(Baothanhhoa.vn) - Đã qua rồi cái thời những người nông dân sớm hôm chân lấm tay bùn nhưng cơm vẫn chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc. Cũng đã qua rồi cái thời các anh, các chị “tay xách nách mang”, để lại đàn con thơ với bố mẹ già đi “tha phương cầu thực” nơi xứ người. Về xã Đông Anh (Đông Sơn) hôm nay, nét tươi vui đang hiện rõ trên gương mặt những con người đã từng một thời tảo tần, lam lũ với gió sương, với đồng ruộng. Cuộc sống của họ đã đổi khác rồi, no ấm hơn, hạnh phúc hơn. Giờ đây, họ đang làm giàu trên chính quê hương mình!

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Ly nông” nhưng không “ly hương”

Đã qua rồi cái thời những người nông dân sớm hôm chân lấm tay bùn nhưng cơm vẫn chẳng đủ ăn, áo chẳng đủ mặc. Cũng đã qua rồi cái thời các anh, các chị “tay xách nách mang”, để lại đàn con thơ với bố mẹ già đi “tha phương cầu thực” nơi xứ người. Về xã Đông Anh (Đông Sơn) hôm nay, nét tươi vui đang hiện rõ trên gương mặt những con người đã từng một thời tảo tần, lam lũ với gió sương, với đồng ruộng. Cuộc sống của họ đã đổi khác rồi, no ấm hơn, hạnh phúc hơn. Giờ đây, họ đang làm giàu trên chính quê hương mình!

“Ly nông” nhưng không “ly hương”

Mộc góc xã Đông Anh hôm nay.

Còn nhớ, thời điểm cách đây 7 năm trở về trước, Đông Anh chỉ là một xã thuần nông, lao động chủ yếu tập trung ở ngành nông nghiệp, do vậy thu nhập của đa số người dân phụ thuộc vào mấy sào ruộng, cuộc sống bấp bênh, chật vật. Vào lúc nông nhàn, hầu hết những người trong độ tuổi lao động phải rời quê hương đến một số tỉnh, thành phố phía Nam để tìm kiếm việc làm. Dù vậy, đồng lương công nhân ít ỏi khiến số tiền dư giả chẳng được là bao. Đáng lo hơn, những đứa con mới chập chững tập đi, tập nói lại phải rời vòng tay yêu thương, chăm sóc của bố mẹ. Chẳng đành lòng, họ trở về quê, tìm một công việc mới thích hợp hơn.

Hôm nay, chính trên mảnh đất này, phía sau những chiếc cổng làng là những ngôi nhà cao tầng nối tiếp nhau trên các trục đường đã được bê tông hóa. Điều đáng nói, những người con của làng đã không phải rời bỏ quê hương đi tìm cuộc sống mới mà ngay tại đây, với bản tính cần cù, chịu khó, họ đã từng bước nỗ lực, vươn lên để thoát khỏi cái đói, cái nghèo và giúp xóm làng, quê hương từng bước “thay da đổi thịt”.

Chị Lê Thị Thúy (sinh năm 1981), trú tại thôn 2, xã Đông Anh là một trong những trường hợp đã từng phải rời quê hương để tìm việc làm. Nhiều năm trước, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo của xã, bố mẹ đều làm nghề nông, nhà đông con nhưng thu nhập chính của cả gia đình chỉ trông chờ vào 3 sào ruộng. Thúy là chị cả, thương bố mẹ và các em đang tuổi ăn học nên năm 2011, chị đành vào Bình Dương làm công nhân trong một công ty may. Cuộc sống xa gia đình với đủ thứ phải chi tiêu, từ tiền thuê nhà, tiền ăn… Mỗi tháng, chị chỉ gửi về quê 1 triệu đồng để phụ giúp bố mẹ nuôi các em ăn học. Đó là khi khỏe mạnh. Lúc ốm đau, số tiền dành dụm được lại phải lo thuốc thang. May mắn thay, từ năm 2016, khi Công ty may Phú Anh chính thức đi vào hoạt động tại xã Đông Anh, chị trở về quê và được tiếp nhận vào làm công nhân tại đó. Sau vài năm làm việc, đến nay mức lương của chị Thúy đã đạt gần 5 triệu đồng/tháng. Vừa có thu nhập, chị vừa sắp xếp được thời gian để lo việc đồng áng và chăm sóc gia đình.

