(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa trở về với cuộc sống thường nhật đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong số đó có không ít thương, bệnh binh và cựu chiến binh (CCB) mặc dù mang trên mình thương tật sau chiến tranh nhưng họ đã vượt lên chiến thắng thương tật và khó khăn trong cuộc sống để tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Họ thực sự là những tấm gương giữa thời bình để các thế hệ trẻ noi theo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vượt khó vươn lên giữa thời bình

Chiến tranh đã lùi xa, những người lính năm xưa trở về với cuộc sống thường nhật đã có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong số đó có không ít thương, bệnh binh và cựu chiến binh (CCB) mặc dù mang trên mình thương tật sau chiến tranh nhưng họ đã vượt lên chiến thắng thương tật và khó khăn trong cuộc sống để tiếp tục có những đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Họ thực sự là những tấm gương giữa thời bình để các thế hệ trẻ noi theo.

Vượt khó vươn lên giữa thời bìnhLãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng giấy khen cho người có công tiêu biểu toàn tỉnh năm 2020.

Năm 1981, sau khi xuất ngũ trở về địa phương mặc dù sức khỏe không bảo đảm, nhưng do thời kỳ này kinh tế gia đình gặp khó khăn, nên thương binh hạng 2/4 Đặng Bá Oanh (sinh năm 1957), phố Trung Kỳ, phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn) luôn trăn trở phải làm gì để thoát cảnh đói nghèo. Ban đầu ông làm nghề xây dựng, buôn bán lâm sản để kiếm sống, nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống, do vậy năm 1995 ông chuyển sang thu mua hải sản rồi bán lại cho các đại lý, nhà hàng tại Sầm Sơn và một số địa phương trong tỉnh. Khi công việc làm ăn buôn bán thuận lợi, có lãi, ông đã đẩy mạnh việc thu mua, chế biến hải sản và mở rộng thị trường tiêu thụ không những trong tỉnh mà còn ra một số tỉnh phía Bắc. Cùng với đó, để thuận lợi cho việc thu mua, chế biến, bảo quản hải sản, ngoài nguồn vốn của gia đình, ông đã vay mượn thêm người thân đầu tư trên 2 tỷ đồng xây dựng 2 kho đông lạnh có sức chứa khoảng 150 tấn và mua 1 xe ô tô chuyên dụng phục vụ cho việc thu mua và vận chuyển hải sản đi tiêu thụ. Đồng thời để chủ động nguồn hải sản và sử dụng hết công suất kho lạnh, gia đình tiếp tục đầu tư trên 1 tỷ đồng cho 2 chủ tàu thu mua và 7 chủ tàu đánh bắt, nhờ vậy, gia đình luôn có nguồn hải sản ổn định để cung cấp cho thị trường và khách hàng quen thuộc. Những năm gần đây bình quân mỗi tháng gia đình bán được khoảng 20 tấn hải sản các loại tại thị trường trong và ngoài tỉnh. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình lãi từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng. Hiện cơ sở chế biến và buôn bán hải sản của gia đình đang giải quyết việc làm thường xuyên cho gần chục lao động địa phương, với thu nhập bình quân khoảng 7 triệu đồng/người/tháng.

Còn đối với CCB Nguyễn Thăng Tiền (sinh năm 1955), ở xã Xuân Du (Như Thanh) không những bị nhiễm chất độc hóa học mà 2 trong số 3 người con cũng bị phơi nhiễm chất độc hóa học, bị câm, điếc bẩm sinh. Trước bộn bề khó khăn trong cuộc sống, bằng nghị lực của người lính, gia đình đã tìm mọi cách để tìm hướng thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng. Năm 2000 gia đình được hội CCB xã và Ban Quản lý rừng phòng hộ Sim giao đất, giao rừng bảo vệ và khai thác theo Dự án 327 với tổng diện tích 7 ha (5 ha rừng trồng và 2 ha đất bằng). Được giao đất, gia đình đã mạnh dạn trồng đào cảnh và đào giống (chủ yếu là đào phai) trên diện tích 2 ha. Để mang lại giá trị kinh tế, CCB Nguyễn Thăng Tiền đã chủ động tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm trồng và chăm sóc đào trên các phương tiện thông tin đại chúng và bạn bè, đồng thời quy hoạch phát triển cây đào phai, tạo dáng thế cây đào cảnh và nhân giống bán cho Nhân dân... Nhờ áp dụng các biện pháp khoa học – kỹ thuật, doanh thu từ trồng đào và bán đào giống ngày càng cao. Trong đó năm 2017 là 250 triệu đồng, năm 2018 là 375 triệu đồng và năm 2019 là 350 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình còn có thu nhập 50 - 70 triệu đồng/năm từ chăn nuôi trâu bò sinh sản, lợn nái... Hiện, gia đình tạo việc làm thường xuyên cho 10 - 15 lao động và thời vụ cho 25 - 30 lao động.

Bên cạnh những thương, bệnh binh, CCB vượt khó vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình đã có không ít người tích cực tham gia công tác hội và các phong trào khác tại địa phương, tiêu biểu đó là thương binh hạng 3/4 Nguyễn Đức Huấn (sinh năm 1950), ở xã Liên Lộc (Hậu Lộc). Sau khi nghỉ hưu trở về địa phương năm 1992, ông đã được cán bộ, đảng viên tín nhiệm bầu làm bí thư chi bộ thôn và làm cán bộ hội CCB xã liên tục 25 năm, sau đó ông tiếp tục được bầu làm chủ tịch hội CCB huyện trong hơn 10 năm. Trong thời gian làm chủ tịch hội CCB huyện, ông đã cùng với tập thể lãnh đạo hội CCB huyện chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương; chăm lo xây dựng củng cố tổ chức cơ sở hội, đặc biệt là thực hiện tốt phong trào thi đua CCB gương mẫu và hiến đất xây dựng nông thôn mới... Với những đóng góp của ông, hội CCB huyện đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba. Năm 2015 ông được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen...

Đây chỉ là ba trong số nhiều thương, bệnh binh, CCB đã và đang có nhiều nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình, trở thành những điển hình trong phong trào thi đua CCB gương mẫu tại các địa phương trong tỉnh. Trong những năm qua, Hội CCB tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở hội tập trung lãnh đạo hội viên phát triển kinh tế, nhằm từng bước nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho hội viên, nhất là đối với hội viên là thương, bệnh binh, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin và hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, các cấp hội đã thực hiện tốt việc ủy thác với ngân hàng chính sách xã hội tạo điều kiện để hội viên được vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao các tiến bộ, khoa học - kỹ thuật; đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình... cho hội viên.

Theo đánh giá của Hội CCB tỉnh, sau nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội CCB tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp hội CCB trong tỉnh đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác. Nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra như tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 4,56% xuống còn 1,53%, hộ khá và giàu tăng lên 9,1%; 100% cơ sở hội có quỹ, bình quân đạt trên 700.000 đồng/hội viên... Trong phong trào giúp nhau giảm nghèo, nâng cao đời sống, các cấp hội đã khai thác các nguồn vốn đạt hơn 1.977 tỷ đồng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm cho gần 90.000 lao động là con em CCB.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội, cùng với ý chí, nghị lực của mình đã có rất nhiều thương, bệnh binh, CCB vươn lên trong lao động sản xuất và đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp do CCB, cựu quân nhân, thương, bệnh binh làm chủ đã và đang tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động, với thu nhập ổn định.

Bài và ảnh: Duy Sơn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]