(Baothanhhoa.vn) - Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, những người lính đã xông pha chiến đấu vì độc lập nước nhà. Hòa bình lập lại, trở về địa phương, dù mang trong mình những vết thương, mảnh đạn, nhưng “chất thép” của những người lính ấy vẫn ngời sáng bởi nghị lực vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Những người lính trên “mặt trận” kinh tế

Trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, những người lính đã xông pha chiến đấu vì độc lập nước nhà. Hòa bình lập lại, trở về địa phương, dù mang trong mình những vết thương, mảnh đạn, nhưng “chất thép” của những người lính ấy vẫn ngời sáng bởi nghị lực vượt khó vươn lên trong lao động, sản xuất, làm giàu cho gia đình và quê hương.

Gia đình CCB Lưu Thị Toán, thôn Mỹ Điền, xã Đa Lộc (Hậu Lộc).

Những năm gần đây, vùng biển Đa Lộc (Hậu Lộc) ngày càng có thêm nhiều tấm gương cựu chiến binh (CCB) dám nghĩ, dám làm cùng với bản tính cần cù, ham học hỏi, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của quê hương. Bà Lưu Thị Toán, chi hội trưởng CCB thôn Mỹ Điền là một trong những người như thế. Tiếp chúng tôi, bà Toán phấn khởi bày tỏ niềm vui khi đầm nuôi tôm của gia đình nhiều năm qua đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 1980, sau khi trở về từ chiến trường Lào, cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn, số tiền ít ỏi từ công việc làm thuê tại lò gạch thủ công không đủ để bà nuôi 6 người con đang ở độ tuổi đến trường. Trước áp lực về kinh tế, bà Toán quyết tâm cùng một số CCB khác trong thôn khai hoang đồng cói để nuôi trồng thủy sản. Nhớ lại những ngày đầu triển khai mô hình nuôi tôm, bà Toán chia sẻ: “Năm 2006, với số vốn 12 triệu đồng, tôi đầu tư vào nuôi tôm thẻ chân trắng, thời gian đầu, chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn kiến thức còn hạn chế, khí hậu thất thường, lại bị ảnh hưởng lớn do mưa bão, có những vụ tôm gần như mất trắng”. Nhưng với lòng quyết tâm và ý chí của người lính không ngại khó, ngại khổ, không cam chịu đói nghèo nên bà mạnh dạn vay vốn ngân hàng và nhờ sự giúp đỡ của Hội CCB xã Đa Lộc xây dựng lại cơ ngơi. Lần này, bà mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích, thuê nhân công xây dựng hệ thống kênh mương dẫn nước, xây đắp bờ bao kiên cố. Từ diện tích ban đầu là 8 sào, đến nay đã mở rộng 7 ao nuôi với diện tích 1,5 ha. Mỗi năm, sản lượng trung bình 12 tấn/năm, trừ chi phí bà thu lãi gần 500 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó, thấu hiểu được những nỗi vất vả của những chị em CCB có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương, bà Toán thường xuyên tạo điều kiện giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm, trích vốn của hội CCB giúp các chị em phụ nữ xóa đói, giảm nghèo với số tiền hàng trăm triệu đồng. Ngoài thường xuyên tham gia truyền đạt kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng; với vai trò chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, bà Toán luôn tích cực tham gia, gương mẫu đi đầu trong vận động hội viên phát triển kinh tế, giúp nhau làm giàu và tham gia các phong trào ở địa phương.

“Đã là CCB thì làm gì, ở bất kỳ lĩnh vực nào nếu giúp quê hương phát triển thì dù khó khăn, gian khổ đến mấy cũng phải cố gắng khắc phục, phấn đấu vươn lên để xứng đáng với truyền thống Bộ đội Cụ Hồ” - đó là tâm sự của CCB Hoàng Văn Trúc, ở thôn Luyện Phú, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa). Năm 1971, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông Trúc lên đường nhập ngũ. Chiến tranh ác liệt đã cướp đi của ông 61% sức khỏe và là nạn nhân của chất độc da cam. Năm 1990, ông trở về quê hương, áp lực kinh tế đè nặng lên vai người trụ cột của gia đình. Thế nhưng, quãng thời gian trong quân ngũ đã tôi luyện cho ông bản lĩnh can trường, ý chí vươn lên quyết tâm phát triển kinh tế. Từng là người lính lái xe ở Trường Sơn, ông đầu tư mua xe công nông nhận chở vật liệu xây dựng. Sau một thời gian, ông dùng số vốn 500 triệu đồng, đầu tư mua 2 xe ô tô bán tải, 2 máy múc, nhận thầu xây dựng đường giao thông nông thôn. Tuy tuổi đã cao, nhưng hằng ngày ông vẫn đi kiểm tra chất lượng từng đoạn đường, trực tiếp chỉ đạo xây dựng. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình ông Trúc đã đầu tư hơn 500 triệu đồng cùng người dân ở địa phương xây dựng đường giao thông nông thôn bằng hình thức bỏ vốn rồi thu dần của người dân qua từng năm. Phát triển kinh tế bằng việc xây dựng đường giao thông nông thôn, mỗi năm trừ chi phí ông thu lãi từ 150 đến 200 triệu đồng/năm, ngoài ra còn tạo việc làm và thu nhập cho nhiều người dân ở địa phương.

Trong chiến tranh, họ là những người lính xung kích đi đầu. Trở về với đời thường, họ là những nông dân sản xuất giỏi, làm giàu cho gia đình và cho quê hương. Ông Lê Khắc Kiệu, Chủ tịch Hội CCB xã, cho biết: “CCB xã Hoằng Đạo hiện có 467 hội viên và là xã đầu tiên trên địa bàn huyện Hoằng Hóa thành lập hội CCB sản xuất, kinh doanh giỏi”. Ngoài tấm gương như ông Hoàng Văn Trúc; hội còn nhiều tấm gương phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức như: Chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trang trại tổng hợp...”. Bên cạnh đó, hội còn xây dựng được quỹ dành để hỗ trợ hội viên sản xuất. Thời gian tới, hội CCB tiếp tục triển khai nhiệm vụ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, tạo điều kiện cho các hộ cận nghèo có điều kiện tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, giúp hội viên làm giàu cho bản thân, cho quê hương và cùng với nhân dân trong huyện chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới.

Những ngày tháng 7 lịch sử, những người CCB đang mang trong mình niềm tự hào là người lính Cụ Hồ. Những người như ông Trúc, bà Toán... vẫn ra sức rèn luyện, không khuất phục khó khăn, tiên phong trong phong trào thi đua sản xuất; góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.


Bài và ảnh: Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]