(Baothanhhoa.vn) - 14h chiều, dưới cái nắng như thiêu đốt nhưng chị Hồ Thị Thảo vẫn cùng đồng nghiệp cặm cụi dùng những chiếc gậy dài để vớt từng đụn rác bám dưới chân cầu kéo lên bờ nhằm làm sạch lòng kênh, khơi thông dòng chảy.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cần nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước thô trên hệ thống kênh Bắc

14h chiều, dưới cái nắng như thiêu đốt nhưng chị Hồ Thị Thảo vẫn cùng đồng nghiệp cặm cụi dùng những chiếc gậy dài để vớt từng đụn rác bám dưới chân cầu kéo lên bờ nhằm làm sạch lòng kênh, khơi thông dòng chảy.

Cần nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước thô trên hệ thống kênh BắcVớt rác trên dòng kênh Bắc là công việc thường ngày của công nhân thủy nông Chi nhánh Thủy lợi Đông Sơn.

Chị cho biết, trong suốt 10 năm làm việc này, gần như ngày nào chị và đồng nghiệp cũng phải đi tuần kênh, không vớt rác thì kiểm tra, bảo dưỡng kênh, tuyên truyền, vận động bà con nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, không vứt rác xuống dòng kênh... Chị Thảo chia sẻ “Những năm gần đây, tình trạng rác thải bị vứt xuống kênh ngày một nhiều. Cứ vớt sạch ngày hôm nay, ngày mai lại thấy có rác. Vào thời điểm thu hoạch lúa hay có dịch gia súc, gia cầm thì... kinh khủng hơn. Rơm, xác động vật tạo thành những đám lớn dưới các mố cầu, cống tưới gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường, bốc mùi hôi thối rất khó chịu”.

Quan sát công việc của kỹ sư và công nhân thủy nông làm trong những ngày nắng nóng, nghe những chia sẻ của họ mới thấy nghề thủy nông quả là vất vả. “Công việc của cán bộ thủy nông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là thời điểm nắng nóng kéo dài như hiện nay. Để có nước cho bà con sản xuất, cán bộ thủy nông phải lặn lội cả ngày ngoài nắng để lo việc điều tiết nước. Thấy chỗ nào có rác ùn ứ là phải giải quyết ngay để khơi thông dòng chảy” - anh Phạm Hải Thành, Giám đốc Chi nhánh Thủy lợi Đông Sơn cho biết.

Anh Thành cũng cho biết thêm, Chi nhánh Thủy lợi Đông Sơn được giao quản lý, bảo vệ, khai thác và vận hành hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Đông Sơn, trong đó có kênh Bắc có chiều dài hơn 7 km (từ K18+082 - K25+891) để phục vụ sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn huyện Đông Sơn. Những năm trước, mặc dù chi nhánh đã phối hợp với các cấp chính quyền các xã có tuyến kênh Bắc đi qua tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Nhân dân trong bảo vệ công trình thủy lợi, nhưng còn rất nhiều hộ dân ý thức chưa cao vẫn xả rác thải xuống dòng kênh. Số rác này vướng vào gầm cầu, đầu mối kênh cấp 2 gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường. Chi nhánh đã phải phân công cán bộ, nhân viên đi tuần kênh, hằng ngày vớt rác, xử lý và vận chuyển đến nơi quy định. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, người lao động của chi nhánh cũng thường xuyên tuyên truyền cho người dân về Luật Bảo vệ môi trường, Luật Thủy lợi, các nghị định của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều; phòng chống thiên tai, bão lũ... Nhìn chung, 2 năm gần đây ý thức của người dân sống 2 bên bờ kênh Bắc được nâng cao, hạn chế được rất nhiều tình trạng xả rác xuống dòng kênh. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân lén lút chở rác hoặc xác động vật chết bỏ xuống dòng kênh vào lúc giữa trưa, hoặc tối nên rất khó phát hiện được. Những trường hợp phát hiện được, cán bộ thủy nông nhắc nhở nhưng việc xử phạt vi phạm theo quy định là chưa có.

