(Baothanhhoa.vn) - “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn chú trọng công tác dân vận trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở xứ Thanh

Bài 1: “Dân vận khéo” và những quả ngọt trong xây dựng nông thôn mới

Bài 1: “Dân vận khéo” và những quả ngọt trong xây dựng nông thôn mới

Mô hình vườn mẫu ở thôn Xuân Lập, xã Ngọc Phụng (Thường Xuân).

“Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh luôn chú trọng công tác dân vận trong thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

Những ngày đầu hè, chúng tôi trở lại xã Ngọc Phụng (Thường Xuân). Đi trên những con đường bê tông kiên cố chạy dài đến từng cổng ngõ của mỗi hộ dân và thỏa mắt nhìn các khu vườn mẫu mướt xanh cây trái, chúng tôi mới cảm nhận rõ sự đổi thay của một vùng quê miền núi vốn nghèo khó. Năm 2015, Ngọc Phụng là xã đầu tiên trong 7 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ “về đích” chương trình XDNTM. Với mỗi người dân của vùng đất gắn liền với Hội thề Lũng Nhai này, NTM đã tạo ra những thay đổi lớn lao trong cuộc sống, từ cái ăn, cái mặc đến sự hưởng thụ văn hóa tinh thần. Để hiểu rõ hơn cách làm của Ngọc Phụng, chúng tôi tìm gặp ông Lê Xuân Đấu, nguyên bí thư đảng ủy xã - người “đứng đầu và đi đầu” trong quá trình XDNTM ở địa phương. Ông Đấu nhớ lại: “Được tỉnh lựa chọn là một trong những xã điểm XDNTM, đối với Ngọc Phụng vừa là vinh dự, vừa là động lực nhưng trách nhiệm cũng hết sức nặng nề. Năm 2012, xã Ngọc Phụng bắt tay vào XDNTM. Do xuất phát điểm thấp nên giai đoạn đầu xã gặp không ít khó khăn. Nào là nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và người dân về chương trình chưa đầy đủ, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Nào là tập quán canh tác, sản xuất của người dân lạc hậu, đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Cũng tại thời điểm bắt đầu XDNTM, hầu hết các công trình phục vụ sản xuất, đời sống của người dân chưa được đầu tư đồng bộ. Đáng nói hơn, hệ thống giao thông nông thôn trong xã chủ yếu là đường đất. Đây thực sự là bài toán khó cho cấp ủy, chính quyền của xã, bởi 12 tiêu chí còn thiếu đòi hỏi nguồn lực để thực hiện tương đối lớn. Với thực tế của xã thời điểm đó, việc xuất hiện tâm lý “e ngại” là điều khó tránh khỏi. Nhưng được sự động viên của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện, chúng tôi đã cố gắng, nỗ lực làm”.

Bài 1: “Dân vận khéo” và những quả ngọt trong xây dựng nông thôn mới

Nông dân xã Nga Thành (Nga Sơn) thu hoạch khoai tây.

Nhận thức sâu sắc XDNTM là của dân, do dân, vì dân, do đó nhiệm vụ của xã là cần khơi dậy sức dân cùng chung tay XDNTM. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, “Dân vận khéo” đã trở thành công cụ hữu hiệu để đảng ủy, chính quyền và hệ thống chính trị của xã tuyên truyền, vận động làm đổi thay nhận thức, cách nghĩ của Nhân dân. Bên cạnh việc giải thích cho người dân hiểu ý nghĩa, mục đích, tầm quan trọng của xây dựng XDNTM và những nội dung, cách làm, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, đảng ủy xã còn phân công nhiệm vụ cụ thể cho các tổ chức đoàn thể. Ví dụ như: Hội nông dân thực hiện công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân đổi điền, dồn thửa, hiến đất, cải tạo vườn tạp; hội phụ nữ, đoàn thanh niên thực hiện công tác vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm; hội cựu chiến binh đảm nhận việc giải phóng hành lang các tuyến đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, xã thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, lắng nghe, nắm bắt kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân để có hướng giải quyết kịp thời.

Đến thăm những khu vườn mẫu, vùng thâm canh mía, chúng tôi được đi trên những con đường sạch đẹp, đầy đủ hệ thống chiếu sáng ở thôn Xuân Lập. Ông Đấu phấn khởi chia sẻ: “Con đường bê tông dài hơn 1 km chạy từ đầu thôn ra tận cách đồng mía ven sông Âm, với chi phí xây dựng khoảng 1 tỷ đồng do Nhân dân đóng góp. Không chỉ tự nguyện đóng góp tiền, ngày công lao động, để mở đường rộng nhiều hộ dân ở Xuân Lập còn hiến một phần đất ở, đất vườn nữa đấy! Điển hình như gia đình cựu chiến binh Hà Đình Lân đã hiến khoảng 90m2 đất cho con đường này. Sự gương mẫu, đi đầu trong hiến đất làm đường giao thông của cựu chiến binh Hà Đình Lân đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. Đây chính là thành quả “Dân vận khéo” để người dân cùng chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể ở địa phương, nhất là hội cựu chiến binh”. Nhìn vào báo cáo công tác dân vận của xã mới thấy, trong 3 năm triển khai XDNTM, Nhân dân trong xã đã đóng góp 51,4 tỷ đồng, chiếm 45,2% tổng nguồn lực huy động và hơn 38,4 tỷ đồng, chiếm 34,7% tổng nguồn lực huy động để XDNTM kiểu mẫu. Những con số “biết nói” ấy đã khẳng định vai trò quan trọng của hệ thống dân vận ở xã Ngọc Phụng trong thực hiện XDNTM và XDNTM kiểu mẫu.

