(Baothanhhoa.vn) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nga Sơn lần XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống hạ tầng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng... Đến thời điểm hiện tại, tuy mới qua 1/2 nhiệm kỳ, song huyện đã hoàn thành và vượt kế hoạch 9/25 chỉ tiêu đã được đề ra cho cả nhiệm kỳ, trong đó có nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khởi sắc kinh tế ở huyện Nga Sơn

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nga Sơn lần XXII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra 25 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển hệ thống hạ tầng, xây dựng tổ chức cơ sở đảng... Đến thời điểm hiện tại, tuy mới qua 1/2 nhiệm kỳ, song huyện đã hoàn thành và vượt kế hoạch 9/25 chỉ tiêu đã được đề ra cho cả nhiệm kỳ, trong đó có nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế.

Các sản phẩm đặc trưng huyện Nga Sơn tham gia trưng bày tại một triển lãm nông nghiệp cấp tỉnh.

Tuy còn gặp nhiều khó khăn, thử thách, nhưng tất cả các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế của huyện đều có sự tăng trưởng, chuyển biến, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, tổng giá trị sản xuất toàn huyện năm 2015 đạt 4.338,6 tỷ đồng, thì đến năm 2017 đạt 5.584,6 tỷ đồng, gấp 1,3 lần năm 2015. Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân hàng năm của huyện, giai đoạn 2015 – 2017 đạt 13,5%, cao hơn mức tăng trưởng của giai đoạn 2010 – 2015 là 0,4%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội từ năm 2015 đến hết 2017 là 4.858 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 là 21,4 triệu đồng/người thì đến năm 2017 đã đạt 28,5 triệu đồng/người; mục tiêu đạt 41 triệu đồng/người vào năm 2020 do đại hội đề ra là hoàn toàn khả thi.

Xác định nông nghiệp là cơ sở, là bệ phóng cho phát triển, đầu tháng 1-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Nga Sơn đã ban hành Nghị quyết số 03 về nâng cao hiệu quả sản xuất ngành nông nghiệp trên địa bàn; đồng thời, triển khai các đề án, cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Theo đó, huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn đã tập trung chỉ đạo ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng theo hướng ngày càng tích cực. Nhiều giống lúa thuần mới, năng suất cao, phù hợp với đồng đất Nga Sơn, như: VT 404, Thái Xuyên 111, BC 15, Thiên Ưu 8, Bắc Thơm số 7... được đưa vào sản xuất, cho năng suất cao, góp phần đưa năng suất lúa bình quân toàn huyện lên hơn 60 tạ/ha.

Huyện cũng chủ trương chuyển đổi được hơn 200 ha đất lúa - màu sang đất chuyên màu để chuyên canh những loại cây màu theo hướng hàng hóa. Nhiều diện tích cây trồng có giá trị kinh tế cao được nhân rộng, trong đó phải kể đến hàng nghìn ha dưa hấu, khoai tây, lạc... mỗi năm được liên kết sản xuất gắn với đầu ra ổn định cho sản phẩm. Trong việc triển khai thực hiện đề án xây dựng cánh đồng mẫu lớn của huyện cũng mang lại nhiều kết quả khả quan, đến nay đã có 8/26 xã, thị trấn trong huyện thực hiện, xây dựng được hơn 200 ha đất trồng trọt theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, góp phần tăng năng suất từ 15 đến 22% so với sản xuất đại trà. Mục tiêu đạt 58.000 tấn lương thực vào năm 2020 do Đại hội Đảng bộ huyện Nga Sơn lần XXII đã vượt kế hoạch bởi năm 2017, sản lượng lương thực toàn huyện đã đạt hơn 59.400 tấn.

