(Baothanhhoa.vn) - Thực hiện Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng ngày 6-9-1972, ngày 21-5-1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm lâm nhân dân.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kiểm lâm Thanh Hóa - lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

Thực hiện Pháp lệnh quy định việc bảo vệ rừng ngày 6-9-1972, ngày 21-5-1973, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 101/CP quy định hệ thống tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của kiểm lâm nhân dân.

Cán bộ, kiểm lâm viên Chi cục Kiểm lâm tỉnh tuần tra bảo vệ rừng tại xã Vạn Xuân (Thường Xuân). Ảnh: Văn Khải (Chi cục Kiểm lâm)

Ngày 15-11-1973, Kiểm lâm tỉnh Thanh Hóa ra đời. Trải qua 45 năm xây dựng và trưởng thành, Kiểm lâm Thanh Hóa luôn sát cánh cùng đồng bào các dân tộc trong tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các địa phương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là công cụ tin cậy của chính quyền, chỗ dựa vững chắc của chủ rừng và nhân dân trong công cuộc bảo vệ và phát triển rừng.

Trong tiến trình vận động của ngành lâm nghiệp, kiểm lâm Thanh Hóa đã có bước phát triển từ yếu đến mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, từng bước tự khẳng định mình, tạo lập được lòng tin của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, bộ máy của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, gồm: 17 hạt kiểm lâm huyện, 2 đội kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) và cơ quan văn phòng chi cục với 5 phòng nghiệp vụ, biên chế 276 công chức, viên chức.

Kết quả nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng là chi cục kiểm lâm đã tham mưu xây dựng Vườn Quốc gia Bến En, 3 khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên, 1 khu bảo tồn loài hạt trần quý hiếm tại xã Nam Động, huyện Quan Hóa, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn sông Chu, sông Mã và rừng phòng hộ ven biển. Các khu rừng đặc dụng và phòng hộ đã được bảo vệ an toàn và đang triển khai các chương trình, dự án đầu tư có hiệu quả, thu hút được sự quan tâm của các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế. Tham mưu cho UBND tỉnh triển khai và hoàn thành công tác giao đất, giao rừng cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích lâm nghiệp theo Nghị định số 01/CP, số 02/CP và Nghị định số 163/NĐ-CP của Chính phủ.

Năm 1998, tham mưu và thực hiện thành công Đề án “Đổi mới tổ chức quản lý bảo vệ rừng theo hướng xã hội hóa”; đưa 121 kiểm lâm viên về phụ trách 144 xã có rừng, giúp cấp ủy, chính quyền thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cấp dự báo cháy rừng; xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt phương án PCCCR; đổi mới phương pháp quản lý, điều hành và tăng cường trách nhiệm của chính quyền cấp xã; tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, hướng dẫn nhân dân miền núi thực hiện quy trình sản xuất nương rẫy; chỉ đạo thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong chữa cháy rừng, thành lập lực lượng chữa cháy rừng chuyên trách, đầu tư xây dựng các công trình phòng cháy và mua sắm bổ sung phương tiện, máy móc thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng cho các đơn vị, địa phương, chủ rừng và các tổ PCCCR thôn bản.

Công tác PCCCR luôn được coi trọng. Các nguyên nhân và đối tượng gây cháy rừng được kiểm soát chặt chẽ ngay từ cơ sở, giải quyết hài hòa lợi ích giữa chủ rừng và người dân, do đó số vụ cháy rừng và diện tích thiệt hại do cháy rừng gây ra đã giảm đáng kể; các vụ cháy xảy ra đều được điều tra đối tượng, nguyên nhân gây cháy để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Trong công tác BTTN và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ: Năm 1999, tỉnh Thanh Hóa thành lập 3 khu BTTN Pù Hu, Pù Luông, Xuân Liên với diện tích 72.832 ha; cùng với phần diện tích thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương trên địa bàn tỉnh và Vườn Quốc gia Bến En, hiện tại tỉnh ta đã có 82.123,44 ha rừng đặc dụng. Trong những năm qua, các vườn quốc gia, khu BTTN đã làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, PCCCR, không để xảy ra các vụ khai thác lâm sản lớn, phá rừng làm rẫy. Kiểm lâm đã phối hợp với công an, quân sự, biên phòng vận động nhân dân giao nộp trên 5.000 khẩu súng săn các loại và hàng trăm công cụ săn, bắt động vật rừng; khoán khoanh nuôi tái sinh rừng và bảo vệ rừng theo kế hoạch hàng năm trên 36.000 ha; tổ chức gieo ươm hàng triệu giống cây lâm nghiệp các loại, trồng bổ sung và chăm sóc hàng ngàn ha rừng; triển khai lập hồ sơ quản lý theo tiểu khu; xây dựng dự án nghiên cứu khoa học bảo tồn loài “pơ mu, sa mu” tại Khu BTTN Xuân Liên; dự án bảo tồn loài bò tót tại Khu BTTN Pù Hu; dự án bảo tồn loài Voọc mông trắng tại Khu BTTN Pù Luông; dự án bảo tồn loài hạt trần quý, hiếm tại Khu bảo tồn loài Nam Động; xây dựng và triển khai dự án phát triển hạ tầng du lịch 2 khu BTTN Pù Hu, Pù Luông theo Quyết định 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai dự án hỗ trợ của các tổ chức quốc tế góp phần ổn định đời sống nhân dân vùng đệm các khu BTTN.

