(Baothanhhoa.vn) - Bước sang giai đoạn chống Mỹ mà đỉnh cao là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, Phượng Đình và Hàm Rồng cùng quân, dân cả nước ngày đêm chiến đấu góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, giữ vững giao thông thông suốt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm 55 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4-4-1965 – 3, 4-4-2020): Phượng Đình một thời lửa đạn

Bước sang giai đoạn chống Mỹ mà đỉnh cao là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, Phượng Đình và Hàm Rồng cùng quân, dân cả nước ngày đêm chiến đấu góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, giữ vững giao thông thông suốt.

Kỷ niệm 55 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4-4-1965 – 3, 4-4-2020): Phượng Đình một thời lửa đạn

Làng Phượng Đình (nay là phố Phượng Đình 1, Phượng Đình 2) nhìn từ trên cao. Ảnh: Đăng Văn

Làng Phượng Đình (nay là phố Phượng Đình 1 - Phượng Đình 2), phường Tào Xuyên, TP Thanh Hóa ở vào một vị trí địa lý khá đặc biệt, vắt qua đường 1A và đường sắt Bắc Nam nên làng bị chia cắt thành hai phần: Phần phía Đông chiếm 2/3, phần phía Tây chiếm 1/3 diện tích và dân số của làng. Sông Tuần chạy dọc theo làng ở phía Bắc, sông Mã ở phía Tây và Tây Nam giới hạn bởi hai cây cầu: cầu Tào bắc qua sông Tuần, cầu Hàm Rồng bắc qua sông Mã cách nhau hơn 1km. Làng Phượng Đình vừa nằm trên ngã ba đường giữa Quốc lộ 1A và huyện lộ Hoằng Hóa (nơi cầu Tào), vừa nằm trên ngã ba sông (nơi đầu bãi Trại), làng cách biển chỉ khoảng 10km đường chim bay.

Có lẽ vì thế mà đất làng Phượng Đình rất có giá trị về mặt quân sự cả thời xưa, thời nay và cũng vì thế mà người dân Phượng Đình trở nên dày dạn với bom đạn và những cọ xát quân sự. Lịch sử còn ghi lại: Sông Tuần Ngu (nay là sông Tuần) từ cửa Lạch Trường đến ngã ba sông Mã từng xảy ra những cuộc đụng độ quyết liệt giữa quân đội nhà Trần với giặc Nguyên Mông, giữa giặc nhà Minh với nghĩa quân Lam Sơn - Lê Lợi. Rồi chiến tranh Lê - Mạc, Trịnh - Nguyễn phân tranh, sông Tuần, sông Mã đều là những chiến tuyến quan trọng mà bên nào cũng muốn vượt qua và chiếm giữ. Chiến tranh thế giới thứ hai, người làng Phượng Đình đã từng chứng kiến và chịu thiệt hại từ những trận ném bom của quân đồng minh phá hủy cầu Tào và cầu Hàm Rồng để chặn đường cơ động của phát xít Nhật.

Bước sang giai đoạn chống Mỹ mà đỉnh cao là thời kỳ chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, Phượng Đình và Hàm Rồng cùng quân, dân cả nước ngày đêm chiến đấu góp phần bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, giữ vững giao thông thông suốt.

Trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làng Phượng Đình đã trải qua những thử thách khốc liệt. Nằm trong tọa độ lửa giữa các mục tiêu đánh phá trọng điểm: Cầu Tào, cầu Hàm Rồng và cả một hệ thống trận địa pháo phòng không trước làng. Bản thân làng cũng là mục tiêu đánh phá của giặc vì ở đó có cả một hệ thống kho tàng của Trung đoàn 228 phòng không như kho đạn, kho lương thực, thực phẩm và đội ngũ nhân viên hậu cần kỹ thuật của trung đoàn. Làng đã phải chịu đựng những trận bom ác liệt từ máy bay Mỹ, những trận pháo kích dữ dội và chớp nhoáng từ hạm đội Mỹ. Địch đánh vào làng không phải vì bom sai đạn lạc mà có chủ định để tiêu diệt và cắt đứt nguồn tiếp tế quân lương đạn dược cho các trận địa pháo cạo xạ.

