(Baothanhhoa.vn) - Sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như chai nước thủy tinh trong các cuộc họp, cốc uống nước bằng giấy, túi giấy đựng thuốc... đang từng bước được áp dụng ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giảm thiểu chất thải nhựa: Đừng chỉ là hình thức

Sử dụng các vật dụng thân thiện với môi trường như chai nước thủy tinh trong các cuộc họp, cốc uống nước bằng giấy, túi giấy đựng thuốc... đang từng bước được áp dụng ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh nhằm thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa.

Giảm thiểu chất thải nhựa: Đừng chỉ là hình thức

Sử dụng làn nhựa đựng thuốc phát cho bệnh nhân được thực hiện tại các khoa phòng của Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa.

Mỗi ngày, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa tiếp đón từ 150 đến 300 người bệnh đến khám, chữa bệnh, chưa kể đến người nhà bệnh nhân, theo đó lượng rác thải sinh hoạt và rác thải y tế cũng rất lớn. Trong số này có một phần rất lớn là túi nilon, sản phẩm nhựa dùng một lần khó phân hủy phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày và từ các hoạt động chuyên môn y tế. Hưởng ứng lời kêu gọi giảm thiểu rác thải nhựa, từ tháng 12-2019, Bệnh viện Ung bướu tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ phát động giảm thiểu rác thải nhựa và ký cam kết giữa các khoa, phòng với Ban Giám đốc Bệnh viện. Bác sĩ CKI Nguyễn Quang Hưng, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Trước những tác động tiêu cực của chất thải nhựa đối với môi trường sống và với sức khỏe của con người; với thông điệp vì môi trường không rác thải nhựa, bệnh viện đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, nhân viên y tế, y, bác sĩ trong bệnh viện và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa trong điều trị bệnh và sinh hoạt. Để hành động vì môi trường không chất thải nhựa, Câu lạc bộ Thiện nguyện Xanh đã trao cho bệnh viện 200 chiếc cặp lồng để phát cho bệnh nhân trong những lần nhận suất ăn tình thương, số cặp lồng này được các khoa bảo quản cho các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện sử dụng. Việc làm này đã giảm một phần đáng kể đồ nhựa dùng một lần tại bệnh viện trong các bữa ăn. Đồng thời, bệnh viện cũng kêu gọi tất cả các bệnh nhân không sử dụng đồ nhựa dùng 1 lần đựng đồ ăn trong các bữa ăn. Bệnh viện cũng đã triển khai sử dụng làn nhựa cấp phát thuốc cho bệnh nhân; dùng bình thủy tinh thay cho chai nhựa trong các cuộc họp và đang xây dựng đề án triển khai hệ thống nước uống toàn bệnh viện...

Bệnh nhân Nguyễn Văn Bình, quê ở Như Xuân đang điều trị tại bệnh viện, chia sẻ: Thông qua truyền thông, tôi đã biết đến phong trào giảm thiểu chất thải nhựa, vì vậy, tôi rất ủng hộ việc sử dụng túi giấy, làn nhựa đựng thuốc hay không sử dụng hộp nhựa, hộp xốp để đựng thức ăn. Và bản thân tôi cũng hạn chế sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường.

Tại Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa – một trong các cơ sở y tế bước đầu triển khai có hiệu quả việc giảm thiểu chất thải nhựa. Bệnh viện đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về tác động của chất thải nhựa đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người tới 100% cán bộ, nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; bổ sung tiêu chí giảm thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động của bệnh viện. Bên cạnh đó, bệnh viện đã tổ chức ký cam kết giữa giám đốc với trưởng các khoa, phòng về giảm thiểu chất thải nhựa.

Bà Lê Thị Quỳnh Nga, Trưởng Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa cho biết: Mỗi ngày, bệnh viện phát sinh hàng trăm kg rác thải y tế và rác thải sinh hoạt, trong đó có khoảng hơn 30 kg chất thải nhựa (như: túi nilon, hộp xốp chứa thực phẩm, nước uống đóng chai...). Việc phân loại rác thải theo từng nhóm riêng đã được các y, bác sĩ và nhân viên của bệnh viện thực hiện tốt. Cùng với đó, đội ngũ cán bộ của các khoa cũng thường xuyên tuyên truyền đến bệnh nhân và người nhà việc phân loại rác thải và giảm thiểu chất thải nhựa, các túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt. Bệnh viện đã giao cho các khoa tự thu gom theo đúng quy định. Tại mỗi khoa, phòng đều có khu vực lưu giữ riêng biệt từng loại rác thải, có biển chỉ dẫn cụ thể. Cuối giờ chiều, nhân viên các khoa vận chuyển đến khu vực lưu giữ chung của bệnh viện để xử lý theo quy trình. Bên cạnh đó, bệnh viện tính toán cố gắng hạn chế đến mức tối đa việc sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần. Nếu như trước đây, tại các cuộc họp của ban giám đốc với các khoa, phòng, các cuộc họp của bệnh viện đều sử dụng nước uống đóng chai bằng nhựa do các đơn vị dịch vụ cung ứng thì đến nay, bệnh viện đã thay thế, sử dụng hoàn toàn các chai thủy tinh đựng nước sử dụng nhiều lần. Ngoài ra, bệnh viện tăng cường tuyên truyền, vận động người nhà bệnh nhân sử dụng cặp lồng, bát inox hoặc các chất liệu khác khi đi mua thức ăn cho người bệnh thay cho hộp xốp, hạn chế sử dụng các loại cốc nhựa dùng một lần.

Thực hiện chỉ thị của Bộ Y tế về giảm thiểu chất thải nhựa, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; phân loại, thu gom và xử lý chất thải y tế theo đúng quy định; tổ chức quán triệt, tuyên truyền các nội dung giảm thiểu chất thải nhựa rộng rãi trong cán bộ, nhân viên ngành y tế, người bệnh, người nhà bệnh nhân trong bệnh viện. Theo đó, các đơn vị đã hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc túi nilon khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo... Cùng với đó, Sở Y tế cũng xây dựng kế hoạch chi tiết cụ thể, lộ trình thích hợp của mỗi đơn vị về việc giảm thiểu chất thải nhựa; lồng ghép giảm thiểu chất thải nhựa vào thực hiện tiêu chí đánh giá chất lượng các bệnh viện; khuyến khích động viên và khen thưởng kịp thời các đơn vị làm tốt việc giảm thiểu chất thải nhựa, tích cực nghiên cứu, áp dụng biện pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị.

Bên cạnh kết quả bước đầu, việc giảm thiểu chất thải nhựa trong các cơ sở y tế vẫn còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là việc giảm lượng chất thải nhựa từ bơm kim tiêm, dây truyền, chai dịch truyền không thể thực hiện được ngay trong một thời gian ngắn mà cần có lộ trình cụ thể và phải chấp nhận chi phí tăng cao so với sử dụng sản phẩm từ nhựa như trước kia. Trong khi đó, việc thay đổi nhận thức, hình thành thói quen cho nhân viên y tế, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân về thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần, hạn chế việc phát sinh chất thải nhựa là một quá trình và cũng mới chỉ bước đầu được thực hiện tại một số cơ sở y tế. Khảo sát tại một số cơ sở y tế, vẫn còn tình trạng sử dụng túi nilon để đựng thuốc cho bệnh nhân; bệnh nhân vẫn còn sử dụng sản phẩm nhựa 1 lần đựng thức ăn, nước uống... Để việc giảm thiểu chất thải nhựa không chỉ là hình thức cần quá trình cụ thể, lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ riêng ngành y tế mà của cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội.

Bài và ảnh: Tô Hà


Bài và ảnh: Tô Hà

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]