Chi cục chỉ đạo trạm kỹ thuật bảo vệ rừng nghiên cứu sản xuất và ứng dụng thành công các chế phẩm sinh học thay thế thuốc hóa học trong phòng trừ sâu róm thông và đạt giải thưởng VIOTEX; xây dựng được cơ sở dữ liệu theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, số hóa bản đồ. Một số phần mềm chuyên dụng như: Phần mềm Mapinfo; phần mềm theo dõi và quản lý vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; phần mềm Misa trong hoạt động kế toán tài chính, báo cáo thống kê; quản lý cán bộ, công chức, áp dụng thành công hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001: 2008.

Trong công tác đấu tranh phòng, chống phá rừng, từ năm 1997 đến nay, thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ. Chi cục Kiểm lâm đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các kế hoạch hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là thực hiện nghiêm túc chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ.

Hoạt động kiểm tra, kiểm soát lâm sản trên các tuyến nội tỉnh, liên huyện, liên tỉnh được kiểm soát chặt chẽ, mặc dù các đối tượng buôn bán lâm sản trái phép rất manh động, liều lĩnh. Từ năm 1990 đến nay, đã có hàng chục cán bộ, công chức kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng bị lâm tặc hành hung gây thương tích, trong đó có 3 công chức kiểm lâm và 1 chiến sĩ quân đội hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Trong công tác theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng: Sau khi hoàn thành giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cộng đồng, cá nhân, chi cục đã chủ động xây dựng phương án theo dõi diễn biến rừng và đất quy hoạch phát triển rừng, tích cực tổ chức thực hiện phương án sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt, phục vụ kịp thời cho công tác quản lý Nhà nước về rừng và đất quy hoạch phát triển rừng trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở kết quả cập nhật hàng năm, đã tham mưu cho UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố số liệu hiện trạng rừng và đất quy hoạch phát triển rừng với độ chính xác ngày càng cao, phục vụ kịp thời yêu cầu xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh, độ che phủ rừng từ 27% (năm 1990) tăng lên 53,03% (năm 2017).

Trong công tác phát triển rừng: Từ năm 2009 đến nay, được UBND tỉnh giao trực tiếp làm chủ đầu tư dự án trồng rừng sản xuất theo Quyết định số 147/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chi cục đã chỉ đạo các hạt kiểm lâm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo và hướng dẫn nhân dân tổ chức trồng rừng hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch; đặc biệt sau khi có Chỉ thị 13-CT/TW ngày 12-1-2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, công tác trồng rừng, khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng đã được đẩy mạnh. Để phát triển nguồn nguyên liệu gỗ bền vững, thực hiện Đề án phát triển rừng trồng kinh doanh gỗ lớn theo Quyết định số 4170/QĐ-UBND ngày 27-10-2016 của UBND tỉnh Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các ngành liên quan tham mưu chỉ đạo trồng mới, chuyển hóa 5.000 ha rừng gỗ lớn, từng bước hình thành vùng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, đưa diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn toàn tỉnh lên 40.500 ha.

Qua 45 năm xây dựng và phát triển, Kiểm lâm Thanh Hóa đã đạt được những kết quả rất đáng tự hào, hàng trăm lượt tập thể, cá nhân đã được Nhà nước, Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Lực lượng kiểm lâm Thanh Hóa đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Ba; Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Thanh Hóa.

Phát huy những thành tích đã đạt được, Kiểm lâm Thanh Hóa sẽ tập trung tham mưu và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án nhằm đạt đến sự ổn định bền vững tài nguyên rừng; chú trọng các giải pháp nhằm ổn định sản xuất nương rẫy, nâng cao lợi ích của chủ rừng, vai trò, trách nhiệm của chính quyền cơ sở và năng lực tham mưu của đội ngũ kiểm lâm địa bàn; phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật lâm nghiệp đến cộng đồng dân cư; tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, kiểm soát lâm sản; lấy bảo vệ rừng tại gốc là chủ yếu, quản lý chặt chẽ các tuyến vận chuyển lâm sản từ rừng ra gắn với quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh chế biến lâm sản, nhất là cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên; củng cố tổ chức, bộ máy, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, bản lĩnh nghề nghiệp cho công chức, viên chức kiểm lâm; tiếp tục đào tạo nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao điều kiện làm việc và đời sống vật chất, tinh thần cho công chức, viên chức.


Lê Văn Mơn (Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa)

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]