(Baothanhhoa.vn) - Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một đề án quốc gia về khởi nghiệp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp

Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam đến năm 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 844/QĐ-TTg ngày 18-5-2016, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có một đề án quốc gia về khởi nghiệp.

Nước mắm truyền thống của Công ty TNHH thực phẩm Lê Gia hiện đã xuất hiện tại các chuỗi cung ứng thực phẩm cao cấp.

Đề án nhấn mạnh sự gắn kết giữa các bộ, ngành, địa phương nhằm phát triển từng thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp một cách đồng bộ và phát triển sự liên kết của các thành phần để hệ sinh thái bền vững, tạo điều kiện thuận lợi nhất do các cá nhân, doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp. Tại Thanh Hóa, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng ban hành những chương trình, đề án, kế hoạch hưởng ứng tích cực tinh thần khởi nghiệp. Điển hình là “Đề án phát triển DN trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh có 20.000 DN.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, cá nhân khởi nghiệp, nhiều hành động cụ thể nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, lấy DN là đối tượng phục vụ đã được triển khai nhằm bảo đảm quyền bình đẳng về tiếp cận các nguồn lực cho các DN hoạt động. Phong trào khởi nghiệp cũng được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều hình thức, như: Khuyến khích người dân thành lập DN mới; quan tâm, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển sang hoạt động theo hình thức DN; khơi dậy và ươm tạo ước mơ khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên; thực hiện các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên... Trong 2 năm 2017 và 2018, tỉnh cũng dành nguồn ngân sách khoảng 20 tỷ đồng/năm cho công tác đào tạo khởi sự DN và bồi dưỡng doanh nhân, hỗ trợ các hộ cá thể, các DN, cá nhân khởi nghiệp, sáng tạo.

Cùng với những đường hướng đã vạch ra, “làn sóng” khởi nghiệp trên địa bàn cũng “bùng” lên mạnh mẽ. Nhiều mô hình hay, cách làm mới lạ, nhiều ý tưởng táo bạo được thử nghiệm và đi dần đến thực thi, góp phần lan tỏa không khí lập nghiệp trong các DN, cá nhân khởi nghiệp.

Sinh ra và lớn lên trên vùng đồi Lập Thạch (Ngọc Lặc), anh Bùi Văn Phương luôn ấp ủ ý tưởng xây dựng một cái gì đó của riêng mình trên chính quê hương. Sau quá trình tích lũy kinh nghiệm, năm 2014, anh Phương quyết tâm trở về quê hương và nghiên cứu thực hiện mô hình trồng cam Hàm Yên. Đây là giống cam có nguồn gốc từ Tuyên Quang, để xem xét sự phù hợp của điều kiện thổ nhưỡng, anh đã cất công học hỏi và thử nghiệm để xác định khả năng thích nghi. Ý tưởng của anh ban đầu không được sự ủng hộ của gia đình do thiếu vốn và sự mạo hiểm. Để làm đường vận chuyển cây giống, vật tư nông nghiệp lên đồi, cùng số vốn tích lũy trong quá trình đi làm, anh phải đi vay mượn anh em, bạn bè để thực hiện. Năm 2015, anh Phương trồng thử nghiệm 700 gốc cam Hàm Yên. Sau hơn 1 năm, đồi cam sinh trưởng, phát triển rất tốt. Từ những tín hiệu vui ấy, năm 2016, anh Phương đầu tư trồng thêm 800 gốc cam. Đến nay, diện tích đồi cam của anh đã mở rộng lên hơn 5 ha với 2.000 gốc. Lứa đầu tiên cho thu hoạch, sản lượng được 3 tấn, thu nhập khoảng 60 triệu đồng. Anh Phương cho biết, trong thời gian tới sẽ đầu tư vốn, nghiên cứu khả năng tiêu thụ để phủ hết toàn bộ 8 ha đồi của gia đình bằng giống cam này.

