(Baothanhhoa.vn) - Cùng với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi được xác định là thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi của tỉnh. Tuy nhiên, tại các địa phương, ngành chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có bước phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều khó khăn trong phát triển chăn nuôi ở khu vực miền núi

Cùng với phát triển lâm nghiệp, chăn nuôi được xác định là thế mạnh để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi của tỉnh. Tuy nhiên, tại các địa phương, ngành chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn nên chưa có bước phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế.

Các địa phương ở khu vực miền núi tỉnh ta có khí hậu, thổ nhưỡng cũng như diện tích tự nhiên lớn. Tuy nhiên, ở khu vực này đa số người dân chưa tiếp cận được với phương pháp chăn nuôi hiện đại, quy mô tập trung. Do đó, người dân chủ yếu phát triển chăn nuôi nông hộ, tính bền vững và hiệu quả kinh tế chưa cao. Quy mô đàn vật nuôi bị chi phối bởi nhiều yếu tố, như: Tập quán sản xuất, tác động của thị trường tiêu thụ, khả năng áp dụng khoa học kỹ thuật...

Thực tế cho thấy, số lượng gia súc, gia cầm ở khu vực miền núi những năm qua không ổn định, có xu hướng giảm. Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do số lượng đàn vật nuôi trong các hộ dân giảm, trong khi số lượng trang trại lại chưa phát triển để bù đắp được. Giá thức ăn tăng nhanh, trong khi giá bán các sản phẩm chăn nuôi không ổn định, dịch bệnh bùng phát và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tâm lý người chăn nuôi.

Những năm về trước, hộ ông Trương Văn Hương ở thôn Trong, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) luôn duy trì đàn lợn lai gần 100 con cùng một số con nuôi đặc sản, như: Lợn cỏ, nhím, gà ri thả đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá lợn hơi cũng như vật nuôi đặc sản liên tục giảm, vì vậy ông cũng không còn mặn mà với việc phát triển đàn và mở rộng quy mô chăn nuôi. Với hệ thống chuồng trại đã đầu tư, gia đình ông chỉ nuôi với số lượng bảo đảm cung ứng cho những đầu mối quen và lấy vốn tái sản xuất. Ông Hương, cho biết: “Gia đình xác định chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế chủ yếu nên đã đầu tư gần 200 triệu đồng để xây dựng khu chuồng trại nuôi 100 lợn thịt, gần 1.000 con gà ri/lứa, mỗi năm thu lãi hơn 200 triệu đồng. Nhưng từ năm 2016, thị trường tiêu thụ có nhiều biến động, gia đình không đầu tư tăng đàn, chỉ duy trì số lượng gần 20 con lợn thịt, 300 con gà ri thả vườn; hiệu quả kinh tế mang lại không cao”.

Bên cạnh yếu tố tâm lý thì với nhiều hộ dân ở miền núi, việc đầu tư vốn để tái đàn khó khăn nên số lượng vật nuôi không ổn định. Ngoài ra, việc giữ tập quán chăn thả tự nhiên, chưa có ý thức chủ động đầu tư xây dựng chuồng trại. Trong khi, vùng chăn thả tại các địa phương đều bị thu hẹp dần chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng đàn vật nuôi không được bảo đảm.

Năm 2017, gia đình anh Đinh Xuân Nội, thôn Đồng Thọ, xã Mậu Lâm (Như Thanh), được hỗ trợ 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để mua 5 con bò giống BBB, trong đó có 4 con bò cái sinh sản. Sau hơn 1 năm nuôi, gia đình chuẩn bị đón lứa bê đầu tiên gồm 4 con, hứa hẹn, sau gần 1 năm nữa sẽ thu hơn 10 triệu đồng/con. Triển vọng kinh tế từ đàn bò đã nhìn thấy rõ, song hiện vẫn đang khó khăn về nguồn vốn nên gia đình anh Quách Văn Khôi chưa có ý định phát triển thêm về số lượng.

Ông Vũ Như Tuấn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh, cho biết: Huyện đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền việc xây dựng chuồng trại và trồng các loại cỏ để phục vụ chăn nuôi, nhưng hiện chỉ có khoảng 5% người dân thực hiện. Do không được chăm sóc đúng kỹ thuật, đàn gia súc rất dễ bị chết do đói, rét và dịch bệnh.

Mặt khác, vấn đề chất lượng giống cũng là yếu tố đặt ra với chăn nuôi khu vực miền núi. Hiện nay, các giống gia súc được nuôi chủ yếu là giống sẵn có tại địa phương, một phần được mua từ các hộ khác, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Nguồn gốc và chất lượng con giống không bảo đảm, không được lai tạo, cải thiện nên đã ảnh hưởng đến quá trình tăng trưởng, sản lượng và chất lượng thịt, sữa đều thấp.

Đến tháng 6-2018, tại 11 huyện miền núi của tỉnh đàn trâu đạt hơn 140.000 con, bò hơn 100.000 con. Ông Lương Văn Tưởng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Phát triển chăn nuôi là nghề chính để giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập và giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, chăn nuôi ở khu vực miền núi tỉnh ta hiện chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ với tập quán lạc hậu, chăn thả tự do vẫn còn khá phổ biến ở các vùng núi cao. Bên cạnh đó, hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi của bà con còn hạn chế nên năng suất và hiệu quả kinh tế của chăn nuôi chưa cao.

Để chăn nuôi ở khu vực miền núi trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại hiệu quả kinh tế, các địa phương cần định hướng để người dân phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chăn nuôi; thực hiện tốt quản lý Nhà nước về công tác thú y; nghiên cứu lồng ghép các chính sách hỗ trợ người dân về vốn, con giống, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao hiệu quả, bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường. Đồng thời, tạo quỹ đất để phát triển trang trại chăn nuôi tập trung; chủ động, tích cực thu hút doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các hộ dân phát triển chăn nuôi.


Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]