhiều loại giống cây trồng nhằm nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Năm 2011, sau khi tốt nghiệp ra trường, Lê Ngọc Đạt quyết định trở về quê hương lập nghiệp. “Nói” đi đôi với “làm”, năm 2015, Đạt đã chính thức xây dựng hệ thống nhà màng kính nông nghiệp công nghệ cao trên diện tích 3.000m2. Năm 2016, anh mở rộng lên 7.000m2, đồng thời thuê nhân công xây lắp hệ thống nhà màng phủ nilon, công nghệ tưới nhỏ giọt Israel, điều hòa không khí để trồng cây dưa lưới Nhật Bản, đậu tương giống, rau màu và sản xuất hàng nông sản xuất khẩu. Để mô hình phát triển ổn định, Đạt đã tự tìm kiếm thị trường, liên hệ với các siêu thị để giới thiệu sản phẩm, mời khách hàng đến tham quan mô hình. Bên cạnh đó, anh cũng đăng ký với Trung tâm Giám định chất lượng Vinacert và Chi cục Đo lường chất lượng Thanh Hóa để kiểm định cấp chứng nhận bảo đảm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính vì tâm niệm phải luôn đặt chữ “tín” trong mỗi sản phẩm nên mô hình nông nghiệp công nghệ cao của anh đã mang lại hiệu quả rõ rệt và đã có chỗ đứng nhất định trên thị trường, có mặt tại các hệ thống kinh doanh thực phẩm sạch, các nhà hàng, khách sạn tin dùng tại Hà Nội và các tỉnh lân cận. Các sản phẩm ngô, đậu tương, bí đỏ được xuất khẩu sang Trung Quốc. Chưa dừng lại ở đó, từ thành công bước đầu, Lê Ngọc Đạt tiếp tục mở rộng diện tích với 11 ha trong đó, bao gồm 6 ha đậu tương, 2 ha ngô ngọt, 2 ha bí đỏ, 1 ha trang trại sản xuất giống... Hiện, mô hình mang lại thu nhập khoảng 500 triệu đồng/năm, đồng thời tạo việc làm cho 11 lao động với mức lương 3-5 triệu đồng/người/tháng.

Đến thăm mô hình phát triển kinh tế của chị Lê Thị Hạnh, xã Định Long (Yên Định), Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi và Chuyển giao công nghệ Yên Định, được chị chia sẻ: Năm 2010, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nông Lâm tỉnh (nay là Trường Cao đẳng Nông Lâm), nhận thấy nhu cầu về thị trường về thịt lợn thương phẩm và lợn giống cao, chị quyết định xây dựng trang trại lợn, phát triển kinh tế. Với nguồn vốn tiết kiệm ít ỏi ban đầu, gia đình chị Hạnh không đủ “lực” để đầu tư phát triển. Vì vậy, thông qua kênh của đoàn thanh niên, gia đình chị Hạnh đã mạnh dạn vay 800 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển chăn nuôi với quy mô 100 con lợn nái, 750 lợn thịt, tổng vốn đầu tư ban đầu trên 1,2 tỷ đồng. Đến năm 2014, 2015 doanh thu đã đạt trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm cho 15 lao động thường xuyên và 7 lao động thời vụ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Cùng với đó, nhận thấy công tác bảo vệ môi trường là bức thiết, chị Hạnh đã đề xuất ý tưởng và đầu tư thành lập Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Quán Lào. Công ty đi vào hoạt động từ năm 2015 đến nay và đã tạo việc làm cho 15 lao động nông thôn với mức lương 2,5 - 3 triệu đồng/tháng.

Trao đổi về câu chuyện khởi nghiệp của những đảng viên trẻ, anh Lê Văn Châu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, nhấn mạnh: “Phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đang phát triển mạnh mẽ và rộng khắp. Toàn tỉnh hiện có 1.500 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ, 25 mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên, trong đó nhiều mô hình, ý tưởng là của đảng viên. Và những đảng viên tiên phong trong phong trào khởi nghiệp không chỉ phát huy vai trò, trách nhiệm trong thực hiện chủ trương của tỉnh mà còn góp phần truyền cảm hứng khởi nghiệp cho các đoàn viên, thanh niên. Năm 2018, toàn tỉnh bồi dưỡng, giới thiệu 6.965 đoàn viên ưu tú đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, trong đó có 4.800 đoàn viên ưu tú được kết nạp Đảng. Đây là những “hạt giống đỏ” để các cơ sở đoàn tổ chức thành công các hoạt động và phong trào thi đua.

Bài và ảnh: Lê Phượng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]