(Baothanhhoa.vn) - Nghề làm chè lam Phủ Quảng đã có tự lâu đời. Thuở xưa, chè lam thường được nấu để tiến vua, về sau dân gian thường nấu vào mỗi dịp lễ, tết để cúng tổ tiên và mừng gặp mặt những ngày đầu xuân năm mới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển thương hiệu chè lam Phủ Quảng

Phát triển thương hiệu chè lam Phủ Quảng

Cơ sở sản xuất chè lam Lâm Thu, thị trấn Vĩnh Lộc.

Nghề làm chè lam Phủ Quảng đã có tự lâu đời. Thuở xưa, chè lam thường được nấu để tiến vua, về sau dân gian thường nấu vào mỗi dịp lễ, tết để cúng tổ tiên và mừng gặp mặt những ngày đầu xuân năm mới.

Phát triển dần theo năm tháng, ngày nay, chè lam trở thành một món ăn chơi thường ngày và được thưởng thức cùng với kẹo lạc - cũng là một món ăn dân dã khá nổi tiếng của vùng đất này.

Theo chân đồng chí cán bộ UBND huyện Vĩnh Lộc, chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất chè lam Lâm Thu, thôn 3, thị trấn Vĩnh Lộc. Đây cũng là một trong số ít những người trẻ giữ nghề, nối nghề làm chè lam Phủ Quảng. Anh Ngô Văn Lâm vui vẻ cho biết: Nghề làm chè lam được anh học từ ông bà ngoại và phát triển đến bây giờ. Trải qua thời gian, công thức, bí quyết làm chè lam cũng được thay đổi cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhanh tay đảo những mẻ chè lam dẻo quánh, chị Đỗ Thị Thu tự hào khi nói về sản phẩm truyền thống của gia đình: Để có được những thành phẩm thơm ngon, quy trình chế biến được tuân thủ khá khắt khe từ khâu lựa chọn nguyên liệu đến các khâu sơ chế, chế biến. Chè lam ngon phải được làm từ bột gạo nếp cái hoa vàng nổi tiếng của huyện Hà Trung rang chín. Mật mía được lấy từ Kim Tân (Thạch Thành), nơi được coi là đất mía của tỉnh với vị ngọt đậm và sóng sánh. Lạc, gừng, mạch nha cũng được lựa chọn rất kỹ càng để bảo đảm những hương vị này khi quện vào nhau dậy lên hương thơm đặc trưng hiếm có.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, cơ sở sản xuất Lâm Thu đã tìm tòi ra những bí quyết trong khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu đóng gói, đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để cho ra đời sản phẩm chè lam Phủ Quảng ngon nhất. Hiện nay, mỗi ngày cơ sở cho ra lò khoảng 50-70kg thành phẩm. Tuy nhiên, vào những ngày lễ, dịp giáp Tết Nguyên đán thì số lượng tăng lên, có khi đạt 200-300 kg/ngày và gia đình phải thuê thêm 4-5 nhân công sản xuất. Hiện nay, doanh thu hàng xuất bán mỗi ngày đạt khoảng 6 triệu đồng. Không chỉ riêng khách trong tỉnh mà nhiều người sống ở miền Nam cũng rất ưa thích thức quà quê này và đặt mua với số lượng lớn để bán hoặc biếu, tặng.

Là một trong những hộ có tuổi đời làm nghề lâu nhất tại “Phủ Quảng” xưa, gia đình ông Lê Văn Loan, cũng ở thôn 3 lại có những cách làm riêng của mình để phát triển nghề. Ngoài sản phẩm chè lam giòn, được cắt và đóng gói như các hộ khác, gia đình ông Loan vẫn giữ và sản xuất chè lam dẻo phục vụ những khách hàng ưa thích nét đặc trưng của món ăn này. Mỗi ngày, cơ sở đưa ra thị trường từ 30 - 40 kg sản phẩm. Không chỉ phục vụ khách hàng nội tỉnh, ngày nay, nhiều khách hàng tại TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng... cũng gọi điện đặt hàng. Để tăng năng suất, gia đình cũng đã đầu tư các loại máy cắt, máy đóng gói nhằm giảm chi phí và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo thống kê của huyện Vĩnh Lộc, làng nghề Phủ Quảng hiện nay có 5 hộ sản xuất chè làm thường xuyên và một số ít hộ sản xuất theo mùa vụ. Để giữ gìn nghề truyền thống, đồng thời, gắn kết phát triển sản phẩm làng nghề với phát triển du lịch Thành Nhà Hồ, những năm gần đây, chè lam Phủ Quảng đã được huyện Vĩnh Lộc định hướng và quan tâm phát triển. Các hộ dân được tuyên truyền đầu tư cải tiến máy móc vào các khâu sản xuất; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm ra thị trường. Năm 2017, chè lam Phủ Quảng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, mở ra hướng phát triển bền vững cho sản phẩm này.

Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Thành Nhà Hồ được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, sản phẩm chè lam Phủ Quảng được du khách trong và ngoài nước biết đến và đánh giá cao, do đó sản lượng sản xuất hàng năm tăng lên hàng chục tấn, nhu cầu thị trường tiêu thụ tiếp tục được mở rộng... Mới đây, chè lam Phủ Quảng cũng đã được lựa chọn là 1 trong 23 sản phẩm, bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2019. Cơ sở sản xuất chè lam Lâm Thu cũng đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt đánh giá sản phẩm đạt chất lượng OCOP 3 sao.

Đại diện lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Lộc, chia sẻ: Chè lam Phủ Quảng là món ăn đặc trưng của vùng đất Vĩnh Lộc. Do đó, việc bảo tồn, phát triển sản phẩm này góp phần quảng bá hình ảnh, con người nơi đây đến người dân trong tỉnh, đến những du khách thập phương trong và ngoài nước. Với việc sản phẩm được công nhận giá trị, thương hiệu và bản sắc sẽ tạo động lực, niềm tự hào giúp các hộ dân nơi đây vươn lên giữ gìn và phát triển nghề truyền thống. Cùng với việc tiếp tục quảng bá, giới thiệu sản phẩm gắn với phát triển du lịch Thành Nhà Hồ, địa phương sẽ xây dựng phương án hỗ trợ và phát triển làng nghề đối với sản phẩm này.

Tùng Lâm


Tùng Lâm

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]