(Baothanhhoa.vn) - Kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực ngày 1-7-2016), hoạt động xét xử các vụ án hành chính của tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động hành chính của chính quyền địa phương; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử án hành chính vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. 

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giải quyết án hành chính

Kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 (có hiệu lực ngày 1-7-2016), hoạt động xét xử các vụ án hành chính của tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh đã góp phần tích cực trong việc nâng cao chất lượng hoạt động hành chính của chính quyền địa phương; bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử án hành chính vẫn còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc.

Tháo gỡ khó khăn, nâng cao chất lượng giải quyết án hành chínhTòa án Nhân dân tỉnh xét xử án liên quan đến tài chính.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thị Chinh, Chánh tòa Hành chính, cho biết: Luật Tố tụng hành chính 2015 có một số quy định mới, khắc phục những hạn chế trong xét xử án hành chính thời gian qua, từ đó bảo đảm trình tự, thủ tục và thời hạn giải quyết các vụ án hành chính, từng bước nâng cao chất lượng xét xử án hành chính. Cụ thể, tại Điều 31 và 32, Luật Tố tụng hành chính 2015 quy định thẩm quyền giải quyết các vụ án hành chính của TAND cấp huyện và TAND tỉnh có sự thay đổi. Theo đó, những khiếu kiện đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND, chủ tịch UBND cấp huyện do TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm (trước đây nội dung này do TAND cấp huyện giải quyết). Quy định này khắc phục được tình trạng nể nang của TAND cấp huyện trong việc phải tiến hành xét xử đối với những vụ án mà bên bị kiện là cơ quan hoặc người đứng đầu cơ quan hành pháp ở địa phương.

Bên cạnh đó, Khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính còn quy định trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được ủy quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của luật này. Đây là quy định hoàn toàn mới nhằm khắc phục những bất cập trong xét xử án hành chính. Vì trên thực tế cho thấy hầu hết người bị kiện là người đứng đầu trong các cơ quan hành chính Nhà nước thường ủy quyền cho cán bộ, công chức cấp dưới như thanh tra, văn phòng... Những người được ủy quyền này lại không có quyền xem xét, giải quyết những việc liên quan đến các quyết định hành chính bị kiện khiến việc tổ chức đối thoại giữa các đương sự, việc kiểm tra, đánh giá chứng cứ, tranh luận tại phiên tòa không hiệu quả; việc giải quyết vụ án kéo dài, không đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Thi hành luật mới, nếu Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND tỉnh không tham gia phiên tòa thì chỉ được ủy quyền cho cấp phó của mình và cấp phó không được ủy quyền lại cho người khác. Song, người bị kiện (ủy quyền cho cấp phó) lại vắng mặt trong quá trình giải quyết sẽ không tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện quyền khiếu kiện, không bảo đảm sự bình đẳng giữa công dân và cơ quan công quyền trước tòa án.

Đồng chí Nguyễn Thị Chinh cho biết thêm: Kể từ khi Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành, số vụ án hành chính sơ thẩm và vụ án dân sự có liên quan đến quyết định hành chính cá biệt của UBND thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh tăng lên rất nhiều so với trước đây. Từ đầu năm 2020 đến nay, TAND tỉnh đã thụ lý 90 vụ án hành chính sơ thẩm, nhưng mới chỉ đưa ra giải quyết, xét xử được 28 vụ, còn lại 62 vụ chưa giải quyết.

Việc không đưa ra giải quyết, xét xử được án hành chính, dân sự có nguyên nhân chủ yếu từ phía UBND các cấp. Sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án của tòa án, nhiều UBND không kịp thời giao nộp văn bản ý kiến, tài liệu, chứng cứ; hoặc có giao nộp nhưng không đầy đủ, trong đó cá biệt còn có UBND không thực hiện bất cứ yêu cầu nào của tòa án. Theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, thời gian giao nộp văn bản ý kiến, tài liệu chứng cứ là 10 ngày kể từ ngày nhận thông báo thụ lý án (Khoản 1 Điều 128) và người đại diện theo pháp luật là người đứng đầu cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu chỉ có thể ủy quyền cho cấp phó tham gia tố tụng. Người được ủy quyền phải tham gia toàn bộ quá trình giải quyết và thực hiện các quyền, nghĩa vụ của người bị kiện (Khoản 3 Điều 60). Tuy nhiên, đa số người được ủy quyền đều lấy lý do bận công tác không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa, dẫn đến tòa án phải hoãn đi, hoãn lại mất nhiều thời gian. Thực trạng trên đã và đang gây bức xúc đối với tổ chức, công dân khi có vụ việc cần đến tòa giải quyết, ảnh hưởng xấu đến chỉ tiêu, chất lượng giải quyết án hành chính, án dân sự của tòa án; đồng thời tạo ra áp lực đối với thẩm phán, thư ký khi phải giải quyết án hành chính, án dân sự.

Để thực hiện nghiêm Luật Tố tụng hành chính 2015, tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính, thiết nghĩ lãnh đạo cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cần có biện pháp khắc phục tình trạng trên. Trong đó, sau khi nhận được thông báo thụ lý vụ án, phải kịp thời có văn bản ủy quyền, văn bản nêu ý kiến về việc giải quyết vụ án và khẩn trương giao nộp tài liệu, chứng cứ kèm theo; người được ủy quyền phải tham gia các phiên họp, phiên tòa theo giấy triệu tập của tòa án.

Bài và ảnh: Lê Quốc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]