Ngày nay, khi nói đến "giày bóng đá", người ta không còn nghĩ đến những đôi giày đen cồng kềnh như trước nữa. Thay vào đó là những đôi giày ôm vừa vặn với chân các cầu thủ được đo đạc cẩn thận. Ngoài ra, chúng còn được hỗ trở bởi rất nhiều công nghệ khác nhau, một trong số đó là công nghệ "anti clog" do Nike sáng tạo ra - một công nghệ nhằm tránh để bùn dính vào bề mặt giày, khiến giày trở nên trơn trượt mỗi khi các cầu thủ thực hiện một pha bứt tốc trong điều kiện sân trơn, bóng ướt.

"Hồi đó tôi có biết đến giày anti-clogs là gì đâu, thế rồi Pablo Hernandez đưa cho tôi một đôi, kể từ đó, tôi mang chúng nhiều hơn ở Leeds", Adam Forshaw, người vừa kết hợp đồng với Norwich chia sẻ với The Athletic. "Đúng là mấy đôi anti-clogs này nặng hơn một chút, nhưng bùn chưa bao giờ dính vào chúng cả".

Chưa dừng lại ở đó. Ngoài công nghệ anti-clogs, chúng ta còn có những công cụ hỗ trợ như boot steamers (công cụ ủ mềm giày), boots ovens (công cụ sưởi ấm giày) và boot stretchers (công cụ kéo giãn giày), tất cả đều được dùng để đem lại trải nghiệm tốt nhất cho các cầu thủ.

Mỗi cầu thủ sẽ có những lựa chọn khác nhau với đôi giày của mình. Một số cầu thủ dễ tính như Trent Alexander-Arnold thì mang ngay khi vừa mới "đập hộp". Một số khó tính hơn thì sẽ yêu cầu nhà sản xuất giày cắt bớt lưỡi đệm giày, gọt bớt phần gót, sắp xếp lại phân đinh giày hay sử dụng một loại da nhất định... Cứ thế, danh sách ngày một dài thêm.

Đơn cử như trường hợp của Declan Rice. Cầu thủ này có tới 25 biến thể giày Adidas khác nhau cho mình. Một cầu thủ khác còn được nhà sản xuất giày thiết kế hẳn một bộ đế giày bespoke (đồ thiết kế riêng-ND) có giá lên tới 10.000 Bảng theo một nguồn thạo tin của The Athletic.

Toni Kroos có lẽ là trường hợp cá biệ. Chàng tiền vệ gốc Đông Đức này đã gắn bó với đôi giày Adidas Adipure 11pro kể từ khi đôi giày này ra mắt lần đầu vào năm 2013, tức đã cách đây 10 năm. Phiên bản này sau đó đã bị dừng sản xuất sau một năm, nhưng Kroos không bao giờ thay thế chúng dù Adidas đã cố gắng "chào hàng" những đôi giày mới cho anh.

"Có trời mới biết vì sao cậu ta lại được quyền làm thế. Tôi nghĩ chắc do cậu ta là người Đức, còn Adidas là công ty của Đức. Nhưng thực sự, cậu là trường hợp duy nhất được ưu ái tới mức đó, bởi các công ty giày luôn muốn các cầu thủ tuân theo quy tắc "mang giày mới" do mình làm ra". Ben Warren, một chuyên gia cung cấp giày cho cầu thủ chuyên nghiệp chia sẻ với The Athletic.

Adidas đương nhiên vẫn giữ kín lý do vì sao Kroos được quyền làm thế. Kể từ đó, hàng loạt tin đồn, giả thuyết, câu hỏi được đặt ra trong giới chơi giày thể thao. Bởi lẽ, hành động này của cầu thủ người Đức đã phá vỡ một nguyên tắc "bất di bất dịch" trong giới thiết kế giày bóng đá. Kể cả khi được hỏi bởi các phóng viên của The Athletic, nhà sản xuất giày chỉ hồi đáp một cách vắn tắt: "Chúng tôi tự hào về mối quan hệ giữa chúng tôi và cầu thủ người Đức".

Theo The Athletic, có một quy tắc "bất di bất dịch" trong bóng đá, đó là các cầu thủ, dù có nổi tiếng đến mức nào đi nữa, cũng phải mang những đôi giày mới nhất của các thương hiệu giày mà họ được tài trợ, đó cũng là lý do vì sao đôi lúc chúng ta sẽ nghe về việc một cầu thủ bị hủy hợp đồng tài trợ giày vì một vi phạm nào đó trong bản hợp đồng của cầu thủ đó với nhà tài trợ giày, vốn được sắp xếp một cách rất tinh vi để các cầu thủ phải thực hiện chúng một cách nghiêm túc.

