(Baothanhhoa.vn) - Cùng với sự thay đổi của thể chế, chính sách đối với mặt hàng đường và “nạn” đường nhập lậu, các nhà máy đường cùng hàng ngàn hộ dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức. Giữ được vùng mía, tiếp tục phát triển thương hiệu mía đường tỉnh Thanh đang là bài toán nan giải. Ở đó, cần những hoạch định chiến lược của doanh nghiệp đầu tàu, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nỗ lực của chính những người trồng mía.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giữ cây mía trước nguy cơ “bức tử”

Giữ cây mía trước nguy cơ “bức tử”

Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn kiểm tra lắp đặt dây chuyền nhà máy nước dinh dưỡng tế bào mía.

Cùng với sự thay đổi của thể chế, chính sách đối với mặt hàng đường và “nạn” đường nhập lậu, các nhà máy đường cùng hàng ngàn hộ dân trồng mía trên địa bàn tỉnh đang đối mặt với vô vàn những khó khăn, thách thức. Giữ được vùng mía, tiếp tục phát triển thương hiệu mía đường tỉnh Thanh đang là bài toán nan giải. Ở đó, cần những hoạch định chiến lược của doanh nghiệp đầu tàu, sự vào cuộc của chính quyền địa phương và nỗ lực của chính những người trồng mía.

Giữ lấy cây mía “diệu kỳ”

Đã hơn 40 năm, cây mía gắn bó với công cuộc xóa đói, giảm nghèo của hàng vạn hộ nông dân ở xứ Thanh. Cây mía đã hình thành nên một trong những sản phẩm công nghiệp có thương hiệu đầu tiên trên quê hương Thanh Hóa. Không những thoát nghèo, nhiều hộ dân vùng nguyên liệu mía đã vươn lên thành những hộ sản xuất giỏi, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, cây mía đang lâm vào thế khó, khi những năm gần đây, giá đường thế giới liên tục giảm. Theo đánh giá của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, buôn lậu, gian lận thương mại đường nhập lậu cùng với hệ thống quản lý, kiểm soát kém hiệu quả là nguyên nhân quan trọng xóa bỏ những nỗ lực chuẩn bị hội nhập của các doanh nghiệp đường và nông dân trồng mía. Thêm nữa, chính sách tạm nhập - tái xuất với quy định mặt hàng này là đối tượng được miễn thuế theo Luật Thuế năm 2016 gần như đẩy ngành mía đường vào nguy cơ “bức tử”.

Tuy nhiên, loài cây lịch sử 40 năm gắn với sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa vẫn còn rất nhiều cơ hội. Gần nhất trong một lần đến thăm vùng mía và Khu Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Năng Vịnh, Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam đã nói: Trong cây mía, không chỉ có 10% đường. Cây mía còn có 90% sinh khối khác chưa được khai thác. Hiện nay, với những thành tựu của công nghệ sinh học, Brazil đã thủy phân và lên men toàn bộ sinh khối cây mía thành đường, bioethanol và các hóa chất sinh học khác nhau. Năm 2017, các nhà khoa học Mỹ cũng công bố tạo ra giống mía mới bằng kỹ thuật di truyền, có chứa đến 13% các chất dầu béo, trong khi hàm lượng đường không thay đổi. Cây mía sẽ trở thành cây sản xuất dầu béo nhiều hơn cây lấy dầu khác như đậu tương, lạc... Mỹ và Brazil cũng đã tạo ra được nhiều giống mía mới có năng suất sinh khối lên tới 200 tấn/ha, gọi là giống mía năng lượng.

Cũng theo Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Năng Vịnh, chưa có cây nào dễ tính, dễ trồng, thích ứng rộng, có khả năng hấp thu năng lượng mặt trời lên tới 7% và cho năng suất sinh khối cao như cây mía. Các nhà khoa học cũng đã tạo ra chủng vi sinh và enzym phân giải sinh khối, tạo ra các loại đường, các hóa chất, các polymer sinh học, phân bón, thức ăn chăn nuôi và nguồn năng lượng tái tạo từ cây mía. Không xa, các chủng vi sinh và enzym này sẽ được sản xuất ở quy mô công nghiệp, giá rẻ và ứng dụng phổ biến. Do đó, tương lai của cây mía sẽ trở thành một cây trồng kinh tế đa dụng nhờ các tiến bộ của công nghệ sinh học toàn cầu. Điển hình, vùng mía Lam Sơn vốn là một vùng đất có ưu thế cạnh tranh. Không những vậy, cây mía nơi đây đang có nhiều cơ hội được làm mới với nhiệt huyết quyết liệt của Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn (Lasuco).

Sẽ đổi mới về chất những vùng nguyên liệu...

Nhạy bén với xu thế cạnh tranh, hội nhập cùng thị trường, xa lộ công nghệ cao dọc hai bên đường Hồ Chí Minh qua địa bàn tỉnh đã được manh nha trong đường hướng, chiến lược của Lasuco nhiều năm về trước. Tại đây, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn được khởi công xây dựng vào năm 2013. Đến nay, trong khu nhà nuôi cấy mô 5.000m2 đã cho ra đời 3 - 5 triệu cây giống mía mỗi năm. Lasuco đã tiến hành đánh giá, tuyển chọn, thu thập được 28 giống mía; trong đó, tuyển chọn được 10 giống ưu việt, có hàm lượng đường cao, năng suất từ 100 đến 150 tấn/ha và có thể đạt tới 250 tấn/ha. Cùng với tạo giống, công ty đã quy hoạch vùng sản xuất mía công nghệ cao, áp dụng mô hình quy mô công nghiệp cánh đồng lớn 500 ha tại Công ty TNHH MTV Lam Sơn - Sao Vàng và các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Ngọc Lặc, Triệu Sơn, Thường Xuân, Như Xuân.

