(Baothanhhoa.vn) - Tiềm năng, lợi thế của từng địa phương cần có doanh nghiệp đồng hành để khơi dậy hiệu quả. Khi doanh nghiệp thành công, sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm và sự phát triển trên địa bàn hoạt động. Tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp...

Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh

Tiềm năng, lợi thế của từng địa phương cần có doanh nghiệp đồng hành để khơi dậy hiệu quả. Khi doanh nghiệp thành công, sẽ đóng góp cho ngân sách Nhà nước, tạo việc làm và sự phát triển trên địa bàn hoạt động. Tỉnh Thanh Hóa đang có nhiều chính sách thu hút đầu tư, cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp...

Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh

Công ty TNHH Dầu thực vật miền Bắc Việt Nam - Dự án hoạt động hiệu quả tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Lê Hợi

Khơi dậy tiềm năng, đổi mới tư duy

Tỉnh Thanh Hóa được ví như “nước Việt Nam thu nhỏ” bởi nơi đây hội tụ đầy đủ các điều kiện tự nhiên, xã hội, các vùng địa lý của nhiều vùng trong nước. Với diện tích tự nhiên lên tới hơn 11.129 km2, lại có nguồn lao động dồi dào với hơn 2,4 triệu người trong độ tuổi lao động, chỉ đứng sau 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Theo nhiều chuyên gia phân tích, Thanh Hóa đang vào giai đoạn “dân số vàng”, có chất lượng lao động tương đối cao so với mặt bằng chung cả nước, lại thuộc vùng đất hiếu học, có nền giáo dục phát triển theo chiều sâu. Vị trí địa lý còn là lợi thế của tỉnh trong thu hút đầu tư, bởi xứ Thanh chỉ cách thủ đô Hà Nội 150 km, là cửa ngõ của miền Trung, giáp vùng kinh tế phát triển Đồng bằng Sông Hồng và vùng Tây Bắc đầy tiềm năng phát triển.

Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh

Đặc biệt, tỉnh có hệ thống giao thông đồng bộ và thuận lợi với tất cả các loại hình giao thông đang có tại Việt Nam. Cảng Hàng không Thọ Xuân được quy hoạch là sân bay quốc tế; cảng nước sâu Nghi Sơn có khả năng đón tàu 100.000 tấn ra vào. Trong khoảng 5 năm qua, hạ tầng cảng biển tại Nghi Sơn được đầu tư phát triển với tốc độ nhanh nhất tại Việt Nam, nên từ tháng 5–2019, đã có tuyến vận tải container quốc tế qua Cảng Nghi Sơn, mở ra cơ hội, triển vọng trong việc hội nhập, giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Tỉnh cũng chú trọng huy động các nguồn lực, phát triển hệ thống giao thông kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh với Cảng Hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn và các cửa khẩu quốc tế nối với nước bạn Lào. Đó chính là điều kiện thuận lợi giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp khi đầu tư vào Thanh Hóa.

Với những bãi biển đẹp, sóng lặng và cát vàng thoai thoải như Sầm Sơn, Hải Tiến, Tiên Trang, Hải Hòa..., cùng hàng nghìn danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử nổi tiếng, xứ Thanh đang tràn đầy cơ hội để thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển du lịch. Các tập đoàn lớn như: FLC, BRG, Sun Group... là những điển hình đã và đang đầu tư các dự án du lịch trên vùng đất cực Bắc của khu vực Bắc Trung bộ này, mang theo kỳ vọng khơi dậy những tiềm năng văn hóa – lịch sử và phong cảnh tươi đẹp nơi đây.

Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh

Từ tổng hợp những tiềm năng to lớn ấy, các thế hệ lãnh đạo tỉnh đã kiên định mục tiêu: Mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư, cùng tỉnh biến những tiềm năng thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Hàng chục cơ chế, chính sách khuyến khích các nhà đầu tư đã được ban hành, đi vào thực tiễn. Đáng nói, việc thu hút các dự án không còn thụ động chờ các nhà đầu tư đến xúc tiến đầu tư, tỉnh đã chủ động tổ chức nhiều cuộc xúc tiến đầu tư ở nước ngoài để giới thiệu tiềm năng, lợi thế và những chính sách thông thoáng khi đầu tư vào Thanh Hóa. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, rồi đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đều dẫn đầu các đoàn công tác của tỉnh, tổ chức nhiều cuộc xúc tiến, mời gọi đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Kuwait... Sau mỗi cuộc xúc tiến đầu tư trên đất nước bạn, nhiều nhà đầu tư sở tại đã quan tâm, đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Thanh Hóa.

Từ khi thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Thanh Hóa trực thuộc UBND tỉnh, các đầu mối thủ tục được đơn giản hóa, doanh nghiệp và các nhà đầu tư không phải đi nhiều sở, ngành để giải quyết các thủ tục kéo dài như trước. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, thực hiện giảm từ 30 đến 60% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định, đồng thời tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Việc tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn được thực hiện qua dịch vụ bưu chính công ích, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và các chủ đầu tư.

