(Baothanhhoa.vn) - Trồng nấm là mô hình kinh tế không cần quá nhiều vốn, quy trình chăm sóc đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng những lợi thế đó, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Thanh Hóa đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật, đưa vào trồng thử nghiệm nấm sò, nấm linh chi, mộc nhĩ tại các hộ gia đình, bước đầu phát huy có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

Tin liên quan

Đọc nhiều

TP Thanh Hóa nhân rộng các mô hình trồng nấm, mộc nhĩ

Trồng nấm là mô hình kinh tế không cần quá nhiều vốn, quy trình chăm sóc đơn giản nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tận dụng những lợi thế đó, thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Thanh Hóa đã thực hiện chuyển giao kỹ thuật, đưa vào trồng thử nghiệm nấm sò, nấm linh chi, mộc nhĩ tại các hộ gia đình, bước đầu phát huy có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân trên địa bàn.

TP Thanh Hóa nhân rộng các mô hình trồng nấm, mộc nhĩ

Mô hình trồng nấm của gia đình anh Phạm Lân Quang, phường Đông Hải cho hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tuyên ở thôn 2, xã Thiệu Khánh là một trong những điển hình về trồng nấm trên địa bàn. Năm 2016, được hỗ trợ, chuyển giao khoa học - kỹ thuật của Trạm Khuyến nông TP Thanh Hóa (nay là Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Thanh Hóa), gia đình ông đã mạnh dạn bắt tay vào sản xuất nấm, mộc nhĩ theo quy trình khép kín, đầu tư khoa học - kỹ thuật. Ngay từ năm đầu tiên thực hiện mô hình, ông đã sản xuất được hơn 15 vạn nấm sò, nấm linh chi và mộc nhĩ, thu được gần 35 tấn sản phẩm. Bên cạnh đó, ông còn cung cấp hơn 2.000 túi giống nấm, mộc nhĩ cho các hộ sản xuất trong tỉnh. Từ thành công của mô hình, ông Tuyên đã chia sẻ, đào tạo và dạy nghề miễn phí cho các hộ dân có nhu cầu. Đến nay, đã có 10 hộ gia đình xây dựng và phát triển thành công mô hình sản xuất nấm tại địa phương. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, mô hình trồng nấm, mộc nhĩ của gia đình ông Tuyên thu lãi hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 5 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng.

Mô hình trồng nấm, mộc nhĩ hữu cơ của anh Phạm Lân Quang, phố Ái Sơn 2, phường Đông Hải, cũng là một trong những mô hình được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Thanh Hóa hỗ trợ chuyển giao khoa học - kỹ thuật, với định hướng đây sẽ là cơ sở vừa sản xuất, vừa đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng nấm hữu cơ cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xây dựng và phát triển mô hình. Hiện nay, cơ sở sản xuất nấm, mộc nhĩ của gia đình anh Quang có quy mô hơn 80.000 bịch/năm; trong đó, nấm sò duy trì sản xuất với số lượng 40.000 bịch/năm, mộc nhĩ 20.000 bịch/năm, nấm linh chi 20.000 bịch/năm. Mỗi năm thu hoạch được 25 tấn nấm sò, 5 tạ nấm linh chi, 10 tấn mộc nhĩ, thu lãi khoảng gần 500 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, cơ sở của anh Quang còn tự sản xuất các loại giống nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi để cung ứng cho các trại trồng nấm vệ tinh; đồng thời, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng nấm cho chủ của các trại nấm vệ tinh. Sản phẩm của các trại vệ tinh này sẽ được anh đứng ra thu mua toàn bộ theo giá thị trường. Với cách làm nói trên, hiện anh đã phát triển được 5 trại nuôi nấm vệ tinh tại các huyện: Hoằng Hóa, Tĩnh Gia, Vĩnh Lộc và Hậu Lộc.

Trồng nấm cần nguồn vốn ít, quy trình kỹ thuật không khó nhưng đòi hỏi người trồng phải tỉ mỉ, cẩn thận trong khâu chọn giống đến khâu chăm sóc và thu hoạch, nhất là phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình phát triển của nấm để có biện pháp can thiệp kỹ thuật kịp thời giúp nấm phát triển tốt hơn. Trồng nấm có thể tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi tại chỗ, công chăm sóc ít nhưng hiệu quả kinh tế đạt cao. Hiện nay nhu cầu của thị trường về nấm khá phong phú, nên nấm thành phẩm được tiêu thụ dễ dàng. Ông Hà Huy Trinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP Thanh Hóa, cho biết: Tiềm năng để người dân mở rộng trồng nhiều loại nấm, mộc nhĩ là rất lớn do có nguồn nguyên liệu phong phú, nguồn lao động dồi dào, điều kiện thời tiết thuận lợi có thể trồng quanh năm. Hiện tại các mô hình nấm, mộc nhĩ trên địa bàn TP Thanh Hóa đang phát triển khá tốt, đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân. Sản xuất nấm, mộc nhĩ đang từng bước phát triển theo hướng chuyên nghiệp, quy mô tập trung gắn kết từ khâu sản xuất, đến sơ chế, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm. Mô hình trồng nấm, mộc nhĩ không chỉ tạo việc làm cho người dân, mà còn góp phần bảo vệ môi trường. Thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền có giải pháp nhân rộng mô hình, khuyến khích người dân đầu tư vào trồng nấm để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Bài và ảnh: Lương Khánh


Bài Và Ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]