Gian khổ, ác liệt và căng thẳng nhưng cán bộ lãnh đạo, lực lượng chiến đấu và người dân làng Phượng Đình quyết không nao núng. Đứng ở tuyến đầu trong trận tuyến chống chiến tranh phá hoại, làng Phượng Đình luôn được động viên, cổ vũ và quan tâm sâu sát của Huyện ủy và UBND huyện Hoằng Hóa, Đảng ủy và UBND xã Hoằng Anh, nhiều cán bộ huyện, xã xuống trực tiếp và thường xuyên cử cán bộ ban, ngành, nhất là cán bộ huyện đội xuống tại trận địa và hiện trường nắm tình hình và động viên tinh thần chiến đấu, sản xuất của dân quân và nhân dân Phượng Đình. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong làng luôn được bổ sung và kiện toàn với chất lượng tốt nhất, như đồng chí Nguyễn Lương Xịa, bí thư xã đoàn được điều về làm Bí thư Chi bộ Phượng Đình, cho đến các đồng chí Nguyễn Đăng Toa, Nguyễn Phan Tớn, Nguyễn Gia Đường đều là những bí thư vững vàng, kiên định. Điều đáng nói là lực lượng xung kích chủ lực trong sản xuất và chiến đấu của làng lúc này lại chủ yếu dựa vào phụ nữ (vì thanh niên trai tráng trong làng đã vào mặt trận phía Nam).

Không thể thống kê được bao nhiêu lần chiến đấu căng thẳng chị em phải đưa cơm, tải đạn ra trận địa cho bộ đội, rồi lại vận chuyển hàng trăm thương binh, liệt sĩ từ trận địa về bệnh xá trung đoàn cứu chữa và chôn cất. Việc tiếp đạn đâu phải chỉ từ làng ra trận địa, có những đợt chị em phải theo xe ô tô đi 7km xuống bến Bút Sơn vác đạn từ thuyền lên xe rồi lại vác từ xe vào các kho phân tán trong làng. Không những tiếp lương, tiếp đạn mà hàng chục dân quân trong làng còn sẵn sàng tiếp máu để cứu chữa thương binh.

Việc giải quyết hậu quả tức thì sau mỗi trận đánh như vấn đề thương binh, liệt sĩ là một nhiệm vụ nặng nề không kém phần gian khổ nguy hiểm đối với nhân dân Phượng Đình nói chung, lực lượng dân quân nói riêng; nào giải quyết thương vong trong làng, nào phối hợp với bộ đội giải quyết thương vong ngoài trận địa và còn phải phối hợp với lực lượng thanh niên xung phong làm nhiệm vụ giải tỏa giao thông trên tuyến đường sắt và Quốc lộ 1A chạy qua làng. Một ví dụ điển hình như: Ngày 21-9-1966 là đỉnh cao nhất trong ba ngày cao điểm 21, 22, 23-9 Mỹ huy động hàng trăm lượt máy bay đánh phá liên tục, có những ngày chúng đánh tới 17 lần vào nhiều mục tiêu: Cầu, đường, trận địa và cả vào làng. Đơn vị thanh niên xung phong đang san lấp hố bom để khôi phục đoạn đường sắt bị hỏng, khi máy bay tới tiếp tục đánh phá đợt mới, họ dồn cả vào ẩn nấp trong cống thoát nước qua đường quốc lộ mà người làng quen gọi là cống hỏa xa. Một quả bom cỡ lớn đã rơi trúng đường làm sập cống. Lực lượng dân quân và nhân dân tại chỗ (làng Phượng Đình) phải huy động ra đào bới, người ta đã đưa lên hàng chục thi thể không còn nguyên vẹn, chỉ phân biệt được trong đó có 5 người là nữ.

Dân quân Phượng Đình thực hiện hiệp đồng chiến đấu với Trung đoàn 228 Phòng không, qua cầu Hàm Rồng sang bờ Nam vận chuyển thương binh, liệt sĩ của C4 về cứu chữa tại bệnh xá trung đoàn đặt ở làng Nhữ Xá.

