(Baothanhhoa.vn) - Từ bạt ngàn những đồi nứa dại tưởng chừng không có giá trị kinh tế ở các huyện miền núi, anh Lê Đức Bình ở huyện Lang Chánh đã sản xuất thành công loại ống hút thân thiện với môi trường. Điều đáng nói, loại ống hút đặc trưng này đã trở thành mặt hàng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sản xuất ống hút thân thiện với môi trường từ nứa dại

Từ bạt ngàn những đồi nứa dại tưởng chừng không có giá trị kinh tế ở các huyện miền núi, anh Lê Đức Bình ở huyện Lang Chánh đã sản xuất thành công loại ống hút thân thiện với môi trường. Điều đáng nói, loại ống hút đặc trưng này đã trở thành mặt hàng xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Sản xuất ống hút thân thiện với môi trường từ nứa dại

Sản phẩm ống hút thân thiện môi trường của anh Lê Đức Bình được nhiều người ưa thích.

Tiết xuân với những cơn mưa phùn làm cho đồi rừng ở xã Tân Phúc, huyện Lang Chánh thêm phần tốt tươi, trải dài một màu xanh mát. Thấp thoáng trong rừng luồng um tùm là khu xưởng sản xuất của anh Lê Đức Bình còn khá đơn sơ với mái lợp pro–xi măng và những bức tường gạch vồ đơn giản. Trái ngược với vẻ bề ngoài công trình của một người mới khởi nghiệp còn ít vốn, “ông” chủ xưởng sản xuất lại tràn đầy nghị lực và ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Tuy tốt nghiệp Học viện Tài chính và đang làm việc tại thủ đô Hà Nội, nhưng người chủ trẻ sinh năm 1988 vẫn quyết tâm mở xưởng tại quê nhà, để người thân quản lý. Ngoài thường xuyên đi – về kiểm tra và điều hành, anh có nhiệm vụ lo thị trường đầu ra cho sản phẩm ống hút tại Hà Nội và tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Khi vấn đề rác thải nhựa đang trở thành nỗi lo toàn cầu, thì càng có nhiều người quan tâm đến các đồ dùng thân thiện với môi trường. Về lý thuyết, sản phẩm ống hút nứa theo đó sẽ càng có chỗ đứng, bởi nó không gây hại, có thể rửa để dùng nhiều lần, tự hủy mục khi vứt bỏ nên không gây ô nhiễm môi trường. Nhận thấy tiềm năng của thị trường đầu ra lớn, cộng với nguồn nguyên liệu là nứa dại ở Lang Chánh cũng như các huyện miền núi của tỉnh dồi dào, từ tháng 4–2019, Lê Đức Bình đã huy động nguồn lực kinh tế, vay mượn anh em, bạn bè để mở xưởng sản xuất. Người anh trai của Bình giữ nhiệm vụ điều hành các hoạt động chính ở đây, cũng xắn tay lao động như gần chục lao động khác. Qua tìm hiểu thực tế, ở các huyện miền núi trong tỉnh, cây nứa dại có khắp nơi trên các núi đồi, rừng già hay khe suối, nhất là các huyện: Quan Sơn, Mường Lát, Lang Chánh... Đây là loài nứa tép, thân cây chỉ bằng ngón tay, mọc thành những bụi lớn, phát triển rất khỏe trên mọi địa hình, ngay cả những dãy núi cao khô hạn. Từ nhiều đời nay, loại nứa dại này gần như không có giá trị kinh tế, hết chu kỳ sinh trưởng thường héo khô, dễ gây ra cháy rừng. Việc tận dụng nứa dại làm nguyên liệu sản xuất sẽ giúp đồng bào miền núi có thêm việc làm, tăng nguồn thu nhập nhờ khai thác loài cây đặc hữu này. Thậm chí, trong tương lai, khi nhu cầu nguyên liệu lớn, có thể quy hoạch thành những vùng chuyên canh nứa tép để bảo vệ và khai thác bền vững tại các huyện miền núi nhằm khơi dậy tiềm năng kinh tế từ núi đồi.

Dẫn chúng tôi thăm khu sản xuất, ông chủ trẻ tâm sự: “Gần 1 năm qua, từ khi tiến hành sản xuất ống hút nứa, khu xưởng hoạt động liên tục. Từ sản xuất cầm chừng nhỏ lẻ để tìm thị trường giai đoạn đầu, sau xưởng dần nâng công suất. Đến thời điểm hiện tại, mỗi ngày, xưởng cho ra từ 5.000 đến 10.000 ống hút. Có giai đoạn, một doanh nghiệp phía Hàn Quốc đặt hàng cung ứng 1.000.000 sản phẩm mỗi tháng nên các lao động phải sản xuất tăng ca”. Xung quanh chúng tôi, tiếng mô tơ của máy cắt, máy mài và đánh bóng sản phẩm hòa lẫn âm thanh nói cười khiến khu sản xuất luôn nhộn nhịp. Để có một sản phẩm đáp ứng yêu cầu khách hàng, nứa dại thu mua về, được phơi khô, sau đó mài đánh bóng cả cây rồi đưa vào máy cắt theo độ dài yêu cầu của từng loại ống. Hai đầu ống được khoét vát nhẹ và tạo độ nhẵn cho sản phẩm. Đây là khâu quan trọng nhất, bởi tre nứa thường có các dăm nhỏ, cần phải nhẵn để tạo an toàn tuyệt đối cho người dùng. Sau khi sản phẩm đã thành hình, phải đem luộc nhiều giờ trong nước sôi pha với giấm và muối trắng để chống mối mọt.

Để có được thành công như ngày hôm nay, hoạt động sản xuất của ông chủ trẻ từng trải qua những ngày chật vật. Từ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, đến thị trường đầu ra còn hạn chế nên những tháng đầu, xưởng chỉ sản xuất cầm chừng. Anh Bình phải đi tiếp thị từng quán cafe tại Hà Nội, quảng cáo sản phẩm qua mạng internet để tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm. Qua nhiều kênh quảng bá, ý chí của chàng thanh niên đã được đền đáp bằng những lần kiểm tra sản phẩm của đối tác, rồi đến những đơn hàng xuất khẩu. Đến nay, ngoài bán nội địa, sản phẩm ống hút nứa “Made in Thanh Hóa” này đã xuất khẩu được đến thị trường các nước, như: Hàn Quốc, Pháp, Hung–ga–ri... Gần 10 lao động địa phương được tạo việc làm và thu nhập ổn định; lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi tháng từ xuất bán sản phẩm; thị trường ngày càng rộng mở... là những thành công bước đầu sau nhiều nỗ lực của chàng thanh niên miền núi Lang Chánh.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài Và Ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]