(Baothanhhoa.vn) - Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Ngọc Lặc đề ra các chỉ tiêu, khâu đột phá, chương trình trọng tâm và nhiệm vụ mang tính chiến lược,... nhằm phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huyện Ngọc Lặc biến khó khăn thành động lực phát triển

Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, phát triển”, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện Ngọc Lặc đề ra các chỉ tiêu, khâu đột phá, chương trình trọng tâm và nhiệm vụ mang tính chiến lược,... nhằm phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Huyện Ngọc Lặc biến khó khăn thành động lực phát triển

Thị trấn Ngọc Lặc đang ngày càng phát triển, đổi mới.

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thời gian qua, huyện Ngọc Lặc đã quan tâm phát triển trồng trọt, chăn nuôi theo hướng sản xuất tập trung quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao theo hướng gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tích cực khoanh nuôi, bảo vệ và chăm sóc diện tích rừng hiện có, khuyến khích phát triển trồng rừng gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, từng bước hình thành các mô hình sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, cung cấp các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, như: trồng dưa vàng trong nhà màng, vải không hạt Nhật Bản, bơ tứ quý Israel, trồng rau an toàn, thanh long ruột đỏ... Với việc chủ động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư, nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu và triển khai dự án đầu tư trên địa bàn. Trong đó, một số dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động góp phần giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, như: Nhà máy may Việt Pan Pacific, Nhà máy may Cẩm Hoàng, Nhà máy phân bón hữu cơ Phúc Thịnh, Siêu thị Ngọc Lặc, trạm trộn bê tông thương phẩm... Công tác phát triển đô thị, đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ được quan tâm thực hiện, các tuyến phố trên địa bàn thị trấn được lát đá vỉa hè, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng; gắn biển số nhà và biển tên các tuyến đường; nếp sống văn hóa, văn minh đô thị được hình thành, phát triển. Thị trấn Ngọc Lặc và khu vực dự kiến mở rộng được Bộ Xây dựng công nhận đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV. Ngoài ra, hạ tầng văn hóa - xã hội được đầu tư, nâng cấp theo hướng quy mô cấp vùng, như: Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, Trường Trung cấp Nghề miền núi, Trường THPT Dân tộc nội trú, Quảng trường Hạc Thành... Với định hướng xây dựng Ngọc Lặc trở thành trung tâm hậu cần phục vụ phát triển du lịch khu vực các huyện miền núi phía Tây của tỉnh, huyện Ngọc Lặc đã tập trung kêu gọi đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ (siêu thị, khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí...). Từng bước khai thác tiềm năng, lợi thế và bảo tồn, khôi phục các di tích danh thắng, văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch, như: Di tích danh thắng lịch sử hang Bàn Bù, Lễ hội rước nước và phát huy giá trị của 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trò diễn Pồn Pôông và hát Xường giao duyên) của dân tộc Mường, huyện Ngọc Lặc. Với tư duy đổi mới và những quyết sách, chủ trương đúng hướng đã mang lại những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực; kinh tế của huyện luôn duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 đạt 14,3%, cao hơn 2,5% so với bình quân giai đoạn 2011-2015; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng kinh tế đô thị, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản. Đời sống Nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 39,1 triệu đồng, gấp 1,8 lần năm 2015 và đứng thứ 2/11 huyện miền núi của tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,07%. Diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc, toàn huyện có 8/20 xã, 102/204 thôn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn huyện đạt 15,4 tiêu chí/xã, tăng 5,58 tiêu chí so với năm 2015 và cao hơn so với bình quân của 11 huyện miền núi.

Bước vào nhiệm kỳ mới, huyện Ngọc Lặc đã xác định 3 yếu tố còn thiếu và yếu để làm động lực trong tiến trình phát triển. Đó là, khó khăn về nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp và phát triển đô thị; hạ tầng giao thông vừa thiếu và yếu, chưa có các tuyến đường kết nối giữa huyện và các vùng phát triển; hạ tầng lưới điện chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương. Đồng chí Lê Văn Tuấn, Bí thư Huyện ủy Ngọc Lặc, cho biết: Trong chiến lược phát triển kinh tế, huyện Ngọc Lặc luôn ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy phát triển nông nghiệp làm nền tảng; phát triển công nghiệp, dịch vụ, liên kết giao thông làm khâu đột phá. Trước mắt, huyện Ngọc Lặc tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng và phấn đấu hình thành vùng trồng cây ăn quả, trung tâm giống cây ăn quả lớn của tỉnh. Tập trung phát triển và xây dựng thương hiệu các sản phẩm cây ăn quả gắn với địa phương, như: vải Nhật Bản, bơ tứ quý Israel, na Đài Loan... Phát triển chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao theo hướng liên kết sản xuất, an toàn vệ sinh thực phẩm. Với việc xác định rõ các yếu tố còn thiếu và yếu của địa phương, huyện Ngọc Lặc rất cần sự quan tâm hơn nữa của tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn. Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo sự đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là các tuyến đường giao thông liên huyện, liên xã; nâng cấp hệ thống hồ đập, kênh mương phục vụ nước cho sản xuất; hạ tầng khu công nghiệp, các cụm công nghiệp đã và đang quy hoạch, hạ tầng điện lưới; triển khai thực hiện tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Ngọc Lặc sử dụng vốn vay của Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Hoàn thành mở rộng tuyến đường Quốc lộ 15A qua địa bàn huyện. Tiếp tục kêu gọi đầu tư hoàn thiện tuyến đường trục trung tâm đô thị Ngọc Lặc; đầu tư mới và nâng cấp một số tuyến đường để kết nối giao thông đô thị và các xã lân cận; kêu gọi đầu tư khu nghỉ dưỡng, khu văn hóa tâm linh và sinh thái Hồ Cống Khê, khu đô thị mới bên bờ sông Cầu Chày, khu đô thị mới Phố Cống gắn với chuyển đổi mô hình chợ Phố Cống, khu đô thị mới dọc đường Hồ Chí Minh.

Dẫu còn không ít khó khăn, nhưng Ngọc Lặc đang được nhìn nhận và đặt trong tâm thế mới. Với quyết tâm chính trị, ý chí, khát vọng xây dựng Ngọc Lặc trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2025 và từng bước khẳng định vai trò là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của vùng miền núi phía Tây của tỉnh.

Bài và ảnh: Lê Hợi


Bài và ảnh: Lê Hợi

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]