(Baothanhhoa.vn) - Hoa, cây cảnh là một trong 7 cây trồng lợi thế được tỉnh ta định hướng phát triển. So với những loại cây trồng khác, phát triển sản xuất hoa, cây cảnh là hướng sản xuất có tiềm năng, phù hợp với yêu cầu nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp, nhất là ở những huyện ven TP Thanh Hóa, như Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Hoằng Hóa...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh trên đất hai lúa hiệu quả kinh tế thấp

Hoa, cây cảnh là một trong 7 cây trồng lợi thế được tỉnh ta định hướng phát triển. So với những loại cây trồng khác, phát triển sản xuất hoa, cây cảnh là hướng sản xuất có tiềm năng, phù hợp với yêu cầu nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp, nhất là ở những huyện ven TP Thanh Hóa, như Đông Sơn, Thiệu Hóa, Triệu Sơn, Hoằng Hóa...

Cơ sở trồng hoa của gia đình anh Nguyễn Hữu Lượng, thôn Phúc Hải, xã Dân Lực (Triệu Sơn).

Chính vì vậy, tỉnh ta đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát triển được 300 ha hoa, cây cảnh theo hướng thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao.

Để phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh theo mục tiêu đề ra, những năm qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đề nghị các địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, dành quỹ đất xây dựng những mô hình sản xuất. Trong đó, khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa những loại cây trồng có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Theo đó, tại các huyện có truyền thống trồng hoa, cây cảnh như: Triệu Sơn, Đông Sơn, TP Thanh Hóa... cần rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả kinh tế sang thâm canh hoa và cây cảnh. Đồng thời, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phù hợp nhằm khuyến khích người dân đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mở rộng diện tích hoa, cây cảnh trên đất hai vụ lúa cho hiệu quả kinh tế thấp.

Thực hiện định hướng phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh, những năm qua, huyện Triệu Sơn đã tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi diện tích đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp, đất vườn tạp sang trồng hoa, cây cảnh. Đáng chú ý, để mở rộng diện tích loại cây trồng này, từ năm 2015, huyện đã ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh đối với các hộ dân phát triển diện tích tập trung, với mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha. Thông qua việc thực hiện các giải pháp, đến nay, toàn huyện đã phát triển được 79 ha trồng hoa, cây cảnh, tập trung ở các xã: Dân Lực, Hợp Lý, Thọ Tân.

Theo đánh giá của Phòng NN&PTNT, UBND huyện Triệu Sơn, việc trồng hoa, cây cảnh không chỉ phát huy được nghề truyền thống của địa phương mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Theo ước tính doanh thu của các hộ trồng hoa, cây cảnh có thể đạt 600 đến 800 triệu đồng/ha/năm, trừ chi phí, lợi nhuận đạt khoảng 300-350 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 15 đến 20 lần so với trồng lúa. Hơn nữa, khi trồng những loại hoa cao cấp, như: Ly, lay ơn, đồng tiền và các loại cây cảnh người dân không phải lo sợ cảnh “mất mùa được giá, được mùa mất giá” hoặc bị thương lái ép giá bởi nhu cầu của thị trường về hoa, cây cảnh hiện nay là rất lớn.

Chúng tôi đến thăm cơ sở trồng hoa của gia đình anh Nguyễn Hữu Lượng, thôn Phúc Hải, xã Dân Lực. Cánh đồng vốn là khu trồng lúa năng suất thấp, hiệu quả kinh tế kém. Tuy nhiên, từ năm 2009, khi được gia đình anh chuyển đổi sang trồng hoa, hiệu quả kinh tế đã tăng cao, doanh thu mỗi năm đạt khoảng hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng/ha/năm, gấp 20 lần so với trồng lúa. Anh Lượng phấn khởi cho biết: Việc chuyển đổi sang trồng hoa chính là đột phá và hướng phát triển đúng đắn của gia đình. Hiện nay, ngoài việc áp dụng công nghệ cao, như: Nhà màng, tưới phun sương, nhỏ giọt... gia đình còn hướng tới nhập giống và sản xuất các loại hoa cao cấp như đồng tiền, ly, tuy líp để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Khảo sát thực tế tại một số huyện như Đông Sơn, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa... việc phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh cũng đang được các địa phương tập trung triển khai thực hiện thông qua các giải pháp về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, có cơ chế chính sách hỗ trợ... Nhờ đó, diện tích trồng hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh những năm qua tăng nhanh. Hiện, trên địa bàn tỉnh có hơn 108 ha hoa, cây cảnh các loại, tăng hơn 2,7 lần so với năm 2015. Tuy nhiên, những diện tích này chủ yếu sản xuất những loại hoa truyền thống như cúc, hồng, quất, đào... hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa song vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.

Đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT cho biết, để phát triển diện tích trồng hoa, cây cảnh, sở đã và đang tuyên truyền cho các địa phương có tiềm năng, lợi thế thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất hai lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hoa, cây cảnh. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang trồng hoa, cây cảnh áp dụng công nghệ cao, lựa chọn những loại giống hoa, cây cảnh mới, cho thu nhập cao vào sản xuất... nhằm tăng hiệu quả kinh tế cho loại cây trồng này.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]