Riêng với diện tích trồng cói - một trong những cây trồng truyền thống của địa phương, cũng được cải tạo, thâm canh tăng năng suất nhờ các chính sách hỗ trợ hợp lý. Nhiều diện tích trồng cói kém hiệu quả, năng suất thấp được chuyển đổi thành công sang trồng lúa hoặc kinh tế trang trại, nhất là tại các xã Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thủy. Đó cũng là lý do diện tích cói 2 vụ của huyện giảm từ hơn 1.700 ha (năm 2015) xuống còn hơn 1.650 ha (hiện tại), tuy nhiên đây là sự giảm hợp lý, hướng đến thâm canh sâu vì mục đích cho hiệu quả kinh tế và năng suất cao hơn. Điều này đã được minh chứng bởi theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện: Năm 2015, năng suất cói 2 vụ của huyện đạt năng suất 66,6 tạ/ha và sản lượng 11.421 tấn, thì năm 2017, năng suất cói đạt 75,5 tạ/ha và sản lượng đã đạt hơn 12.500 tấn. Sản lượng cói tăng lên hơn 1.000 tấn, trong khi diện tích giảm đã cho thấy hiệu quả từ việc trồng cói ở Nga Sơn đang có bước phát triển nhanh. Sản lượng cói tăng lên cũng chính là điều kiện thúc đẩy các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp trong huyện phát triển bởi nguồn nguyên liệu từ cói dồi dào hơn, chủ động hơn.

Hoạt động chăn nuôi cũng có bước phát triển khi bình quân sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của toàn huyện trong 3 năm qua đạt hơn 15.600 tấn, mỗi năm đều có sự tăng trưởng khoảng 2%/năm. Ngành thủy sản của địa phương cũng duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm 1,2%. Tổng sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng bình quân hằng năm của huyện đạt gần 7.000 tấn, cho giá trị kinh tế trên dưới 150 tỷ đồng mỗi năm. Riêng tại vùng trang trại tổng hợp ở các xã ven biển của huyện được chuyển đổi từ đất cói kém hiệu quả, giá trị sản xuất trồng trọt kết hợp nuôi trồng thủy sản hiện nay đạt hơn 113 triệu đồng/ha/năm, trong khi thời điểm năm 2015 chỉ đạt 101,8 triệu đồng. Huyện đang phấn đấu nâng giá trị sản xuất của vùng sản xuất này lên 130 triệu đồng/ha vào năm 2020.

Cùng với nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Nga Sơn cũng đang có nhiều chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng trong lĩnh vực này đã đạt 18% mỗi năm, với tổng giá trị hàng năm đạt gần 1.500 tỷ đồng. Lĩnh vực dịch vụ - thương mại của huyện trong hơn nửa nhiệm kỳ qua cũng duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 16%/năm; giá trị xuất khẩu hằng năm đạt từ 102 đến hơn 110 triệu USD, chủ yếu là mặt hàng may mặc, cói nguyên liệu và các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp từ cói. Nhiều tụ điểm dịch vụ, thương mại ở các xã, thị trấn trong huyện phát triển nhanh, phong phú cả về số lượng lẫn chất lượng. Mạng lưới chợ nông thôn đang được quản lý, chuyển đổi mô hình hoạt động; trong đó có chợ thị trấn Nga Sơn khang trang, hoạt động hiệu quả.

Phát triển kinh tế trở thành điều kiện tác động trở lại để huyện phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Huyện ủy Nga Sơn đã chỉ đạo khai thác tốt các nguồn thu để đầu tư cho phát triển; đồng thời xác định danh mục các công trình đầu tư công, giai đoạn 2016 - 2020 để có kế hoạch đầu tư. Từ 2015 đến nay, hơn 100 km đường giao thông nông thôn và kênh mương được nâng cấp và xây mới. Nhiều công trình đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, trong đó phải kể đến: Chợ thị trấn, nhà truyền thống huyện, Trường THCS Chu Văn An, 29 trạm biến áp và nhiều mạng lưới điện nông thôn, hàng trăm công trình hạ tầng khác ở cấp xã.


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]