(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của cơ chế thị trường, các làng nghề gặp không ít khó khăn, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, cùng với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực để tìm hướng đi mới, phù hợp với thực tế hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thúc đẩy phát triển các làng nghề

Thời gian qua, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Tuy nhiên, trước sự thay đổi của cơ chế thị trường, các làng nghề gặp không ít khó khăn, nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm. Do vậy, cùng với sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, các làng nghề trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực để tìm hướng đi mới, phù hợp với thực tế hiện nay.

Thúc đẩy phát triển các làng nghề

Sản xuất nón lá tại xã Trường Sơn (Nông Cống).

Trải qua bao thăng trầm và những thách thức về thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện Nông Cống vẫn trụ vững và ngày càng phát triển. Điển hình như: Làng nghề nón lá Trường Giang, hương bài Vạn Thắng, miến gạo Thăng Long, mây tre đan Tân Thọ... Thời gian qua, các làng nghề ở huyện Nông Cống đã không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, mẫu mã phù hợp thị hiếu, nhu cầu của người tiêu dùng. Nhờ vậy, thị trường được mở rộng, doanh thu tăng qua từng năm. Hiện nay, ngày công của một lao động tại các làng nghề đạt từ 250 đến 300 nghìn đồng/người/ngày. Với mức thu nhập ổn định, đời sống của người dân ở các làng nghề ngày càng nâng cao. Xác định được tầm quan trọng của các làng nghề trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, những năm qua, huyện đã chỉ đạo đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp phát triển làng nghề, như: Chỉ đạo các xã, thị trấn quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm làng nghề để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường; tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc giữ gìn và phát triển làng nghề; xây dựng kế hoạch triển khai theo từng năm, từng giai đoạn; kịp thời phát hiện, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, tập trung đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, có cơ chế khuyến khích các chuyên gia, nghệ nhân, thợ giỏi trong và ngoài địa phương tham gia dạy nghề.

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 118 làng nghề với 36 nghề tiểu thủ công nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 90 nghìn lao động khu vực nông thôn, thu nhập bình quân đạt từ 3,5 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Những năm qua, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề truyền thống, nhằm duy trì và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, như: Ngân sách tỉnh đã hỗ trợ hàng chục tỷ đồng cho hoạt động khuyến công; hỗ trợ cho làng nghề, cơ sở làng nghề tiểu thủ công nghiệp... Đồng thời, tổ chức tôn vinh hàng chục nghệ nhân thợ giỏi ở các làng nghề, nhằm biểu dương những người có bề dày kinh nghiệm, có tâm, trí, có khả năng sáng tạo, góp phần quan trọng thúc đẩy các làng nghề phát triển. Một số nghề hiện nay đang phát triển mạnh, như: Đúc đồng, mây tre đan, chế biến nông sản thực phẩm, chế biến gỗ gia dụng, đồ mỹ nghệ, cơ khí nhỏ phục vụ nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến hải sản... 8 tháng năm 2020, tổng doanh thu của các làng nghề đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển các làng nghề vẫn còn một số hạn chế, như: Sản xuất phân tán, quy mô nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường. Việc đầu tư, cải tiến và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Ở một số làng nghề, đến nay hệ thống hạ tầng giao thông, điện, hệ thống cấp thoát nước, mặt bằng sản xuất... còn chật hẹp, chưa đồng bộ. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề còn xảy ra nhưng chưa được xử lý theo đúng quy định, làm ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ dân. Phần lớn sản phẩm ở các làng nghề truyền thống chưa có thương hiệu, trong khi đó công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Lao động ở các làng nghề phần lớn không qua đào tạo cơ bản nên khó tiếp thu công nghệ mới, tác phong sản xuất công nghiệp và ý thức hoạt động nghề còn mang tính thời vụ...

Ông Đặng Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, cho biết: Trước những đòi hỏi ngày càng khắt khe của người tiêu dùng trong, ngoài nước, để sản phẩm làng nghề thực sự có chỗ đứng trên thị trường, các chủ làng nghề, doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm rõ những xu hướng, tiêu chí chất lượng của sản phẩm theo các quy chuẩn nhất định cả về hình thức và chất lượng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền để thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ hỗ trợ vay vốn mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị, sử dụng công nghệ mới, đến hỗ trợ đào tạo nghề... nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp, từng bước đưa sản phẩm làng nghề thủ công mỹ nghệ có vị thế và chỗ đứng vững chắc trên thị trường.

Bài và ảnh: Lương Khánh


Bài Và Ảnh: Lương Khánh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]