Trong cuộc chiến chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, làng Phượng Đình đã trở thành một làng chiến đấu thực sự, một căn cứ hậu cần trực tiếp của Trung đoàn 228 phòng không, phát huy tối đa mọi nguồn lực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhiều cụ già bảy tám mươi tuổi như các cụ đảng viên tiền bối lão thành Nguyễn Lương Mưu, Nguyễn Hữu Chuyên, Nguyễn Đăng Toa. Các cụ bà Nguyễn Thị Năm, Nguyễn Thị Ấm luôn xông xáo, tích cực động viên con cháu tham gia chiến đấu và sản xuất, các cụ còn hô hào dân làng bện hàng ngàn mũ rơm cung cấp cho bộ đội và dân quân. Chi bộ đảng Phượng Đình luôn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo trong mọi tình huống. Ông Nguyễn Danh Phức cùng các bà Nguyễn Thị Thắm, Nguyễn Thị Xừ, Nguyễn Thị Tuệ là những cán bộ luôn đứng vững trên mặt trận sản xuất, phấn đấu dù khó khăn gian khổ đến mấy cũng phải cấy hết diện tích, không để một tấc đất hoang. Những cán bộ chỉ huy dân quân can đảm như Trung đội trưởng Nguyễn Danh Mộc, Trung đội trưởng Nguyễn Danh Lãm, Trung đội trưởng Nguyễn Lương Bảo.

Tiêu biểu nhất là xã đội trưởng Nguyễn Viết Dua, người chưa qua một lớp đào tạo hoặc bồi dưỡng cán bộ chỉ huy quân sự nào, sau 3 năm hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương ông được giao nhiệm vụ làm xã đội trưởng vào đúng thời điểm Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc bằng không quân và hải quân. Ông lao ngay vào cuộc chiến đấu với tất cả nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân. Ông được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì, vinh dự đại diện cho lực lượng dân quân các xã phía Bắc Hàm Rồng nói chung, làng Phượng Đình nói riêng cùng với bà Nguyễn Thị Hằng, Ngô Thị Tuyển đại diện cho dân quân bờ Nam Hàm Rồng nói chung và làng Nam Ngạn nói riêng được ra Hà Nội gặp Bác Hồ và dự lễ mừng công quyết thắng toàn quân năm 1967. Ba năm 1965 - 1966 - 1967 Mỹ đánh phá ác liệt trên đất Hàm Rồng cũng là ba năm liền ông được công nhận chiến sĩ quyết thắng cấp quân khu.

Xã Hoằng Anh được tặng thưởng 1 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 1 Huân chương Lao động hạng Ba, 1 cờ Quyết thắng và 6 Bằng khen của Bộ Tư lệnh Quân khu 3, 20 Bằng khen của UBND tỉnh. Năm 1996, sau 30 năm Hàm Rồng chiến thắng, xã Hoằng Anh được tuyên dương là đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong lễ đón nhận danh hiệu cao quý này, đồng chí Lê Văn Khuy, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn Phòng không 228 đã xúc động phát biểu: “Nếu không có sự chi viện tiếp sức và chở che đùm bọc của dân quân và nhân dân xã Hoằng Anh, của dân quân và nhân dân làng Phượng Đình, trong đó có vai trò đồng chí xã đội trưởng Nguyễn Viết Dua thì trung đoàn không thể hoàn thành được nhiệm vụ là đơn vị chủ lực nòng cốt bảo vệ cầu Hàm Rồng”.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, dịp may hiếm có, chúng tôi cùng lúc gặp lại gần đủ mặt 7 cô gái làng Phượng Đình xưa, những người em, người bạn một thời nay đã là các bà: Lại Thị Đường, Nguyễn Thị Môn, Nguyễn Thị Bối, Nguyễn Thị Tập, Nguyễn Thị Mạy, Nguyễn Thị Xa. Chỉ vắng mặt bà Nguyễn Thị Cảo đã qua đời. Người cao tuổi nhất đã 79, ít tuổi nhất cũng đã 75. Tuy tóc đã bạc, da đã mồi nhưng khí thế vẫn như ngày nào, lời nói, giọng hát vẫn mượt mà tình cảm.

Phát huy truyền thống anh hùng, Phượng Đình ngày nay là một trong những đơn vị xuất sắc của phường Tào Xuyên, là lá cờ nông thôn mới của TP Thanh Hóa. Phượng Đình luôn được lịch sử và nhân dân trong cả nước ghi nhận nhiều chiến công xưa và nay.

Nguyễn Lương Phúc


Nguyễn Lương Phúc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]