Cũng như chị Thúy, gia đình bà Lê Thị Thùy trú tại thôn 3 nhận thấy nếu chỉ trông chờ vào mấy sào lúa, không biết cuộc sống khi nào mới khá lên được. Do vậy, chị đã cùng chồng bàn bạc, vay mượn của người thân số vốn 30 triệu đồng mở xưởng sản xuất hương, khôi phục lại nghề từ thế hệ trước truyền lại. Nhờ sự cẩn thận, lại chịu khó, nhanh nhẹn, sản phẩm của gia đình chị xây dựng được “thương hiệu” riêng và được nhiều người địa phương cũng như ở một số xã, huyện lân cận lựa chọn. Công việc thuận lợi, số tiền nợ trước đó, anh chị đã trả đủ. Không những vậy, 2 người con sau khi tốt nghiệp THPT đã được bố mẹ khuyên đi học nghề, sau đó cùng xin vào làm việc tại một trung tâm máy tính trên địa bàn huyện.

“Ly nông” nhưng không “ly hương”

Mở xưởng sản xuất hương là lựa chọn đúng của gia đình bà Lê Thị Thùy để “ly nông”mà không phải “ly hương”.

Ngoài những người như chị Thúy, chị Thùy, đa số những người trong độ tuổi lao động tại xã Đông Anh đã lựa chọn con đường “ly nông” để trở thành những người thợ xây, thợ sơn, làm hương, may gia công, làm công nhân tại các công ty, doanh nghiệp hoặc kinh doanh dịch vụ, thương mại.

Vừa có lợi thế nằm dọc theo tuyến Quốc lộ 47, xã Đông Anh còn gần với các doanh nghiệp vùng lân cận như: Khu công nghiệp Đông Bắc Ga, khu công nghiệp Lễ Môn, các Doanh nghiệp khai thác, sản xuất đá ở các xã Đông Tiến, Đông Tân, Đông Hưng…, hơn nữa, vào năm 2016, Công ty may Phú Anh được xây dựng ngay tại trung tâm xã với quy mô 3.000 công nhân và cách đó khoảng 3km là Công ty Kyungvina (xã Đông Ninh) với quy mô 2.000 công nhân đi vào hoạt động đã tạo việc làm ổn định cho nhiều người dân trong xã với thu nhập trung bình từ 3,5 triệu đến 8 triệu đồng/người/tháng.

Theo thống kê của UBND xã, hiện nay, toàn xã có 1.997 người trong độ tuổi lao động. Trong đó tỷ lệ người có việc làm là 1.960 người và chủ yếu tập trung ở các ngành công nghiệp, dịch vụ. Số lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm hơn 15%, số người đi xuất khẩu lao động chiếm khoảng 3%. Toàn xã hiện có 1 doanh nghiệp lớn, 26 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trong xã có 330 hộ tham gia sản xuất, kinh doanh. Đây là lực lượng tạo ra nguồn thu chính, giúp nâng chất lượng cuộc sống và đóng góp nguồn ngân sách đáng kể cho địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lư, chủ tịch UBND xã, cho biết: “Hiện nay, đất nông nghiệp đang dần bị thu hẹp, bên cạnh đó, dù nông nghiệp đã được áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa thực sự đáp ứng được mức sống tối thiểu của người dân. Do vậy, địa phương đang áp dụng nhiều giải pháp thiết thực để chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phát triển thương mại, dịch vụ… nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Cụ thể, như: Vận động thanh niên tham gia các lớp đào tạo nghề, vay vốn phát triển kinh tế, hỗ trợ 3 triệu đồng đối với doanh nghiệp thành lập mới và đơn giản hóa các thủ tục hành chính để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân tham gia phát triển kinh tế tại địa phương…”.

Những giải pháp mà chính quyền địa phương áp dụng thể hiện là hướng đi đúng và đang từng ngày phát huy hiệu quả. Số hộ nghèo giảm đáng kể qua các năm, chất lượng đời sống tăng lên…, nhà cửa được xây dựng khang trang, các công trình văn hóa, phúc lợi xã hội được xây mới, 100% đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa…

Xã Đông Anh hôm nay đang từng ngày đổi mới và thể hiện là một vùng quê giàu, mạnh. Đây là kết quả đáng tự hào cho sự nỗ lực của chính quyền địa phương cũng như những người dân không bao giờ đầu hàng trước khó khăn, gian khó để làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Khánh Đan


Khánh Đan

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]