“Thực trạng trên không chỉ ở Chi nhánh Thủy lợi Đông Sơn mà gần như ở các chi nhánh trực thuộc Công ty TNHH MTV Sông Chu đều gặp phải”, anh Nguyễn Văn Chanh, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Công ty TNHH MTV Sông Chu cho biết. Theo Điều 26, Nghị định 104/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc về chủ tịch UBND xã, huyện nơi xảy ra vi phạm hoặc của cơ quan thanh tra và thủ trưởng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều. Mặc dù thời gian qua những trường hợp vi phạm được công ty lập biên bản, đề nghị chính quyền các cấp xử lý, song hiệu quả không cao. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là do chính quyền một số địa phương chưa tích cực vào cuộc, thiếu kiên quyết. Hơn nữa, tại khoản 1, Điều 14, Nghị định 104 vi phạm quy định về đổ rác thải, chất thải; xả nước thải vào công trình thủy lợi còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.

Về công tác phối hợp với các chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho Nhân dân, anh Chanh chia sẻ: Tuyến kênh Bắc bắt đầu từ xã Nam Giang (Thọ Xuân) kéo dài đến gần Cầu Ghép (thị xã Nghi Sơn) khoảng 54 km đi qua các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Đông Sơn và TP Thanh Hóa, 2 bên kênh là các khu dân cư sinh sống. Từ đặc thù đó nên một lượng lớn rác thải từ sinh hoạt, sản xuất thường xuyên đổ xuống kênh. Vì vậy, dọc tuyến kênh, công ty đã xây dựng 9 điểm vớt rác cố định, còn lại ở các chân cầu hằng ngày có công nhân các chi nhánh thủy lợi đi vớt rác. Tính trung bình mỗi ngày công nhân của công ty vớt được từ 30 đến trên 100 khối rác thải trên tuyến kênh Bắc.

Để giảm bớt tình trạng rác thải gây ách tắc dòng chảy, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước thô cho thành phố, công ty đã phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền các nghị định của chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong việc khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, đê điều... Trên thực tế, đã có một số địa phương triển khai rất hiệu quả. Đơn cử như trước năm 2018, UBND huyện Thọ Xuân đã triển khai cho xã 2 bên bờ kênh Bắc tổ chức họp dân, vận động Nhân dân ký vào bản cam kết, đồng thời cấp ủy, chính quyền, đoàn thể vào cuộc tuyên truyền cho Nhân dân không được xả rác xuống dòng kênh. Cách làm trên mang lại hiệu quả cao, lượng rác thải đổ xuống dòng kênh qua địa bàn huyện Thọ Xuân giảm rõ rệt. Hay Chi nhánh Thủy lợi TP Thanh Hóa đã phối hợp với một số phường dọc kênh Bắc ký kết phối hợp với Hội Cựu chiến binh tuyên truyền, vận động Nhân dân không xả rác xuống dòng kênh... Tuy nhiên, vì không được tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng nên các mô hình trên dần không được duy trì nữa.

Mãi đến khi Quyết định 1988/2017/QĐ-UBND ngày 12-6-2017 quy định về vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Thanh Hóa ra đời, các địa phương mới đồng loạt tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác bảo đảm vệ sinh môi trường, đồng thời các địa phương cũng thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nên đã chú ý đến việc xây dựng tiêu chí môi trường và đã ký kết với các công ty thu gom rác thải trong khu dân cư, xây dựng bãi tập kết rác nên lượng rác thải xuống kênh Bắc giảm đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận Nhân dân xả rác xuống dòng kênh, gây ô nhiễm môi trường; vẫn còn có địa phương chưa có bãi tập kết, thu gom rác; chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân không được xả rác thải xuống kênh Bắc...

Theo ông Nguyễn Văn Chanh, các cấp ủy, chính quyền địa phương có tuyến kênh Bắc chạy qua cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trong công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là bảo vệ nguồn nước thô trên dòng kênh Bắc. Đề nghị các cấp hội phụ nữ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên làm tốt công tác bảo vệ môi trường. Đối với chế tài xử phạt phải nên sửa đổi cho phù hợp với thực tế mới đủ sức răn đe những người thiếu ý thức về bảo vệ công trình thủy lợi. Tăng cường thanh tra lĩnh vực môi trường, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.

Bài và ảnh: Tô Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]