(Baothanhhoa.vn) - Một người bạn thân công tác xa quê, sau hơn 10 năm có dịp trở về với tư cách một đối tác cung ứng dịch vụ tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, đã vô cùng ngạc nhiên vì sự đổi thay đến ngỡ ngàng của quê hương. Bạn tôi hào hứng: 1 tuần làm việc và chiêm ngưỡng, tuy chưa thể là đầy đủ, nhưng, cảm nhận về sức sống đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nơi này là điều thật rõ ràng!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Không gian mới cho phát triển

Một người bạn thân công tác xa quê, sau hơn 10 năm có dịp trở về với tư cách một đối tác cung ứng dịch vụ tại Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp, đã vô cùng ngạc nhiên vì sự đổi thay đến ngỡ ngàng của quê hương. Bạn tôi hào hứng: 1 tuần làm việc và chiêm ngưỡng, tuy chưa thể là đầy đủ, nhưng, cảm nhận về sức sống đang trỗi dậy mạnh mẽ ở nơi này là điều thật rõ ràng!

Không gian mới cho phát triểnKhu Du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa). Ảnh: Việt Hương

Phải nói rằng, 10 năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được những bước phát triển có thể nói là đột phá. Phát huy lợi thế vùng và tiềm năng phát triển các ngành, các lĩnh vực, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân, Thanh Hóa đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế đứng đầu vùng Bắc Trung bộ và thuộc nhóm tỉnh, thành khá của cả nước.

Trong đó, ở đường hướng lãnh, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, các thế hệ lãnh đạo của tỉnh Thanh đã sớm nhìn thấy tiềm năng để có những quyết sách, hoạch định các quy hoạch không gian phát triển, đưa “Tứ sơn” thành những động lực tăng trưởng. Đồng thời, dựa trên tiềm năng của các ngành kinh tế để lãnh đạo phát triển toàn diện từ công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, đưa nền kinh tế - xã hội của tỉnh lên những tầm cao mới.

Giai đoạn 2015-2020, tăng trưởng GRDP bình quân của Thanh Hóa ước đạt 12,1%. Trong đó, năm 2019, tăng trưởng GRDP đạt 17,15%, cao nhất từ trước đến nay và xếp thứ 2 cả nước. Quy mô nền kinh tế năm 2020 gấp 4,5 lần so với năm 2010, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và thứ 8 cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, trong đó công nghiệp trở thành ngành trụ cột với hạt nhân là Khu Kinh tế Nghi Sơn. Cùng với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, thu ngân sách của tỉnh tăng trưởng cao và khá bền vững, đứng đầu khu vực và thứ 11 cả nước. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 43,53 triệu đồng, gấp 4,3 lần năm 2010 và gấp 1,76 lần năm 2015. Cùng với cải cách thủ tục hành chính, đã thúc đẩy các khu vực kinh tế phát triển đa dạng, nhất là khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; tạo được sự đột phá trong thu hút vốn cho đầu tư phát triển. Từ năm 2016 đến nay, đã có 1.072 dự án đầu tư trực tiếp vào Thanh Hóa, với tổng vốn đăng ký 114.522 tỷ đồng và 3,655 tỷ USD, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung bộ và trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có huy động vốn đầu tư cao nhất cả nước. Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Thanh Hóa hiện đang đứng thứ 8 cả nước.

Ghi nhận những cố gắng từ sự đồng thuận của tỉnh Thanh, hiện thực hóa căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu”, trong thời khắc chuẩn bị bước sang nhiệm kỳ mới, tỉnh Thanh Hóa đã vinh dự đón Nghị quyết 58-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 58).

Từ tầm nhìn tại Nghị quyết 58, Thanh Hóa được xác định có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, có vai trò kết nối vùng đồng bằng Sông Hồng, Tây Bắc với Bắc Trung bộ. Cũng tại nghị quyết này, Trung ương xác định, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu không chỉ là nhiệm vụ của tỉnh, mà còn là trách nhiệm của cả nước. Với sự “khéo léo trong điều khiển và sắp đặt” của Trung ương, Thanh Hóa có tầm nhìn đến năm 2045 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, phát triển toàn diện và kiểu mẫu.

Để hiện thực mục tiêu phát triển trên, Nghị quyết 58 cũng đã xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, làm “kim chỉ nam” cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa trong việc hoạch định các chiến lược phát triển cụ thể. Thanh Hóa sẽ được phát triển theo hướng công nghiệp nặng, nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao là nền tảng; các ngành công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Nghị quyết 58 cũng vạch ra mục tiêu phát triển toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm 3 vùng kinh tế - xã hội theo hướng: Phát triển bền vững vùng miền núi, là vùng có vai trò bảo đảm an ninh môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, quốc phòng - an ninh và đại đoàn kết các dân tộc; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng và trung du, là vùng đóng vai trò trung tâm với 3 cực tăng trưởng là TP Thanh Hóa, thị xã Bỉm Sơn và thị trấn Lam Sơn; phát triển đột phá và bền vững vùng ven biển và hải đảo với 2 cực tăng trưởng là thị xã Nghi Sơn và TP Sầm Sơn.