Theo một người đại diện cầu thủ danh tiếng giấu tên chia sẻ với The Athletic, đôi lúc, các hãng giày khiến các cầu thủ ở Premier League cảm thấy khó chịu, đặc biệt là khi họ thường xuyên bị các hãng giày này gọi điện "chăm sóc" mỗi khi các cầu thủ này không xỏ đôi giày mới nhất mà họ gửi vài ngày trước trận đấu.

"Họ cứ nghĩ là với 60.000 Bảng một năm, họ muốn tôi mang gì thì tôi phải mang", người đại diện cầu thủ này chia sẻ.

Chỉ có hai trường hợp cá biệt, đó là Jack Grealish, người vừa đạt được bản hợp đồng với Puma, và Harry Kane, người vừa ký kết với Skechers là ngoại lệ, dù cả hai cầu thủ này thu về rất nhiều tiền từ những bản hợp đồng tài trợ giày như thế.

"Puma bắt đầu ký kết với nhiều cầu thủ hơn, vì vậy, chúng ta bắt đầu thấy nhiều giày Puma hơn trên sân cỏ. Nhưng có một điều chắc chắn sẽ khiến anh cảm thấy bất ngờ, đó là rất nhiều cầu thủ phải tự mua giày cho mình" - Ben Warren chia sẻ với The Athletic.

Jonathan Tootle, ông chủ của một xưởng "độ giày" chuyên nghiệp ở Anh chia sẻ với The Athletic về trải nghiệm đầu tiên khiến anh bước vào con đường "độ giày", đó là khi anh nhìn vào một bức ảnh chụp cựu tiền vệ Iniesta của Barcelona, khi đó đang mang một đôi giày Nike CTR: "Có thể thấy, đinh giày được gắn ở những chỗ chưa từng được gắn, có nghĩa là chúng đã được gắn sau khi đôi giày được sản xuất. Khi đó, tôi nghĩ trong đầu: "Chà, làm thế nào anh ấy "độ" được đôi giày đấy nhỉ, và tại sao anh ấy lại phải làm thế nhỉ"? Sau đó tôi mới biết rằng anh ấy làm thế để tăng độ bám cho đôi giày của mình. Thực sự rất thú vị khi biết được điều này".

"Sau khi lên YouTube tìm hiểu, tôi mới biết rằng những người lo trang phục cho cầu thủ đã tự "độ chế" giày cho các cầu thủ từ lâu rồi. Đôi giày Copa Mundial của Adidas chẳng hạn, nó đã được độ lại trong cả thập kỷ nay. Thậm chí, tôi có thể dạy anh một khóa độ lại đôi Copa Mundial nếu anh muốn. Đảm bảo, anh sẽ tự độ lại được đôi giày chỉ sau một tiếng cần mẫn làm đấy". Jon Tootle chia sẻ với phóng viên của The Athletic.

"Ấy nhưng đôi này thì lại khác đấy", Tootle chia sẻ với phóng viên The Athletic rồi cầm một đôi giày Nike Air Zoom Mercurial Vapor lên. "Với những khuôn giày như thế này, nếu anh cắt sâu quá, chúng sẽ bị rỗng ở bên trong. Khi đó, anh sẽ không có chỗ để cố định những chiếc đinh giày, và thế là hỏng cả đôi giày".

Theo thống kê của Tootle, mỗi một sai lầm trong việc độ lại giày cho cầu thủ chuyên nghiệp có thể khiến anh mất đi trung bình 200 Bảng.

Các nhãn hàng giày luôn cảnh báo các cầu thủ về việc căn chỉnh lại đôi giày của mình, nhưng các cầu thủ lại luôn đặt niềm tin vào những chuyên gia độ giày như Jonathan Tootle, một trong số đó là phần đế giày. Vậy, tại sao các cầu thủ lại tập trung nhiều vào phần đế giày đến thế?

