(Baothanhhoa.vn) - Những năm qua, người dân xã Đông Vinh và phường An Hưng, TP Thanh Hóa đã kiến nghị về tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn ở Cụm Công nghiệp Vức trong các hội nghị tiếp xúc cử tri của các ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mới đây nhất, tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh diễn ra ngày 12-11, cử tri đã tiếp tục kiến nghị vấn đề này.

Sống chung với bụi và tiếng ồn

Những năm qua, người dân xã Đông Vinh và phường An Hưng, TP Thanh Hóa đã kiến nghị về tình trạng ô nhiễm bụi và tiếng ồn ở Cụm Công nghiệp Vức trong các hội nghị tiếp xúc cử tri của các ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh, nhưng đến nay vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mới đây nhất, tại hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND tỉnh diễn ra ngày 12-11, cử tri đã tiếp tục kiến nghị vấn đề này.

Sống chung với bụi và tiếng ồnMỗi ngày trên đoạn Quốc lộ 45 có hằng trăm lượt xe chạy qua, khiến bụi bay mù mịt.

Theo phản ánh của cử tri, chúng tôi có mặt tại phố Trần Hưng, phường An Hưng vào cuối tháng 11-2022, đứng gần đoạn cầu Trằng giáp Cụm Công nghiệp Vức, từng đoàn xe tải trọng nặng chở đá, cát, gạch... nối đuôi nhau đi trên tuyến Quốc lộ 45 đoạn qua phường An Hưng kéo theo hàng lớp bụi dày đặc, trắng xóa bao phủ lên cây cối, nhà dân sống bên đường.

Tranh thủ những chiếc xe ô tô hết lượt đi qua trước nhà, ông Nguyễn Ngọc Tám ở phố Trần Hưng cầm vòi nước tưới ra đường, nói đầy bức xúc: “Bụi kinh khủng, nếu một ngày mà không phun 2 đến 3 lần nước ra đường thì không thể sống nổi. Mặc dù nhà tôi đã mua lưới, bạt quây xung quanh tường mà bụi vẫn bay vào trắng cả đồ dùng trong nhà. Không chỉ bụi bay khắp không gian sống mà nhánh sông Nhà Lê trước nhà tôi lúc nào cũng đục ngầu vì bột đá chảy ra. Thậm chí có thời điểm bột đá đọng lại gây tắc dòng chảy, ô nhiễm nguồn nước. Nhiều lần báo chí phản ánh nhưng chưa được cơ quan chức năng giải quyết nên người dân chúng tôi đành phải sống chung với ô nhiễm tiếng ồn và bụi”.

Rời nhà ông Tám, chúng tôi đi dọc tuyến đường từ phố Trần Hưng đến phố Nam Hưng, phường An Hưng, trước nhà mỗi người dân là những đoạn dây ống nước, thậm chí người dân còn đục dây ống nước để tưới phun mưa ra đường cho đỡ bụi. Chứng kiến những chiếc xe ô tô chở bột đá đi từ cụm công nghiệp ra, rơi rớt trên đường, cứ mỗi lần có xe đi qua cuốn lên từng lớp bụi mù mịt, bao phủ không gian sống của người dân.

Bà Nguyễn Thị Dần ở phố Trần Hưng nói: “Mỗi ngày, từ sáng sớm đến tối mịt có hàng trăm lượt xe tải chở vật liệu xây dựng đi trên con đường này. Từ đất, đá, bột đá, gạch, cát... đi qua, rơi rớt trên đường, khiến con đường lúc nào cũng bụi mù. Tôi phải mua hàng chục mét ống nước, lắp máy bơm hút nước từ vũng nước bên hông nhà lên để phun ra đường cho đỡ bụi, thế nhưng bụi vẫn phủ kín cả sân, vườn. Trong nhà, cả ngày đóng cửa mà bụi vẫn bay vào được. Không chỉ ô nhiễm bụi mà hằng ngày chúng tôi phải chịu sự tra tấn từ các loại tiếng ồn trong các nhà xưởng của cụm công nghiệp, tiếng mìn nổ, xay đá từ núi vức phát ra đinh tai, nhức óc... Nếu trước kia biết nơi đây quy hoạch là cụm công nghiệp chế biến đá thì chúng tôi không mua đất ra gần đường ở làm gì. Chỉ mong các cơ quan chức năng sớm có giải pháp quy hoạch lại cụm công nghiệp để trả lại sự yên bình cho người dân”.