Cuối tháng 10-2019, Thọ Xuân được công nhận huyện đạt chuẩn NTM. Đây là dấu mốc cho thấy sự “vươn mình” mạnh mẽ của một vùng quê giàu truyền thống lịch sử và văn hóa. Để đạt được kết quả đó, phải kể đến sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự đóng góp to lớn của hệ thống dân vận từ huyện đến cơ sở, nhất là phong trào thi đua “Dân vận khéo trong XDNTM”. Thời điểm bắt đầu triển khai thực hiện chương trình XDNTM, toàn huyện Thọ Xuân mới đạt bình quân 5,6 tiêu chí/xã. Qua rà soát, hầu hết các xã thiếu nhà văn hóa, khu thể thao, cơ sở vật chất phục vụ giáo dục chưa đạt chuẩn, hệ thống giao thông nội đồng, giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng phục vụ cho sản xuất và đi lại mới chỉ đáp ứng được 50% so với yêu cầu. Với mục tiêu xây dựng huyện Thọ Xuân sớm trở thành huyện NTM, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể trong huyện đã tập trung, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng từ huyện đến xã chủ động phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể trong việc nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo trong XDNTM”. Với phương châm “Thường xuyên, liên tục, mọi lúc, mọi nơi” hệ thống dân vận của huyện, cũng như phong trào thi đua “Dân vận khéo trong XDNTM” tập trung vào những vùng đặc thù như đồng bào dân tộc, có đạo và các xã còn nhiều khó khăn để huy động sức mạnh từ Nhân dân cho công cuộc XDNTM. Bằng nhiều hình thức trong tuyên truyền, vận động qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi sinh hoạt chi bộ, họp thôn và đến từng hộ gia đình, huyện Thọ Xuân đã huy động được sức dân đóng góp tiền, hiến đất mở rộng đường giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi ở nông thôn, với tổng kinh phí hơn 3.869 tỷ đồng, chiếm 55,12% tổng nguồn lực huy động cho XDNTM. Trong đó, Nhân dân đóng góp tiền mặt 93,3 tỷ đồng; tham gia 515.000 ngày công lao động, ước tính giá trị khoảng 61,8 tỷ đồng; hiến hàng chục nghìn m2 đất với trị giá 55,8 tỷ đồng. Đồng thời, huyện cũng vận động con em xa quê ủng hộ 112,9 tỷ đồng. Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước đã thực hiện bê tông hóa, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp gần 1.000 km đường giao thông nông thôn và 610,9 km đường giao thông nội đồng; cải tạo, xây mới 141,3 km kênh mương nội đồng; xây mới, nâng cấp 340 nhà văn hóa và khu thể thao thôn; xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp được 8.583 nhà ở dân cư.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”, huyện Thọ Xuân tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống dân vận để cổ vũ, tập hợp quần chúng Nhân dân chung sức hiện thực hóa mục tiêu đến hết năm 2020 có thêm 5 xã đạt NTM nâng cao, 3 xã NTM kiểu mẫu với mức thu nhập bình quân đầu người đạt 46 triệu đồng/năm; phấn đấu đến năm 2030, huyện Thọ Xuân có 100% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng/năm; không còn hộ nghèo và xây dựng huyện đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, trở thành thị xã mới của tỉnh.

