(Baothanhhoa.vn) - Dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai quyết liệt, kịp thời các gói hỗ trợ tín dụng nhằm chia sẻ khó khăn, cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khơi thông nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Dịch bệnh COVID-19 làm ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân, ngành ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã triển khai quyết liệt, kịp thời các gói hỗ trợ tín dụng nhằm chia sẻ khó khăn, cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định, duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh.

Khơi thông nguồn vốn tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh

Công ty Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm (Yên Định) được ngân hàng giảm lãi suất để khôi phục sản xuất sau dịch bệnh COVID-19.

Ngay từ đầu tháng 2, Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa (NHNN Thanh Hóa) đã chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng (TCTD) đánh giá mức độ thiệt hại, sẵn sàng phương án kinh doanh, hỗ trợ tín dụng cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tình Cầm, xã Định Liên (Yên Định) là đơn vị có gần 10 năm kinh nghiệm trong việc thu mua ớt tươi để xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với tổng sản lượng tiêu thụ hàng năm đạt từ 600 đến 700 tấn ớt tươi/năm, tạo việc làm cho 60 lao động. Thế nhưng, thời điểm này, mọi hoạt động tiêu thụ sản phẩm của công ty gần như bị đóng băng. Bà Nguyễn Thị Tình, giám đốc công ty, cho biết: Tình trạng tồn đọng nông sản xảy ra từ trung tuần tháng 1-2020. Hiện tại, công ty đang bị tồn đọng hơn 100 tấn ớt sấy khô và 500 tấn ớt muối, tương đương khoảng 20 tỷ đồng trong khi tiền thuê kho bảo quản, công cho người lao động, lãi vay ngân hàng vẫn phải chi trả đã trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp. Do vậy, khi biết Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương - Chi nhánh Thanh Hóa (Vietcombank Thanh Hóa) hỗ trợ giảm lãi suất 1%/năm và được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, doanh nghiệp yên tâm hơn để xây dựng kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Được biết, từ tháng 2-2020 đến nay, Vietcombank Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Ngân hàng đã triển khai rà soát toàn diện khách hàng; trong đó, chú trọng đến 5 lĩnh vực ưu tiên là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ và ứng dụng công nghệ cao. Với quan điểm hỗ trợ tối đa khách hàng, Vietcombank Thanh Hóa triển khai theo phương pháp cuốn chiếu là rà soát đến đâu, tiến hành hỗ trợ ngay đến đó, tùy theo tình hình thực tế của doanh nghiệp. Theo đó, ngân hàng đã miễn giảm lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, đối với cho vay ngắn hạn giảm 1%, trung dài hạn 1,5% so với mức lãi suất cam kết thực hiện trước đó. Đến hết tháng 4, ngân hàng đã giảm lãi suất cho các doanh nghiệp, cá nhân là 568 tỷ đồng, cơ cấu nợ cho khách hàng với số tiền gần 1.000 tỷ đồng.

Là một trong những ngân hàng thương mại trên địa bàn tiên phong trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển - Chi nhánh Lam Sơn (BIDV Lam Sơn), đã chủ động rà soát dư nợ của khách hàng bị ảnh hưởng để có biện pháp giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho khách hàng; cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng. Theo đó, ngân hàng đã giảm lãi suất cho khách hàng từ 0,5-2%/năm, tùy theo mức độ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, cơ cấu lại kỳ hạn trả gốc, giảm lãi vay đối với dư nợ hiện hữu cho khách hàng sụt giảm doanh thu do dịch bệnh. Đến ngày 10-4, ngân hàng đã giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ cho các doanh nghiệp, cá nhân, với nguồn vốn hơn 400 tỷ đồng. Hiện chi nhánh đang tiếp tục hướng dẫn khách hàng bị thiệt hại hoàn thành hồ sơ để được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo quy định, với tổng nguồn vốn dự kiến hơn 800 tỷ đồng.

Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, NHNN Thanh Hóa đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn bám sát tình hình sản xuất, kinh doanh, nắm rõ mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn tại đơn vị, nhất là những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch bệnh, như: Vật liệu xây dựng, chăn nuôi, các ngành dịch vụ, du lịch... Đồng thời, có biện pháp quản lý, theo dõi và xác định đúng đối tượng khách hàng vay vốn được hưởng chính sách hỗ trợ của ngân hàng. Cùng với đó, NHNN Thanh Hóa cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại, TCTD trên địa bàn nhanh chóng triển khai, áp dụng các quy định nội bộ tạm thời theo hướng dẫn trong hệ thống về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Cùng với đó, đề nghị các TCTD trên địa bàn chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, xem xét miễn, giảm lãi vay, phí dịch vụ phù hợp với điều kiện tài chính của đơn vị. Đồng thời, thiết lập đường dây nóng và chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thành lập đường dây nóng tại đơn vị để tiếp nhận và xử lý kịp thời, triệt để các kiến nghị, đề xuất, những khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp liên quan đến quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ của khách hàng theo Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của NHNN Việt Nam. Với hàng loạt các chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của NHNN tỉnh, các chi nhánh ngân hàng thương mại, TCTD trên địa bàn đã khẩn trương vào cuộc, triển khai các biện pháp cụ thể kịp thời hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến hết ngày 30-4, toàn tỉnh đã có 1.270 khách hàng gặp khó khăn được hỗ trợ về tài chính với tổng dư nợ gần 2.550 tỷ đồng; trong đó, có 883 khách hàng cá nhân với dư nợ gần 805 tỷ đồng; 372 khách hàng doanh nghiệp, với dư nợ 1.673,38 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thanh An, Giám đốc NHNN Thanh Hóa, cho biết: NHNN Thanh Hóa yêu cầu các ngân hàng thương mại, TCTD xử lý nghiêm những cán bộ, nhân viên triển khai chậm, cố tình gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm, không đúng quy định trong quá trình thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Đồng thời, tiếp tục triển khai có hiệu quả các biện pháp mở rộng tín dụng đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đột phá, có thế mạnh của tỉnh; đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vốn tín dụng cho các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh, nhất là vốn tín dụng để khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh. Các ngân hàng thương mại tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin để bảo đảm có sự đồng thuận cao trong triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, nhất là giải pháp giữ nguyên nhóm nợ khi thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi. NHNN Thanh Hóa sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các chi nhánh ngân hàng trong việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Bài và ảnh: Khánh Phương


Bài Và Ảnh: Khánh Phương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]