(Baothanhhoa.vn) - Xã Trung Tiến (Quan Sơn) có hơn 3.000 ha đất rừng sản xuất, chiếm gần 85% diện tích đất tự nhiên của xã. Phát huy tiềm năng đó, những năm qua, xã tích cực vận động Nhân dân phát triển kinh tế rừng, từ đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Xã Trung Tiến phát triển kinh tế rừng

Xã Trung Tiến phát triển kinh tế rừng

Mô hình trồng rừng của gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở bản Lầm, xã Trung Tiến (Quan Sơn).

Xã Trung Tiến (Quan Sơn) có hơn 3.000 ha đất rừng sản xuất, chiếm gần 85% diện tích đất tự nhiên của xã. Phát huy tiềm năng đó, những năm qua, xã tích cực vận động Nhân dân phát triển kinh tế rừng, từ đó tạo việc làm và nâng cao thu nhập.

Thời gian qua, cùng với các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước cho công tác phát triển rừng, việc người dân phát triển kinh tế rừng đã và đang trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn xã Trung Tiến. Bên cạnh đó, xã vận động Nhân dân chuyển đổi từ trồng rừng truyền thống sang trồng rừng kinh tế theo hướng thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Đến nay, hầu hết diện tích rừng sản xuất được người dân chuyển sang trồng cây keo để làm nguyên liệu giấy và băm dăm.

Thu nhập từ rừng đã giúp nhiều hộ dân trên địa bàn xã thoát nghèo bền vững và đang hướng đến làm giàu. Gia đình bà Nguyễn Thị Lan ở bản Lầm là một trong số những hộ trồng rừng cho thu nhập cao ở xã Trung Tiến. Bà cho biết sau nhiều năm kiên trì với trồng rừng, gia đình bà hiện có hơn 10 ha rừng trồng và toàn bộ là cây keo, trung bình mỗi năm cho thu lãi gần 200 triệu đồng. Theo chân bà lên rừng keo đã hai năm tuổi, bà vui vẻ tâm sự: “Trồng rừng là nguồn thu nhập chính của gia đình tôi. Lãi được bao nhiêu tôi lại quay vòng vốn đầu tư cải tạo đất, mở rộng diện tích vì thấy rủi ro ít lại cho thu nhập cao”.

Ông Lò Văn Quyến, Chủ tịch UBND xã Trung Tiến cho biết: “Với diện tích đất lâm nghiệp lớn, chiếm gần 85% tổng diện tích đất tự nhiên. Để quản lý, bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, UBND xã đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện ký cam kết giữa xã với các thôn, bản và giữa các khu với từng hộ dân về công tác quản lý, bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, xã chỉ đạo các phòng, ban, đoàn thể tăng cường phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật về phát triển lâm nghiệp. Đồng thời, tăng cường phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các xã lân cận cùng các chủ rừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân thực hiện tốt các quy định về quản lý, bảo vệ rừng. Diện tích rừng cũng được địa phương rà soát và giao khoán đến các hộ và nhóm hộ dân đầu tư, phát triển kinh tế từ trồng rừng với các loại cây lâm nghiệp chủ yếu, như: luồng, nứa, vầu, gỗ vườn, lá dong... Tổng thu từ kinh tế đồi rừng của xã đạt hơn 10 tỷ đồng/năm”.

Nhờ thực hiện tốt các quy định về đất đai và công tác tuyên truyền về lợi ích kinh tế từ trồng rừng đến người dân, nên diện tích trồng rừng ở xã Trung Tiến năm sau luôn cao hơn năm trước. Việc bà con nông dân đã triển khai thực hiện có hiệu quả công tác trồng rừng đã giúp cho nhiều vùng đất trống với các loại cây mọc tự nhiên không có giá trị kinh tế nay được phủ lên các loại cây lâm nghiệp giá trị kinh tế cao. Qua đó, đã tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, cải tạo được môi trường sinh thái và tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội ở địa phương phát triển. Trên địa bàn xã, ngày càng xuất hiện nhiều gương làm giàu từ phát triển kinh tế đồi rừng, điển hình như: mô hình trồng rừng của ông Lò Văn Mỹ ở bản Đe; mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rừng của gia đình ông Hà Văn Mạnh ở bản Pọng; cơ sở chế biến lâm sản Tam Long ở bản Toong... 6 tháng đầu năm 2020, người dân xã Trung Tiến đã khai thác hơn 250.000 cây luồng, gần 100m3 xoan vườn, lát vườn 10m3; trồng 1.200 cây phân tán... Qua đó, góp phần nâng mức thu nhập bình quân đầu người của xã hiện nay lên 25,5 triệu đồng/năm, tăng 17,3 triệu đồng so với năm 2015.

Phát triển kinh tế đồi rừng đã giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để kinh tế đồi rừng phát triển bền vững, thời gian tới, xã Trung Tiến cần tiếp tục nhân rộng những mô hình có hiệu quả, tuyên truyền nâng cao nhận thức về lợi ích kinh tế đồi rừng và khuyến khích người dân đưa những giống cây lâm nghiệp có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất.

Lương Khánh


Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]