Xác định XDNTM không chỉ là cơ sở hạ tầng khang trang, mà vấn đề cần quan tâm là phát triển các mô hình kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân, đầu năm 2012, huyện Nga Sơn ban hành Nghị quyết số 06-NQ/HU về “Vận động Nhân dân dồn, đổi ruộng đất nhằm thực hiện quy hoạch XDNTM”. Thời gian đầu triển khai, nhiều cấp ủy đảng chính quyền gặp khó khăn do một bộ phận cán bộ, đảng viên, Nhân dân chưa hiểu hết được mục đích, ý nghĩa của chủ trương. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, trong đó có cả vận động “cá biệt”, đến hết năm 2012 toàn huyện đã hoàn thành việc dồn đổi ruộng đất. Sau dồn đổi, số thửa đã giảm từ 2,36 thửa/hộ, xuống còn 1,53 thửa/hộ. Đặc biệt, huyện đã dành được 1.151 ha quỹ đất công cho các công trình NTM. Đồng thời, vận động Nhân dân hiến 373,66 ha đất các loại cho đầu tư phát triển giao thông, thủy lợi và các công trình phúc lợi công cộng. Thành công của việc dồn điền, đổi thửa đã tạo điều kiện để huyện vận động Nhân dân đẩy mạnh tích tụ tập trung đất đai, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới cho năng suất, chất lượng, hiệu quả cao. Đến nay, toàn huyện đã thực hiện tích tụ được 115 ha đất phục vụ cho trồng trọt, chuyển đổi hơn 1.106 ha đất canh tác lúa, cói kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong đó, hiệu quả rõ nét nhất phải kể đến các mô hình: Trồng khoai tây liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với hơn 301 ha, giá trị đạt 122,4 triệu/ha/vụ; trồng dưa hấu với diện tích là 117 ha, giá trị đạt 250 triệu đồng/ha/vụ; sản xuất rau củ quả trong nhà kính, nhà lưới được 35.450m2, cho thu nhập từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm; làm mô hình thí điểm khoai lang chế biến tinh bột diện tích 10,25 ha, năng suất 19 tấn/ha, giá trị đạt 86 triệu đồng/ha/vụ; xây dựng vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tại 2 xã Nga Yên và Nga Thành với tổng diện tích 11 ha, giá trị thu nhập bình quân ngoài nhà lưới từ 250-300 triệu đồng/ha/năm. Nhờ sự đổi thay trong tư duy sản xuất mà thu nhập bình quân đầu người của huyện Nga Sơn đạt hơn 43 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2%. Đi liền với những giá trị mới trong sản xuất, huyện Nga Sơn đã huy động được hơn 9.300 tỷ đồng cho XDNTM. Từ nguồn vốn này, nhiều công trình cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn đã được đầu tư, giúp cho diện mạo của quê hương Nga Sơn ngày càng khang trang, đổi mới.

Bằng nhiều cách làm sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ” đã vận động, quy tụ được sức dân để XDNTM. Tính đến tháng 10-2019, tổng nguồn lực huy động XDNTM trên địa bàn tỉnh được hơn 56.394 tỷ đồng. Trong đó, Nhân dân đóng tiền mặt, tham gia ngày công lao động, hiến đất, vật liệu, đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng, chỉnh trang nhà ở 11.974,506 tỷ đồng; còn lại là vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện và vốn lồng ghép các chương trình, dự án, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và HTX. Nhờ nguồn vốn trên, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn của tỉnh đã được đầu tư tương đối đồng bộ. Sau hơn 9 năm XDNTM, các xã trên địa bàn tỉnh đã đầu tư xây mới và nâng cấp, cải tạo được 13.965 km đường giao thông nông thôn; 3.892 km kênh mương; 350 công sở xã và 518 trạm y tế xã; 538 trung tâm văn hóa, thể thao xã; 3.431 nhà văn hóa và khu thể thao thôn, bản... Đến nay toàn tỉnh có 5 huyện gồm: Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc được công nhận đạt chuẩn NTM; TP Thanh Hóa được công nhận hoàn thành XDNTM; các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn và thị xã Bỉm Sơn đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM; toàn tỉnh có 367 xã đạt chuẩn NTM, 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 12 thôn NTM kiểu mẫu.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, kết quả qua 10 năm thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế đã có nhiều kết quả nổi bật: Toàn tỉnh đã xây dựng được 2.325 mô hình, điển hình trên lĩnh vực sản xuất. Nhiều mô hình, điển hình đã thật sự mang lại hiệu quả kinh tế cao, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân được các cấp, các ngành duy trì, nhân rộng. Tiêu biểu như các mô hình: Liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa giống, lúa thương phẩm và chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi có giá trị kinh tế cao ở các huyện Thọ Xuân, Thạch Thành, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Như Thanh; mô hình mạ khay, máy cấy cơ giới hóa đồng bộ ở các huyện Hà Trung, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Như Thanh; cải tạo vườn tạp ở các huyện Ngọc Lặc, Như Xuân.

Sau khi Kế hoạch số 70-KH/BDVTW ngày 26-2-2009 về tổ chức phong trào thi đua “Dân vận khéo” của Ban Dân vận Trung ương được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 532-CV/TU chỉ đạo thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Theo đó, các cấp ủy đảng, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Trong đó, phong trào thi đua “Dân vận khéo trong XDNTM” đã mang lại hiệu quả tác động cao và gặt hái được “quả ngọt” làm đổi thay diện mạo của các vùng nông thôn trong tỉnh.

Trần Thanh

Bài 2: “Dân vận khéo” để giúp đồng bào dân tộc giảm nghèo bền vững.


Trần Thanh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]