(Baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất nông sản an toàn (NSAT) và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, nhưng quá trình liên kết vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều rào cản trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết sản xuất nông sản an toàn (NSAT) và tiêu thụ sản phẩm. Mô hình này mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân, nhưng quá trình liên kết vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Nhiều rào cản trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn

Rau an toàn của HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa). Ảnh: Lê Ngọc

Xã Hoằng Hợp (Hoằng Hóa) có 24,7 ha diện tích sản xuất rau an toàn được chứng nhận VietGAP và có 215 hộ tham gia sản xuất. Theo đánh giá của nhiều hộ dân, trồng rau cho thu nhập cao hơn so với một số loại cây trồng khác như ngô, lúa, đậu tương... Ông Vũ Gia Quế, thành viên HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoằng Hợp, cho biết: “Trồng rau an toàn, mặc dù cần vốn đầu tư và yêu cầu về kỹ thuật cũng cao hơn... song, thu nhập đạt khá, bình quân từ 80 đến 90 triệu đồng/ha/vụ. Hiện nay, sản phẩm rau an toàn chủ yếu được tiêu thụ tại các siêu thị và các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc liên kết giữa người dân và doanh nghiệp (DN) trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm lâu dài còn nhiều hạn chế. Hiện nay, HTX chưa thể đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nên đầu ra chủ yếu là do người dân tự tìm kiếm hoặc thương lái đến tận nơi thu mua. Ông Lê Xuân Sơn, giám đốc HTX, cho biết: Sự liên kết giữa DN, nông dân còn lỏng lẻo, chưa gắn kết được lợi ích và trách nhiệm của các bên với nhau là do hợp đồng liên kết chưa ổn định và dài hạn. Nhiều nông dân chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chưa tuân thủ quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất hàng hóa, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, một số DN có nhu cầu tiêu thụ với số lượng lớn nhưng chưa hướng dẫn người dân trồng các loại rau gì, thời gian trồng ra sao cho hợp lý. Một vấn đề khác là hiện nay sự chênh lệch giá bán giữa rau an toàn và rau thường không đáng kể, trong khi đầu tư cho sản xuất rau an toàn cao hơn so với rau sản xuất thông thường, không khuyến khích được người nông dân mạnh dạn đầu tư và mở rộng diện tích canh tác.­­

Theo một số DN, khi tham gia vào chuỗi liên kết, DN muốn có nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, người dân đã tự ý phá vỡ hợp đồng, gây tổn thất cho họ. Là một trong những chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP Thanh Hóa, ITC Food (địa chỉ tại 51F Mai An Tiêm, phường Lam Sơn), ký hợp đồng thu mua với người dân cung cấp mặt hàng nông sản an toàn (NSAT), qua thực tế triển khai, chị Nguyễn Thị Tuyết, chủ cửa hàng cho biết: Mặc dù giữa người dân và DN ký kết hợp đồng, nhưng vẫn xảy ra trường hợp thu mua không kịp thì người dân bán cho thương lái phá vỡ hợp đồng gây khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, một bộ phận người tiêu dùng hiện nay còn đánh đồng sản phẩm NSAT với các sản phẩm sản xuất thông thường. “Ranh giới” mong manh giữa NSAT và thực phẩm chất lượng không bảo đảm cũng đang là một rào cản đối với sản xuất lẫn tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, việc liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm NSAT trên địa bàn tỉnh đang được thực hiện ở các nội dung, như: Liên kết cung ứng đầu vào, liên kết chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và liên kết trong tiêu thụ sản phẩm... Thực tế, người tiêu dùng ngày nay đã hướng đến việc tiêu dùng an toàn cho sức khỏe. NSAT có truy xuất nguồn gốc sẽ là sự lựa chọn hàng đầu. Có thể nói, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ NSAT đã phần nào giúp người sản xuất ổn định được đầu ra cho sản phẩm; từng bước thay đổi tập quán trong sản xuất, kinh doanh từ nhỏ lẻ manh mún, lạc hậu sang sản xuất có tổ chức, áp dụng kiến thức khoa học - kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế hoạt động liên kết sản xuất, tiêu thụ NSAT trong thời gian qua cũng bộc lộ những khó khăn, như: Các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm NSAT vẫn còn ở quy mô nhỏ; trong khi để thực hiện sản xuất NSAT, người dân phải đầu tư cơ sở vật chất phục vụ sản xuất như điện, đường, giếng khoan, máy bơm, bạt che... cho đến khâu đầu ra với kinh phí lớn. Bên cạnh đó, trong chuỗi sản xuất NSAT, vai trò của HTX rất quan trọng, nhưng hiện nay các HTX đứng ra thu mua nông sản còn hạn chế khiến DN gặp khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu ổn định cũng như tạo dựng, duy trì mối liên kết với người dân. Tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa người dân và DN, ngoài nguyên nhân từ phía người dân thì cũng có một phần từ phía DN, đó là họ chưa thực sự quan tâm đến lợi ích thỏa đáng của người sản xuất. Hơn nữa, trên thị trường, DN chưa chú trọng đẩy mạnh các biện pháp quảng bá sản phẩm, tạo địa chỉ tin cậy khiến người tiêu dùng chưa có căn cứ để phân biệt các loại NSAT. Với những khó khăn đó, việc tìm giải pháp để tạo điều kiện cho chuỗi sản xuất NSAT phát triển là vấn đề quan trọng hiện nay nhằm mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân và DN nhằm nâng cao sức khỏe của người tiêu dùng. Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Để các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ NSAT phát huy hiệu quả, bền vững, rất cần sự chủ động, tích cực của cả người dân và DN. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần phối hợp với các đơn vị có liên quan mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân không chỉ về khoa học - kỹ thuật sản xuất mà còn cả cách thức tổ chức sản xuất. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh việc kết nối DN và nông dân trong việc ký kết hợp đồng có điều kiện ràng buộc, bảo đảm quyền lợi giữa hai bên, nhằm xây dựng mối liên kết bền vững.

Lê Ngọc


Lê Ngọc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]