(Baothanhhoa.vn) - Sau thời gian tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, đến nay 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã đưa trung tâm hành chính công (TTHCC) đi vào hoạt động theo đúng lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ghi nhận từ trung tâm hành chính công cấp huyện

Sau thời gian tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực, đến nay 27/27 huyện, thị xã, thành phố đã đưa trung tâm hành chính công (TTHCC) đi vào hoạt động theo đúng lộ trình đã được UBND tỉnh phê duyệt.

Người dân đến giải quyết TTHC tại Trung tâm Hành chính công huyện Quảng Xương.

Không nằm trong danh sách 9 huyện làm điểm nhưng Thiệu Hóa được đánh giá là địa phương có nhiều đổi mới và sáng tạo trong vận hành TTHCC. Ngoài những cán bộ chuyên trách làm việc tại trung tâm, các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện cử một người thực hiện nhiệm vụ phối hợp giải quyết công việc tại trung tâm. Hằng ngày, người thực hiện nhiệm vụ phối hợp phải đến TTHCC để nhận hồ sơ của ngày hôm nay và trả hồ sơ đã giải quyết của ngày hôm trước. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được huyện đặc biệt quan tâm, hiện nay phần mềm quản lý chung của tỉnh có nhiều chỗ không còn phù hợp nên huyện phối hợp với Viễn thông Thanh Hóa triển khai ứng dụng phần mềm dịch vụ công trực tuyến. Quy trình tiếp nhận, xử lý, giải quyết TTHC được thực hiện thông qua các trang thiết bị công nghệ hiện đại, đồng bộ, rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC. Các TTHC sau khi được giải quyết, phần mềm dịch vụ công trực tuyến sẽ tự động thông báo kết quả cho tổ chức, cá nhân, cán bộ, viên chức không phải làm công việc này như trước đây. Đặc biệt, để ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức có hành vi gây phiền hà, sách nhiễu đối với tổ chức, cá nhân, hàng tuần cán bộ giám sát của huyện đều đi kiểm tra thực tế tại TTHCC. Vì vậy, tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức đều nghiêm túc, hiệu quả hoạt động của trung tâm được nâng cao.

Là đơn vị được chọn làm điểm, TP Sầm Sơn đã cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất của TTHCC với diện tích gần 200m2, đồng thời trang bị hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để giải quyết công việc. 100% cán bộ, công chức làm việc tại trung tâm đều sử dụng máy tính cấu hình cao. Kiot tra cứu thông tin của trung tâm niêm yết công khai, đầy đủ, kịp thời các TTHC được công bố để tổ chức, cá nhân tiện theo dõi. Hồ sơ giải quyết đúng hạn, quá hạn, hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết, hồ sơ không giải quyết được hiển thị công khai trên màn hình hiển thị thông tin. Ngoài ra, hệ thống camera giám sát cũng giúp bộ phận kiểm tra, giám sát quan sát toàn bộ quá trình giải quyết TTHC tại trung tâm, bảo đảm tính công khai và minh bạch.

Trước đây, việc giải quyết TTHC cho người dân và doanh nghiệp còn khá rườm rà, phải qua nhiều khâu và mất nhiều thời gian chờ đợi. Tại những nơi nhận hồ sơ và trả kết quả, cảnh chen lấn, mất trật tự diễn ra thường xuyên, gây nhiều áp lực cho cán bộ tiếp dân và gây phiền hà cho người dân khi đến giải quyết công việc. Việc đưa vào sử dụng TTHCC đã khắc phục được “điểm nghẽn” này trong giải quyết TTHC. Tuy nhiên, hiên nay việc thành lập TTHCC cấp huyện cũng đang gặp không ít khó khăn, nhất là về cơ sở vật chất. Anh Lê Quang Tùng, Phó chánh Văn phòng UBND huyện, Giám đốc TTHCC huyện Lang Chánh cho biết: “TTHCC của huyện Lang Chánh đưa vào hoạt động từ đầu năm 2018. Nhưng do chưa có kinh phí để xây dựng mới nên TTHCC huyện phải tận dụng lại phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả nằm ngay trong UBND huyện, diện tích khoảng 60m2, không bảo đảm yêu cầu theo quy định. Từ khi đi vào hoạt động, TTHCC huyện chỉ được bổ sung một ít bàn, ghế, tủ đựng tài liệu, hiện tại trung tâm đang thiếu nhiều trang thiết bị hiện đại theo quy định của TTHCC cấp huyện”. Tại huyện Quảng Xương, dù được chọn làm điểm nhưng TTHCC vẫn giữ nguyên trạng nơi hoạt động của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả mà không được bổ sung gì thêm. Toàn bộ cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị được đầu tư từ năm 2015 tiếp tục được sử dụng, trong đó có những thiết bị đã bị hư hỏng nhưng không được thay thế.

Theo quy định, TTHCC cấp huyện có diện tích từ 80 - 150m2, nhưng vì không có kinh phí để xây dựng mới nên nhiều huyện, thị xã, thành phố chỉ nâng cấp, cải tạo lại nơi làm việc của bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, một vài địa phương có kế hoạch xây dựng mới nhưng chưa thực hiện. Vì vậy, phần lớn các trung tâm chưa bảo đảm yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị sau khi đưa vào hoạt động. Cũng theo quy định, các cơ quan chuyên môn phải cử người đến trung tâm để hướng dẫn, thẩm định, tiếp nhận hồ sơ. Tuy nhiên, qua thực tế ở các địa phương cho thấy một số phòng chuyên môn có số lượng TTHC giải quyết thấp hoặc theo từng thời điểm, vì vậy việc cử 1 công chức đến làm việc tại trung tâm theo đúng quy định sẽ gây khó khăn, bất cập trong thực thi nhiệm vụ của phòng chuyên môn cũng như việc thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đối với công chức.

Để TTHCC tạo ra bước đột phá trong cải cách hành chính, các địa phương cần quan tâm đầu tư để tháo gỡ, khắc phục những khó khăn, hạn chế, qua đó nâng cao mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ công.


Bài và ảnh: Tố Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]