(Baothanhhoa.vn) - Hằng năm, trên địa bàn tỉnh gieo trồng khoảng 450.000 ha cây trồng các loại và sử dụng khoảng 400.000 - 450.000 tấn phân bón.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ

Nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ

Gia đình ông Kiều Văn Giỏi, thôn 1, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) nuôi giun quế để sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Hằng năm, trên địa bàn tỉnh gieo trồng khoảng 450.000 ha cây trồng các loại và sử dụng khoảng 400.000 - 450.000 tấn phân bón.

Tuy nhiên, thói quen sử dụng phân bón hóa học trong quá trình canh tác chính là một trong những nguyên nhân làm thoái hóa đất, khiến năng suất, sản lượng cây trồng kém, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và ảnh hưởng tới chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Sử dụng phân bón hữu cơ để cải hóa đất đai, nâng cao chất lượng cây trồng và hướng đến nền nông nghiệp sạch là giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn hiện nay. Song vì nhiều nguyên nhân khiến việc sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ của cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn.

Theo các tài liệu nghiên cứu, khi sử dụng phân bón hóa học, khoảng 50% lượng phân bón được cây trồng sử dụng để tạo sinh khối, 50% còn lại sẽ bị rửa trôi, thẩm thấu xuống nguồn nước hoặc bay hơi, gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, hàng năm ngành nông nghiệp tỉnh ta thải ra hàng trăm nghìn tấn rơm rạ, bã cây ngô, mía, các loại phân gia súc, gia cầm... nhưng người dân từ lâu đã bỏ thói quen sử dụng nguồn nguyên liệu này để làm phân hữu cơ bón cho cây trồng. Bà Nguyễn Thị Lanh, thôn 2, xã Thiệu Thành (Thiệu Hóa), cho biết: Cách đây khoảng 1 thập kỷ, người dân đã ít sử dụng phụ phẩm nông nghiệp để chế biến thành phân hữu cơ bón cho cây trồng, mà chủ yếu là sử dụng phân bón hóa học, bởi sự tiện lợi đối với sản xuất.

Chúng tôi đến thăm trang trại tổng hợp của gia đình ông Kiều Văn Giỏi, thôn 1, xã Thọ Thanh (Thường Xuân) - một trong những trang trại đang hướng đến sản xuất nông sản an toàn thực phẩm của địa phương. Với quy mô hơn 1 ha, ông Giỏi tự nuôi giun quế để làm phân bón cho cây ăn quả, rau màu và cung cấp nguồn đạm tươi cho gia cầm trong trang trại. Qua trao đổi, ông cho biết: Sau khi tham khảo nhiều trang trại VietGap và trang trại đạt chuẩn theo Thông tư 27 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh, nhận thấy hầu hết đều sử dụng phân bón hữu cơ cho cây trồng. Sau 6 tháng nuôi giun quế, hiện nay lượng phân hữu cơ không những cung cấp đủ cho nhu cầu của trang trại mà còn cung cấp khoảng 20 tấn phân giun quế và 1,5 tấn giun thịt cho thị trường, lợi nhuận trung bình từ 40 đến 65 triệu đồng/tháng. Song, theo ông Giỏi, việc sản xuất phân hữu cơ đã khó thì việc tiêu thụ còn khó hơn, bởi đa phần người dân đã quen với việc sử dụng phân bón vô cơ cho cây trồng, chỉ những trang trại, hộ gia đình và tổ chức hướng đến sản xuất thực phẩm an toàn mới có xu hướng tiêu thụ và sử dụng phân bón hữu cơ.

Lộ trình sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay vẫn chưa thực sự thuận lợi. Theo thống kê, toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp sản xuất phân bón; trong đó, có 21 đơn vị sản xuất phân bón vô cơ, với tổng sản lượng khoảng 120.000 tấn/năm. Ông Lê Trọng Quàng, cán bộ kỹ thuật Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, cho biết: Việc sản xuất phân bón hữu cơ đòi hỏi chi phí đầu tư lớn song thói quen sử dụng phân vô cơ của người dân hình thành nhiều năm nay chưa thay đổi nên thị trường tiêu thụ cho phân bón hữu cơ chưa ổn định. Trên địa bàn tỉnh chỉ một số ít doanh nghiệp, như: Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông, Công ty TNHH Minh Tiến, Nhà máy Phân bón Hàm Rồng, Công ty CP Thần nông Thanh Hóa... mới có đủ tiềm lực áp dụng sản xuất phân bón hữu cơ quy mô lớn.

Khảo sát tại một số huyện trong tỉnh, như: Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Yên Định,... đa phần người dân đều cho rằng việc sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ còn gặp nhiều khó khăn do một số hạn chế, như: Sản xuất phân hữu cơ mất nhiều thời gian và nhân công để thu gom, xử lý nguyên liệu và thời gian chờ đợi nguyên liệu phân hủy. Thêm nữa phải mua được chế phẩm sinh học tốt và có diện tích vườn, chuồng trại cách xa nơi ăn ở, sinh hoạt của gia đình để tích trữ, xử lý nguyên liệu, tránh ảnh hưởng đến môi trường. Tác động của phân bón hữu cơ cũng không nhanh chóng và chi phí đầu vào cũng cao hơn so với phân hóa học.

Tại hội nghị phát triển phân bón hữu cơ được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức vào tháng 3-2018, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nhấn mạnh, để phát triển nền nông nghiệp sạch, an toàn thì việc sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ là xu hướng tất yếu. Song trên địa bàn tỉnh ta việc sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ chưa thực sự thuận lợi. Do đó, cần có cơ chế khuyến khích, thúc đẩy phát triển sản xuất và sử dụng phân hữu cơ. Trong đó, chú trọng khuyến khích các doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ, tổ chức sản xuất, cung ứng phân hữu cơ với sản lượng lớn, giá hấp dẫn nông dân. Có hình thức tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức về yêu cầu tất yếu phải sử dụng phân bón hữu cơ cho phát triển nông nghiệp bền vững để họ tích cực chuyển đổi phương thức sản xuất, sử dụng phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học và ưu tiên tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Lê Hòa


Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]