(Baothanhhoa.vn) - Cầu Phà Lò (Pha Lò) nằm trên Quốc lộ 217, thuộc xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn. Mỗi lần có dịp đi qua cây cầu lịch sử này, chúng tôi lại có một cảm xúc bồi hồi khó tả. Bởi, cầu Phà Lò là nơi đi lại, giao thương quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của huyện Quan Sơn nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đặc biệt, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Phà Lò là huyết mạch giao thông để vận chuyển hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm... phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở khu vực biên giới, không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nước bạn Lào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cầu Phà Lò – dấu ấn huyết mạch giao thông trong kháng chiến

Cầu Phà Lò (Pha Lò) nằm trên Quốc lộ 217, thuộc xã Trung Thượng, huyện Quan Sơn. Mỗi lần có dịp đi qua cây cầu lịch sử này, chúng tôi lại có một cảm xúc bồi hồi khó tả. Bởi, cầu Phà Lò là nơi đi lại, giao thương quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của huyện Quan Sơn nói riêng và của tỉnh Thanh Hóa nói chung. Đặc biệt, trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cầu Phà Lò là huyết mạch giao thông để vận chuyển hàng vạn tấn hàng hóa, vũ khí, đạn dược, thuốc men, lương thực, thực phẩm... phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở khu vực biên giới, không chỉ của Việt Nam mà còn của cả nước bạn Lào.

Cầu Phà Lò – dấu ấn huyết mạch giao thông trong kháng chiến

Cầu Phà Lò là tuyến giao thông huyết mạch trên Quốc lộ 217.

Các tầng lớp nhân dân huyện Quan Sơn hẳn sẽ không quên lịch sử của cây cầu này. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, tháng 10-1955, Ủy ban Hành chính tỉnh quyết định đầu tư xây dựng đường 217 từ Đồng Tâm đến Na Mèo trong thời gian 5 tháng (gọi là đường 217 vì ngày 21-7 là ngày đầu tiên hòa bình lập lại ở Đông Dương và là con đường hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Lào). Khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, vượt qua nhiều sông suối lớn, rừng núi độ dốc cao, với sức lao động kiên trì, bền bỉ của cán bộ, dân công, tuyến đường 217 dài hơn 91km đã cơ bản hoàn thành, nối liền giữa miền xuôi và miền ngược, giữa hai tỉnh Thanh Hóa - Hủa Phăn, giữa cách mạng hai nước Việt – Lào.

Trong 3 năm (1955-1957), trên tuyến đường huyết mạch này, Thanh Hóa đã vận chuyển cho khu tập kết của bạn ở Sầm Nưa hàng ngàn tấn lương thực, công cụ sản xuất hàng hóa, tiêu dùng. Thời gian đầu, tất cả các phương tiện qua sông Lò đều di chuyển bằng phà. Đến cuối năm 1956, cầu Phà Lò được xây dựng kiên cố, hai mố cầu trên hai bờ sông Lò được làm bằng bê tông cốt thép. Phía trên cầu được bắc bằng những thân gỗ lim lớn và được cố định bằng đinh vít để khi phương tiện qua lại, các khúc gỗ không bị lăn, hai bên thành cầu có hệ thống lan can bằng dây cáp.

Cuối năm 1964, đế quốc Mỹ và bọn tay sai ở Lào tăng cường hoạt động đánh phá trên đất Lào và tìm cách xâm nhập vào biên giới Việt Nam, địa bàn Quan Sơn là một trong những trọng điểm tấn công của địch. Cầu Phà Lò nằm trên Quốc lộ 217 là một trong những mục tiêu đánh phá ác liệt của kẻ thù, hòng cắt đứt con đường giao thông huyết mạch vận chuyển vũ khí, quân nhu sang Lào. Trước tình hình đó, các cấp ủy, chính quyền, quân và dân, các cơ quan, trường học, bệnh xá... trên địa bàn huyện đều được tổ chức sơ tán. Ngày 21-4-1965, không quân Mỹ bắt đầu thực hiện chiến tranh tại địa bàn huyện Quan Sơn. Mục tiêu đánh phá của chúng là 12 điểm, trong đó có cầu Phà Lò. Nắm bắt được ý đồ của địch, các đơn vị vũ trang của ta luôn nêu cao cảnh giác, không ngại gian khổ, quyết tâm chiến đấu. Tại cầu Phà Lò, vào hồi 14 giờ 29 phút ngày 16-7-1966, lực lượng dân quân trực chiến của 3 xã: Trung Thượng, Trung Hạ, Sơn Lư cùng một tiểu đội thuộc Đại đội 188 và Trung đội B41 của địa phương đã bắn rơi chiếc máy bay đầu tiên, mang số hiệu F105 của giặc Mỹ. Chiến công oanh liệt này đã tạo đà cổ vũ, động viên quân và dân dũng cảm chiến đấu, bắn rơi thêm 10 máy bay của giặc Mỹ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quanh khu vực cầu Phà Lò đã phải hứng chịu 14 đợt đánh phá của địch. Trong đó có khoảng 210 quả rocket, 64 quả bom... Quân và dân huyện Quan Sơn đã không quản ngại hy sinh, không tiếc sức người, sức của, bảo vệ nguyên vẹn cầu Phà Lò, giữ gìn tuyến giao thông huyết mạch trên toàn tuyến Quốc lộ 217, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào.

Trải qua thời gian năm tháng, những dấu tích của cầu Phà Lò cũng đã bị mai một, hiện chỉ còn lại hai mố cầu ở hai bờ sông Lò. Ngày 6-4-1970, cầu Phà Lò mới được xây dựng bên cạnh chiếc cầu cũ. Cầu mới được làm bằng bê tông cốt thép, có chiều dài 20m, rộng 6m, bề mặt được rải nhựa. Năm 2011, cầu Phà Lò (cũ) được xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng cấp tỉnh.

Ngày nay, cầu Phà Lò đã được trao sứ mệnh mới, đó là góp phần quan trọng đảm bảo giao thông thông suốt trên Quốc lộ 217, nối liền hai tỉnh Thanh Hóa – Hủa Phăn và hai nước Việt Nam – Lào cùng gắn kết, phát triển lên một tầm cao mới. Cùng với các di tích, danh thắng phụ cận, cầu Phà Lò đang được quy hoạch xây dựng để trở thành một điểm du lịch hấp dẫn của huyện Quan Sơn trong thời gian tới.

* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Di tích lịch sử cách mạng tỉnh Thanh Hóa” NXB Thanh Hóa năm 2019, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy sưu tầm và biên soạn.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc


Bài Và Ảnh: Nguyễn Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]