Từ vùng mía với 35.000 hộ nông dân, diện tích trung bình chỉ 0,3 ha/hộ. Đến nay, vùng mía Lam Sơn chỉ còn hơn 3.000 hộ, diện tích trồng mía trung bình đạt 1,1 ha/hộ. Công ty đang tiếp tục xây dựng câu lạc bộ những người đi đầu trong sản xuất lớn, thúc đẩy hình thành những cánh đồng mẫu lớn để quy hoạch, đưa những giống mía năng suất, chất lượng tốt nhất, ứng dụng quy trình hiện đại. Lasuco cũng trở thành đơn vị đầu tiên trong cả nước xây dựng bản đồ số quản lý, theo dõi quy trình sản xuất mía từ khâu làm đất, xử lý giống, bón phân, chăm sóc đến thu hoạch, giúp nông dân trồng mía hạch toán chi phí sản xuất một cách khoa học và tiết kiệm, thúc đẩy cây mía phát triển theo hướng hiện đại.

Để hình thành, liên kết hợp tác, phát triển vùng nguyên liệu bền vững, từ đầu năm 2018, Lasuco đã thành lập các HTX sản xuất và tiêu thụ mía. Ngoài mục tiêu tích tụ đất đai để sản xuất quy mô lớn, HTX còn là nơi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh nhằm tăng năng suất, giảm chi phí, hạ giá thành, nâng cao hiệu quả sản xuất mía cho nông dân. Đến nay, đã có 10 HTX được thành lập với tổng diện tích 1.348 ha. Nhiều vùng mía thâm canh của các HTX Ngọc Phụng, Thọ Thanh (Thường Xuân), Thọ Lâm (Thọ Xuân)... đã đạt năng suất hơn 100 tấn/ha. Tương lai, Lasuco sẽ thành lập 40 HTX tại 40 xã trọng điểm của vùng mía Lam Sơn. Thực hiện tổ chức lại sản xuất, xây dựng các vùng cánh đồng mía lớn tập trung ở 40 xã; trong đó, có ít nhất 50% diện tích trồng mía quy mô lớn, mỗi hộ tích tụ được 5 ha đất để đưa cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất, nâng năng suất mía trung bình đạt 100 tấn/ha, chữ đường đạt 12-13 CCS. Phát triển 500 - 1.000 hộ sản xuất thành những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đưa họ tham gia thị trường bằng cả những sản phẩm đa dạng ngoài cây mía.

... đến chắt lọc tinh túy từ cây mía

Cùng với việc “thay máu” vùng nguyên liệu, Lasuco vẫn đang nỗ lực triển khai nhiều dự án mới, đặc biệt là chiến dịch “làm mới cây mía, hạt đường”. Trên cơ sở các phân tích khoa học về tác dụng của đường mía đối với sức khỏe của con người, trong đó có công dụng chống một số loại virus, trẻ hóa tế bào... công ty đã quyết định đầu tư nhà máy nước dinh dưỡng tế bào mía có tổng mức đầu 365 tỷ đồng. Với công suất thiết kế xử lý nước ép mía giai đoạn đầu là 100 tấn/ngày và thời gian sản xuất 250 ngày/năm. Dự án không chỉ là cứu cánh khôi phục tình hình giảm sút của cây mía trong những năm gần đây mà còn nâng cao vị thế của cây mía. Hiện nay, nhà máy đã hoàn thiện các khâu lắp đặt dây chuyền và dự kiến khánh thành trong dịp Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa sắp tới.

Với việc cung cấp ra thị trường dòng sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt bảo vệ sức khỏe, phục vụ nhu cầu tiêu dùng đồ uống chất lượng cao, sản phẩm được đánh giá sẽ có sức cạnh tranh tốt trên thị trường đồ uống, từ đó, đầu vào của nguyên liệu sẽ tăng, thu nhập của người trồng mía được bảo đảm. Được biết, Lacuco cũng đã ban hành mức giá thu mua nguyên liệu trong 3 năm tiếp theo. Theo đó, giá thu mua từ niên vụ 2021-2022 trở đi sẽ được nâng lên 1.000.000 đồng/tấn mía 10CCS, làm cơ sở để người dân yên tâm sản xuất.

Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Mía đường Lam Sơn, cho biết: Ưu thế vượt trội của sản phẩm nước ép dinh dưỡng tế bào mía là sản phẩm được lấy từ mía ép công đoạn đầu, qua 4 cấp xử lý thiết bị vật lý. Hơn nữa, phải có một nhà máy đường công suất lớn như Lasuco đang sở hữu mới có thể chắt lọc được sản lượng nước ép đầu này. Qua các công đoạn sản xuất không cho thêm bất kỳ chất nào khác, mà lấy toàn bộ thành phần quý của cây mía từ thiên nhiên ban tặng. Phương pháp này cũng trích ly ra các chất có lợi cho sức khỏe con người.

Tuy nhiên, cũng theo Anh hùng Lao động Lê Văn Tam, để ổn định sản lượng mía cho nhà máy dinh dưỡng tế bào mía hoạt động, cần tới 120.000 tấn mía nguyên liệu mỗi năm. Do đó, công ty cần tối thiểu 10.000 ha mía đứng, với năng suất trung bình 80 tấn/ha. Giữ thương hiệu mía đường, giữ cây mía đã làm nên lịch sử cho sự phát triển của nhiều huyện trong tỉnh Thanh, hiện đang rất cần sự quan tâm, vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc định hướng, tuyên truyền cho Nhân dân bình tĩnh ổn định diện tích; tích tụ ruộng đất, đầu tư thâm canh các mô hình mía cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Minh Hằng


Minh Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]