Đồng hành hướng đến sự hưng vượng

Một trong 3 dự án FDI lớn nhất tại Việt Nam từ trước đến nay - Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 9,3 tỷ USD đang hoạt động hiệu quả. Trong suốt quá trình triển khai các thủ tục, thi công và đi vào hoạt động, tỉnh Thanh Hóa luôn đồng hành với chủ đầu tư để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, giúp đỡ doanh nghiệp. Công trình trọng điểm quốc gia mang tầm cỡ quốc tế này đang sừng sững hiện hữu trên vùng ven biển Nghi Sơn, như là một biểu tượng thành công trong thu hút đầu tư vào Thanh Hóa. Từ khi đi vào vận hành thương mại, mỗi năm, dự án FDI này đều đóng góp vào ngân sách Nhà nước bằng khoảng 1/3 tổng thu ngân sách của tỉnh Thanh Hóa. Rõ ràng, sự phát triển của doanh nghiệp này có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh

Với toàn Khu Kinh tế Nghi Sơn, nhờ sự thành công trong thu hút đầu tư, đến nay đã có 233 dự án đầu tư trong nước và 19 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư lên đến hơn 131 nghìn tỷ đồng và gần 13 tỷ USD. Nhiều công trình lớn đang hoạt động hiệu quả nhờ những nỗ lực thu hút đầu tư của các giai đoạn trước. Có thể kể đến Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, các hệ thống cảng biển nước sâu... và gần đây có Nhà máy Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2 đang xây dựng. Sự phát triển của các doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy tăng trưởng, tăng thu ngân sách, tăng năng suất lao động, giải quyết hàng chục nghìn việc làm cho tỉnh. Khu kinh tế động lực ven biển này đã và đang trở thành yếu tố quan trọng không thể thiếu, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt 17,15% - cao nhất từ trước đến nay và là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Đây là kết quả có được đến từ nhiều lĩnh vực, nhiều nhân tố, song vai trò lớn nhất của sự tăng trưởng này vẫn thuộc về đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp trong Khu Kinh tế Nghi Sơn.

Nói về vấn đề đồng hành với nhà đầu tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thi cho biết: “Thanh Hóa luôn mở cửa chào đón các nhà đầu tư. Tỉnh cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt quá trình trước, trong và sau đầu tư. Thành công của doanh nghiệp cũng chính là thành công của tỉnh. Doanh nghiệp đến đâu, chính quyền đến đấy”. Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, năm 2019, tỉnh rất quan tâm ban hành nhiều chính sách phát triển công nghiệp, nông nghiệp, y tế... Đặc biệt, là chính sách hỗ trợ hãng tàu vận tải container quốc tế đến với Cảng Nghi Sơn theo Nghị quyết số 166/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ban hành. Theo đó, mỗi chuyến tàu container đến với Cảng Nghi Sơn để vận chuyển hàng hóa được tỉnh hỗ trợ 200 triệu đồng, thủ tục thanh toán đơn giản, không phiền hà. Ban đầu tỉnh chỉ hỗ trợ hãng tàu trong năm 2019, nhưng xét điều kiện thực tế, tỉnh tiếp tục kéo dài chính sách hỗ trợ các hãng tàu đến hết năm 2021 bằng Nghị quyết số 252/2020/NQ-HĐND ngày 16–6–2020 của HĐND tỉnh, nhằm thu hút thêm nhiều hãng tàu khác đến với Cảng Nghi Sơn.

Thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2020, tuy bị hạn chế bởi tình hình dịch bệnh COVID-19, nhưng tính đến ngày 20–9, đã có 24 chuyến tàu container quốc tế khác đến với Cảng Nghi Sơn, giúp tỉnh thu ngân sách 305 tỷ đồng. Qua đó, có thể thấy rằng, chính sách hỗ trợ hãng tàu quốc tế 200 triệu đồng/chuyến đã phát huy hiệu quả. Đó chính là sự đồng hành của tỉnh, là nỗ lực thu hút các nhà đầu tư đến với tỉnh. Đổi lại, các chuyến tàu hàng container quốc tế đến với Nghi Sơn cũng đã mang lại tổng cộng 920 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước (tính từ khi có hãng tàu container quốc tế đến với Cảng Nghi Sơn vào tháng 5–2019). Như vậy, lợi ích của doanh nghiệp cũng mang lại lợi ích cho tỉnh và ngược lại.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2020 được tổ chức vào tháng 6 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng cũng có bài phát biểu khẳng định, “Doanh nghiệp thành công thì Thanh Hóa phát triển”. Từ đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cam kết, tỉnh luôn đồng hành cùng với nhà đầu tư trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư này, đã có 34 dự án được trao quyết định hoặc ký cam kết đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 15 tỷ USD. Đến nay, nhiều dự án trong số đó đã tiến hành đầu tư, tỉnh, các ngành và các địa phương liên quan đã hỗ trợ giải quyết nhiều vướng mắc cho các dự án.

Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đã trở thành bước ngoặt mới cho phát triển tỉnh nhà thành một cực tăng trưởng ở khu vực phía Bắc Việt Nam. Đây cũng chính là cơ hội và điều kiện thuận lợi để tỉnh thay đổi tư duy, tăng cường mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Sự phát triển của tỉnh rất cần có các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp lại là yếu tố không thể thiếu để tỉnh Thanh Hóa khơi dậy những tiềm năng, trở thành một vùng đất hưng vượng...

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]