Từ nhà bà Dần chúng tôi rẽ vào Cụm Công nghiệp Vức, trong các xưởng sản xuất đá, các loại máy móc, thiết bị chạy đinh tai, nhức óc. Từng đống bột đá được thải ra trên các bãi đất trống, đá thải cũng được đổ trực tiếp ra môi trường cùng với nước thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến người dân sống xung quanh.

Đem phản ánh của người dân trao đổi với Phó Chủ tịch UBND phường An Hưng Nguyễn Đình Lợi, được ông cho biết: Theo quy hoạch, Cụm Công nghiệp Vức có 22,52 ha. Năm 2007 xã Đông Hưng, huyện Đông Sơn (nay là phường An Hưng, TP Thanh Hóa) đã được UBND huyện Đông Sơn giao làm chủ đầu tư Khu Công nghiệp Vức, thực hiện đầu tư hạ tầng với diện tích 18,8 ha, nhưng mới chỉ đắp được nền 2 tuyến đường chính dài 720m, mặt cắt đường hẹp không đủ theo quy hoạch; xây dựng được 1 hồ chứa nước với diện tích 6.253m2 không đúng quy hoạch (quy hoạch là hồ xử lý nước thải). Vì vậy, hạ tầng cụm công nghiệp gần như chưa được đầu tư.

Hơn nữa, vào thời điểm bấy giờ huyện Đông Sơn ủy quyền cho xã quản lý, kêu gọi các doanh nghiệp tự đầu tư san lấp hạ tầng nên các doanh nghiệp không quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng bài bản, đúng quy trình, nhất là hệ thống xử lý nước thải, chất thải trong khu công nghiệp không có dẫn đến mặt bằng quy hoạch cụm công nghiệp bị phá vỡ. Đối với các doanh nghiệp và hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ đã có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các cụm dân cư thì đã tồn tại từ lâu, hiện chưa có cụm công nghiệp phù hợp để yêu cầu các hộ di chuyển.

Theo số liệu rà soát mới nhất của phường, hiện có 45 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đá ốp lát và vật liệu xây dựng đang hoạt động tại cụm công nghiệp. Ngoài nguồn nguyên liệu đá khai thác tại núi Vức, các doanh nghiệp còn khai thác đá tại các mỏ đá trên địa bàn các huyện Hà Trung, Yên Định, Vĩnh Lộc... vận chuyển về nên hằng ngày trên tuyến Quốc lộ 45 qua địa bàn phường lưu lượng phương tiện qua lại rất nhiều, đặc biệt là những xe ô tô chở đá nguyên khối có tải trọng nặng đi qua, dẫn đến ô nhiễm môi trường, khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Chưa kể, đây là làng nghề chế biến đá có từ trước nên có rất nhiều máy móc hoạt động gây ra tiếng ồn trong khu dân cư.

Trước thực trạng trên, phường đã tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở chế biến đá phun nước ra đường, xung quanh khu vực sản xuất để giảm bụi; phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm về vệ sinh môi trường trong cụm công nghiệp... nhưng cũng chỉ là giải pháp trước mắt.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hiện nay trên địa bàn TP Thanh Hóa có 3 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp đã được thành lập. Tổng diện tích đất công nghiệp theo các quy hoạch chi tiết được duyệt khoảng 485,5 ha. Nhìn chung các khu, cụm công nghiệp đã được thành lập trong khu vực có tỷ lệ lấp đầy cao. Tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế như việc sử dụng đất chưa đúng mục đích; đầu tư hạ tầng chưa hoàn thiện; vấn đề ô nhiễm môi trường; vấn đề về vị trí một số khu vực đã đầu tư lâu đời, đến nay đã nằm vào trung tâm đô thị gây ách tắc về giao thông và ô nhiễm đô thị. Lãnh đạo TP Thanh Hóa đã đi khảo sát thực tế tình hình xây dựng, quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn, chỉ đạo các phòng, ban liên quan thành lập tổ công tác phối hợp với các phường, xã có cụm công nghiệp rà soát lại số doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trong cụm công nghiệp, hiện trạng thuê đất của các doanh nghiệp; đánh giá lại hiệu quả hoạt động và việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước của các doanh nghiệp; đánh giá việc thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các cụm công nghiệp, tham mưu phương án để giải quyết, kêu gọi, thu hút đầu tư cho từng cụm công nghiệp và cụm làng nghề một cách cụ thể nhằm đưa các cụm công nghiệp và cụm làng nghề vào khai thác và phát huy hiệu quả.

Bài và ảnh: Minh Vũ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]