Cụ thể hóa Nghị quyết 58, thực hiện nhiệm vụ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng nhiệm kỳ 2020-2025, tại Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã xây dựng, định hướng không gian 4 - 5 - 6 - 6 nhằm mục tiêu phát triển kinh tế nhanh và bền vững, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đó, tỉnh Thanh Hóa sẽ tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế và 6 vùng liên huyện để tạo không gian mới cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong 4 trung tâm kinh tế động lực, TP Thanh Hóa - TP Sầm Sơn được định hướng phát triển dịch vụ đa ngành, đa lĩnh vực, chú trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, du lịch biển, du lịch văn hóa, phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; Trung tâm động lực phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn) sẽ phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, công nghiệp chế biến chế tạo gắn với khai thác hiệu quả Cảng biển Nghi Sơn; Trung tâm động lực phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng, chế biến chế tạo, chế biến nông lâm sản, dược phẩm, da giầy, dịch vụ, du lịch; Trung tâm động lực phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng) phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hàng không, điện tử viễn thông, công nghiệp công nghệ cao, du lịch di sản.

Về 5 trụ cột tăng trưởng được hoạch định, gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo với ưu tiên phát triển các nhóm ngành trọng điểm như sản xuất xăng dầu, các sản phẩm sau lọc hóa dầu, hóa chất, nhựa, sản xuất thép, công nghiệp điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo, sản xuất thiết bị y tế và công nghiệp dược phẩm, dệt may, giầy da, chế biến nông, lâm, thủy sản. Du lịch được định hướng đa dạng với du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, tâm linh và khám phá thiên nhiên. Y tế hướng tới xây dựng hệ thống y tế phục vụ tốt nhất cho người dân trong tỉnh và khu vực lân cận trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Nông nghiệp sẽ tập trung phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực theo hướng sản xuất tập trung theo vùng, quy mô lớn, công nghệ cao theo chuỗi giá trị. Phát triển hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tạo sự kết nối giữa các khu kinh tế động lực, các hành lang kinh tế, vùng liên huyện...

Thanh Hóa cũng sẽ tập trung phát triển 6 hành lang kinh tế, kết nối với thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc, Bắc Trung bộ và nước CHDCND Lào, làm cơ sở để quy hoạch và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là giao thông, cảng biển, cảng hàng không, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; gồm: Hành lang kinh tế ven biển, kết nối Thanh Hóa với các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình) và tỉnh Nghệ An, thông qua tuyến đường bộ ven biển với định hướng phát triển kinh tế biển, với trọng tâm là du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải và nghề cá. Hành lang kinh tế Bắc Nam, kết nối Thanh Hóa với thủ đô Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung bộ, thông qua tuyến Quốc lộ 1A và đường cao tốc Bắc Nam, định hướng phát triển công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh, kết nối Thanh Hóa với Hà Nội, các tỉnh phía Bắc và Nghệ An, định hướng phát triển là nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông lâm sản “xa lộ nông nghiệp”. Hành lang kinh tế Đông Bắc, kết nối Cảng Lạch Sung - Nga Sơn - Bỉm Sơn - Thạch Thành với các tỉnh phía Bắc thông qua Quốc lộ 217B và Quốc lộ 217, định hướng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch văn hóa. Hành lang kinh tế trung tâm, kết nối TP Sầm Sơn - TP Thanh Hóa - huyện Thọ Xuân thông qua Đại lộ Nam sông Mã, Đại lộ Lê Lợi, đường từ TP Thanh Hóa đi Cảng Hàng không Thọ Xuân, định hướng phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Hành lang kinh tế quốc tế, kết nối Cảng biển Nghi Sơn - Cảng Hàng không Thọ Xuân với các tỉnh vùng Tây Bắc và nước CHDCND Lào, thông qua tuyến đường từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn, đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15, Quốc lộ 217 và Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, định hướng phát triển dịch vụ xuất nhập khẩu, dịch vụ cảng biển, logistics và công nghiệp. Đồng thời, phát triển 6 vùng liên huyện, làm cơ sở lập các quy hoạch, bố trí hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, hạ tầng xã hội hiệu quả hơn, bảo đảm tính thống nhất chung toàn tỉnh trong việc phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội.

Với niềm tự hào và tâm thế sẵn sàng, sự quan tâm và những cơ chế nổi trội mà Trung ương “sắp đặt” dành cho Thanh Hóa, tin rằng, trong tương lai không xa, Thanh Hóa sẽ đạt được mục tiêu phát triển mới, đưa tỉnh Thanh sớm trở thành tỉnh kiểu mẫu; một cực tăng trưởng mới, kết nối và hòa với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh để hình thành tứ giác phát triển phía Bắc của đất nước.

Minh Hằng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]