(Baothanhhoa.vn) - Công trình đường tràn bản Thủy Sơn ở xã vùng cao Sơn Thủy của huyện Quan Sơn đã bị nước dòng suối Xia cuốn trôi toàn bộ phần đường vào cuối tháng 8 vừa qua, chỉ còn trơ lại phần cống. Được biết, đây không phải lần đầu phần đường này bị dòng nước suối cuốn đi sau mỗi lần có nước lớn...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đường tràn 3,8 tỷ đồng chưa đưa vào sử dụng đã bị nước cuốn trôi: Do thiết kế không hợp lý !?

Công trình đường tràn bản Thủy Sơn ở xã vùng cao Sơn Thủy của huyện Quan Sơn đã bị nước dòng suối Xia cuốn trôi toàn bộ phần đường vào cuối tháng 8 vừa qua, chỉ còn trơ lại phần cống. Được biết, đây không phải lần đầu phần đường này bị dòng nước suối cuốn đi sau mỗi lần có nước lớn...

Phần đường của công trình đường tràn bản Thủy Sơn, xã Sơn Thủy (Quan Sơn) đã bị cuốn trôi, còn trơ lại phần cống.

Từ nhiều đời nay, bản Thủy Sơn, xã Sơn Thủy đã bị ngăn cách với khu vực trung tâm xã bởi dòng suối Xia khiến đời sống của gần 100 hộ đồng bào Thái nơi đây gặp nhiều khó khăn. Từ giữa năm 2017, công trình đường tràn vào bản được triển khai thi công, nguồn vốn tài trợ từ Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Khi biết có dự án làm đường tràn vượt suối, 430 nhân khẩu của bản đều vui mừng phấn khởi chờ mong khánh thành để phá vỡ thế chia cắt trong giao thông. Niềm hy vọng ấy càng lớn dần khi công trình đã thành hình, tuy chưa hoàn thành và bàn giao công trình, song bà con đã có thể qua lại bằng xe mô tô. Thế nhưng, ngày 31–8 vừa qua, khi có đợt mưa lớn, dòng nước suối cuồn cuộn đổ về, phần đường đã bị cuốn trôi. Khi sự kỳ vọng càng lớn, thì nỗi thất vọng dân bản càng nhiều.

Quan sát trên thực địa, chúng tôi ghi nhận toàn bộ phần đường đắp vuông góc với dòng suối đã không còn vết tích. Riêng phần cống với cấu kiện bê tông vẫn còn tồn tại. Để thuận lợi cho việc đi lại, gần đây, các hộ dân bản Thủy Sơn đã tự vận động, kêu gọi các gia đình góp công, góp nguyên liệu để làm cầu tạm bằng luồng nứa. Hằng ngày, những chiếc xe mô tô vẫn phải chạy qua cây cầu tạm chòng chành, ọp ẹp, dài khoảng 20m và chỉ rộng chừng hơn 1m này. Đáng ngại hơn, các em học sinh của bản hằng ngày vẫn phải qua cây cầu tạm không lan can này, dưới là dòng nước luôn cuộn chảy. Được biết, suối Xia là dòng suối lớn nhất chảy qua địa bàn huyện Quan Sơn. Do đi qua các địa bàn đồi núi dốc, nên mỗi khi có mưa, cường độ dòng nước suối này rất mạnh. Riêng đoạn xây dựng đường tràn Thủy Sơn này, lòng suối rộng tới gần 20m.

Việc công trình đường tràn có tổng kinh phí lên tới 3 tỷ 801 triệu đồng bị cuốn trôi không đơn thuần chỉ là thiệt hại do thiên tai. Chưa cần phải các chuyên gia ngành xây dựng cầu đường, mà chỉ cần nhìn trên thực địa, nhiều người cũng nhận ra thiết kế không hợp lý. Toàn bộ công trình dài 664m cắt ngang dòng suối, song chỉ có một phần cống rộng chừng 4 – 5 m để lưu thủy. Khi có mưa lũ, cống thoát không đủ rộng để thoát hết phần nước lớn đổ về. Chính phần đường hai bên cống đã “góp phần” chặn dòng nước, tạo thành điểm nghẽn chắn ngang dòng suối. Toàn bộ nước suối đã bị chặn tạo ra áp lực lớn nên dần phá và cuốn trôi phần đường. Vô hình chung, khoảng 80% chiều rộng dòng suối đã bị đắp chặn lại, nếu công trình có được thi công trở lại và hoàn thành, cũng chẳng ai dám đảm bảo rằng, những đợt mưa lũ tới, hiện nó có còn nguyên vẹn!?

Cùng chúng tôi đi “mục sở thị” công trình bị cuốn trôi này, ông Hà Văn Thể, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy, cho biết: Công trình đường tràn này do một công ty có trụ sở ở phường Trường Thi (TP Thanh Hóa) thiết kế. Đơn vị thi công là Công ty CP Kiến trúc SPT. Công trình bị cuốn trôi khi đơn vị thi công chưa bàn giao cho địa phương nên họ sẽ phải có trách nhiệm làm lại. Đã hơn 2 tháng dừng thi công, chúng tôi đã có nhắc nhở, nhưng phía đơn vị thi công đề nghị đến mùa khô mới tái thi công. Nhiều người đặt câu hỏi, nếu công trình vẫn được hoàn thành và bàn giao vào mùa khô tới, không biết tuổi thọ công trình sẽ được bao lâu?

Trong cuộc giám sát về đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng tại huyện Quan Sơn của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh vào đầu tháng 10 vừa qua, một số thành viên đoàn giám sát cũng có nhận định thiết kế của công trình không hợp lý. Có đại biểu đề xuất, phương án hợp lý nhất là xây dựng thêm một cống nữa để tăng lưu lượng nước chảy qua đây nhằm giảm áp lực nước lên phần đường. Dẫu biết rằng, phải thay đổi thiết kế là tốn kém thêm một khoản kinh phí, song nhận ra sự không hợp lý để sửa còn hơn là biết không hợp lý mà vẫn cứ “nhắm mắt” để làm... Rất mong, UBND huyện Quan Sơn lưu tâm, nghiên cứu.


Bài và ảnh: PV

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]