(Baothanhhoa.vn) - Trong khi việc cung ứng giống các cây trồng phổ biến như lúa, ngô, rau màu đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, thì tình trạng giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa bảo đảm chất lượng vẫn rất khó kiểm soát. Để bảo đảm năng suất, hiệu quả đầu tư, công tác kiểm soát thị trường cây giống cần được phải được siết chặt hơn nữa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Siết chặt quản lý nguồn gốc, chất lượng giống cây trồng

Trong khi việc cung ứng giống các cây trồng phổ biến như lúa, ngô, rau màu đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, thì tình trạng giống cây ăn quả, cây lâm nghiệp không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa bảo đảm chất lượng vẫn rất khó kiểm soát. Để bảo đảm năng suất, hiệu quả đầu tư, công tác kiểm soát thị trường cây giống cần được phải được siết chặt hơn nữa.

Khảo nghiệm giống dưa vàng Kim Hoàng hậu tại Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học - kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa.

Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mỗi năm toàn tỉnh sử dụng khoảng 11.000 tấn giống lúa, 1.000 tấn giống ngô, 2.000 tấn giống lạc, 300 tấn giống đậu tương và hàng triệu giống cây lâm nghiệp, cây ăn quả... Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 200 đơn vị, hộ kinh doanh tham gia sản xuất, kinh doanh giống cây nông nghiệp, trong đó có 20 doanh nghiệp, cơ sở trực tiếp sản xuất giống cây trồng, với lượng giống đáp ứng khoảng 90% nhu cầu sản xuất. Đại diện Phòng Trồng trọt - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Những năm gần đây, việc cung ứng giống trong lĩnh vực nông nghiệp đã dần đi vào quy củ. Thông qua việc xây dựng các mô hình khảo nghiệm, nhiều giống lúa, ngô chất lượng, năng suất cao đã được đưa vào sản xuất, hiệu quả trong lĩnh vực trồng trọt tăng lên qua từng mùa vụ. Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật trong lĩnh vực giống ở các địa phương cũng được tăng cường, giúp chuyển biến nhận thức của nông dân trong việc lựa chọn giống.

Vậy nhưng, trong lĩnh vực giống cây lâm nghiệp, toàn tỉnh vẫn còn tồn tại gần 70 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp tự phát, chủ yếu tập trung tại các huyện Nông Cống, Triệu Sơn, Ngọc Lặc, Như Thanh... Nhiều vườn ươm không có đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, không có giấy phép kinh doanh. Dĩ nhiên, sản phẩm của các vườm ươm này khi đưa ra thị trường không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và khó bảo đảm chất lượng để cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao. Ông Nguyễn Duy Sỹ, Giám đốc Công ty CP Giống cây lâm nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Giống lâm nghiệp của công ty đều được nhập từ Viện nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, được Chi cục Lâm nghiệp kiểm định chặt chẽ nguồn gốc đầu vào, đầu ra đạt chuẩn mới cho xuất khỏi vườn ươm. Tuy nhiên, việc các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh các loại cây giống không bảo đảm chất lượng, gây cạnh tranh không lành mạnh về giá đang gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và không ít rủi ro cho nông dân. Điển hình với cây keo, các giống keo lai chuẩn sẽ cho thu hoạch gấp khoảng 3 lần so với các giống trôi nổi trên thị trường.

Đáng lo ngại nhất trong việc quản lý chất lượng cây giống là tình trạng kinh doanh giống cây ăn quả. Hiện nay, nhu cầu cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế trang trại có sức lan tỏa khá mạnh mẽ. Tuy nhiên, người dân lại chưa thể tìm kiếm được một địa chỉ tin cậy để lựa chọn cây giống. Đa số, người sản xuất vẫn lựa chọn giống cây theo cảm tính và truyền miệng. Trong khi đó, chất lượng nguồn giống còn khá mù mờ và các ngành chức năng vẫn đang lúng túng trong khâu quản lý. Điển hình như ở TP Thanh Hóa, tại đường Nguyễn Trãi, phường Phú Sơn, hàng chục cửa hàng bán cây ăn quả với đủ các giống cây, như: Xoài, mít Thái, bơ, vú sữa, táo,... được bày bán tràn lan. Trong vai một người đi tìm mua giống cây ăn quả, chúng tôi tìm hiểu mua cây giống tại một cửa hàng. Chủ cơ sở cho biết, các giống cây ăn quả này đều có xuất xứ từ miền Tây, giá bán dao động từ 30.000-200.000 đồng/bầu tùy loại và kích cỡ. Theo quan sát, chỉ có một số bầu giống có ghi nhãn mác vườn ươm, còn lại là “không tên tuổi”. Nhằm tạo niềm tin cho khách hàng, mỗi loại cây giống đều được minh họa hình ảnh sum suê quả. Tuy nhiên, khi được hỏi về cam kết chất lượng giống, chủ cơ sở chỉ dám khẳng định bằng miệng, ngay kể cả khi khách hàng có nhu cầu mua giống với số lượng lớn.

Theo tìm hiểu, với vấn đề quản lý giống cây trồng, hiện các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh mới chỉ quản lý hai loại cây giống chính là lúa và ngô. Trong 9 tháng đầu năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện 2 đợt thanh tra liên ngành về kinh doanh và chất lượng giống cây trồng vụ chiêm xuân 2017-2018 và vụ thu mùa 2018. Qua kiểm tra tại 58 cơ sở kinh doanh giống cây trồng, đoàn thanh tra đã tiến hành lấy 83 mẫu giống để phân tích chất lượng và phát hiện 3 mẫu vi phạm về chất lượng. Lỗi vi phạm chủ yếu về tỷ lệ hạt nảy mầm và hạt giống khác. Đoàn thanh tra liên ngành đã xử phạt hành chính 3 hộ kinh doanh vi phạm với số tiền 11,4 triệu đồng. Vậy nhưng, với các loại cây ăn quả, các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thống kê được trên địa bàn tỉnh có bao nhiêu cơ sở buôn bán, kinh doanh, cũng như công tác kiểm soát nguồn gốc, chất lượng vẫn chưa thực hiện được.

Ông Lê Khắc Chiến, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật giống cây trồng nông nghiệp Thanh Hóa, cho biết: Hiện nay, chủng loại cây ăn quả được cung ứng trên địa bàn tỉnh khá đa dạng. Tuy nhiên, người dân cần thận trọng khi lựa chọn giống đưa vào sản xuất, nhất là với quy mô lớn. Cây ăn quả là loại cây có chu kỳ đầu tư dài, vốn lớn, do đó, người sản xuất cần lựa chọn giống tại các cơ sở sản xuất uy tín, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Với các giống cây ăn quả được du nhập từ các vùng có khí hậu, thổ nhưỡng khác, cần có thời gian khảo nghiệm sự thích nghi để hạn chế rủi ro khi đưa vào trồng đại trà.

Để chủ động được nguồn giống cây trồng chất lượng tốt, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người dân, việc đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống trong thời gian tới là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, các ngành chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nắm được kiến thức pháp luật về giống. Hơn nữa, các lực lượng chức năng cần tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, lấy mẫu trên thị trường để đánh giá thực trạng về chất lượng giống cây trồng nông nghiệp; tổ chức tập huấn điều kiện kinh doanh giống cây trồng và phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các đơn vị cung ứng, sản xuất giống cây trồng; thanh tra, kiểm tra và xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm về chất lượng giống cây trồng.


Bài và ảnh: Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]