Trên địa bàn tỉnh, nhiều tấm gương khởi nghiệp cũng đã khẳng định được hiệu quả và thành công, như: Doanh nghiệp khai thác và chế biến đá của anh Lê Đình Hiền ở huyện Yên Định, trang trại sinh thái nông nghiệp hữu cơ của anh Nguyễn Minh Thức ở huyện Yên Định, doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống mang thương hiệu Lê Gia của anh Lê Anh ở huyện Hoằng Hóa, mô hình xây dựng HTX chăn nuôi và dịch vụ gà của anh Lê Văn Tùng, xã Thọ Sơn (Triệu Sơn)... Tại cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên lần thứ 2 năm 2018 do Tỉnh đoàn phát động, nhiều ý tưởng khởi nghiệp đạt giải và được đánh giá cao, trong đó có những ý tưởng đã được thực thi mang lại hiệu quả, như: Nhà máy sản xuất đèn LED ABC Việt Nam của tác giả Nguyễn Hữu Thế ở TP Thanh Hóa, xây dựng nền tảng công nghệ nhà thông minh cho doanh nghiệp của nhóm tác giả ở xã Quang Trung (Ngọc Lặc), góc chợ quê giữa lòng thành phố của tác giả Bùi Thị Dung ở thị trấn Thọ Xuân (Thọ Xuân)...

Trở lại với các nhân vật của phong trào khởi nghiệp, khi đã trở thành chủ nhân của ý tưởng, là người trực tiếp điều hành dự án sản xuất của riêng mình, các cá nhân có quyền và phải chịu trách nhiệm với những quyết định của riêng mình. Vậy nhưng, mạnh dạn bứt phá từ những “người làm thuê” trở thành chủ các DN, cá nhân khởi nghiệp gặp không ít khó khăn, thách thức trên con đường biến ý tưởng, dự định thành hiện thực.

Một trong những khó khăn hiện nay của các DN, cá nhân khởi nghiệp là nguồn vốn. Mặc dù đã có những thay đổi, tuy nhiên chính sách về vốn hiện nay vẫn chưa dễ tiếp cận, nhất là nguồn vốn ưu đãi còn ít và thủ tục đôi khi chưa thực sự phù hợp. Với kênh khởi nghiệp của thanh niên, đoàn thanh niên các cấp trong tỉnh đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngân hàng ban hành chính sách tạo nguồn lực về vốn cho thanh niên giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Tính đến nay, nguồn vốn chính sách ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thanh Hóa do tổ chức đoàn quản lý là hơn 746 tỷ đồng. Trong đó nguồn vốn vay Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn mà Tỉnh đoàn quản lý là 2,15 tỷ đồng cho 26 dự án thanh niên vay mở rộng. Bên cạnh đó, từ năm 2017, đề án “Chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp” cho đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai với kinh phí 10 tỷ đồng. Đến nay đã có 36 mô hình sản xuất được thụ hưởng nguồn vốn với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, nhu cầu vốn để khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên còn rất lớn, nhất là với các dự án muốn đầu tư bài bản.

Bên cạnh đó, các DN, cá nhân khởi nghiệp hiện vẫn còn gặp khó trên thương trường và thiếu sức cạnh tranh do thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, thiếu lao động trình độ cao, thiếu thông tin thị trường, vấp phải sự ngăn cản của gia đình về sự mạo hiểm. Trong khi đó, việc tiếp cận các dịch vụ công như cấp chứng chỉ hành nghề, lĩnh vực đất đai, xây dựng,... chưa cải thiện khiến các DN, cá nhân và những người có ý định khởi nghiệp... chùn bước.

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, toàn tỉnh có hơn 20.000 DN, tỉnh Thanh Hóa đang xây dựng lộ trình từng bước nâng cao số lượng và chất lượng DN. Trong đó, năm 2018, tỉnh ta phấn đấu thành lập mới 3.000 DN. Chương trình khởi nghiệp là một trong những động lực khuyến khích ham muốn thành lập DN trong nhân dân. Tuy nhiên, để khởi sự DN thành công, cần sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cũng như nỗ lực của bản thân chủ thể DN. Trong đó, các cấp chính quyền cần sớm triển khai xây dựng cơ chế hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng; các chính sách hỗ trợ về thuế, phí, tiếp cận khoa học công nghệ đối với DN; đơn giản hóa thủ tục tiếp cận đất đai; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để các DN, cá nhân thuận lợi hơn nữa trong hành trình khởi nghiệp. Các DN, cá nhân khởi nghiệp cần chủ động trang bị cho mình những hành trang cơ bản về kỹ năng tiếp cận, phân tích thị trường, các nguồn lực cơ bản để đầu tư sản xuất và khởi nghiệp thành công.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]