"Một số cầu thủ ưa chuộng những đôi giày đế bằng vì chúng nhẹ hơn và giúp họ cử động linh hoạt hơn. Một số thì lại muốn đế giày có 4 đinh hoặc hai đinh ở phần đế giày. Đương nhiên, những đôi giày như thế không tồn tại trên thị trường, vậy nên, tôi sẽ phải chế lại chúng cho họ" - Tootle chia sẻ với phóng viên của The Athletic.

"Ví dụ như Zaha, cậu ấy thích đôi giày Nike GreenSpeed 360, một đôi giày thân thiện với môi trường với phần phía sau đen và phần phía trước xanh lá. Nhưng mấy đôi giày này lại không có đinh, vì vậy, tôi phải chế thêm đinh cho cậu ấy để mang ở Premier League. Một số khác, như Jamal Lowe chẳng hạn, thì lại thích những chiếc đế giày bespokes (đế giày được thiết kế riêng - ND), vì vậy, tôi làm hẳn 2 cặp đế giày 4 đinh cho hai đôi giày của cậu ấy".

Vậy, làm thế nào để một cầu thủ biết được nên lắp đinh ở đâu? Khi được hỏi, Tootle đã chia sẻ một trường hợp, đó là Aiden McGeady. Cụ thể, theo Tootle: "McGeady muốn tháo mấy cái đinh ở rìa giày vì anh ấy thường xuyên đạp bóng".

Vừa nói, Tootle vừa lấy xuống một đôi giày Adidas từ giá để giày của mình: "Tôi làm đôi giày này cho Edouard Mendy. Mendy mang đôi giày này trong 30 trận, sau đó, nhân viên chăm sóc quần áo của cậu ấy, Ricky Dowling, nhờ cậu ấy ký tên lên đôi giày này rồi gửi chúng cho tôi".

Khi được hỏi về đôi giày này, Tootle không ngại ngần chia sẻ: "HLV của Chelsea thời điểm đó thường xuyên phàn nàn chuyện Mendy bị trượt chân sau khi thực hiện các pha phát bóng lên. Nguyên nhân vì cậu ấy mang cỡ giày 12,5, vì vậy, khoảng cách giữa những chiếc đinh trên đế giày của cậu ấy quá xa, dẫn đến việc cậu ấy dễ bị trượt ngã mỗi khi phát bóng lên".

Thông thường, Tootle sẽ lấy giá 44,99 Bảng cho một lần "độ" đế giày, một số tiền rất mềm với một cầu thủ Premier League.

Sau khi đã khoe những đôi giày mình từng "độ", Tootle tiếp tục khoe những chiếc đinh giày: "Nhìn này, đây là những cái đinh tôi sử dụng cho các cầu thủ chuyên nghiệp đấy", Tootle vừa chia sẻ vừa cầm trong tay một khay đầy những chiếc đinh giày hẹp hơn bình thường.

"Tôi có hai loại, một loại 11 milimet và một loại 13 milimet, 11 milimet cho mũi giày và 13 milimet cho gót giày. Cũng có cả đinh 15 milimet nữa, nhưng các cầu thủ lại không chuộng loại này. Có một “truyền thuyết” trong giới chăm sóc đồ dùng cầu thủ rằng Wayne Rooney từng kêu người chăm sóc đồ cho mình lắp những cái đinh giày 15 milimet vào đế giày của anh ta, thế là Rooney đã khiến John Terry gặp phải chấn thương rất nặng" - Tootle tiếp tục chia sẻ với phóng viên  The Athletic.

Theo chia sẻ của Tootle, các cầu thủ rất ngại việc phải thay giày thường xuyên bởi rất nhiều lý do, từ việc mang đôi giày đó sẽ khiến họ cảm thấy dễ chịu hơn tới những lý do mang màu sắc tâm linh khác.

Như để chứng minh cho điều này, ở cuối buổi phỏng vấn, Tootle đã cho phóng viên của The Athletic chiêm ngưỡng một đôi giày thi đấu của một cầu thủ chuyên nghiệp ở Premier League, một đôi giày tả tơi tới mức bộ đinh giày đã hoàn toàn gẫy nát, còn những chi tiết khác trên đôi giày đã bị bong tróc hoàn toàn. Vừa cầm đôi giày trên tay, Tootle vừa khoe một cách đầy tự hào: "Nhìn cái đôi giày này xem. Giày của cầu thủ chuyên nghiệp ở Premier League trông phải như thế đấy"!.

Nội dung: KDNX

Ảnh: Tư liệu Internet

Đồ họa: Mai Huyền