(Baothanhhoa.vn) - Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhiều địa phương đã và đang tuyển chọn, du nhập những giống cây trồng mới đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nếu các địa phương không có những kế hoạch, những lộ trình thực hiện bài bản thì việc du nhập cây trồng mới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Du nhập cây trồng mới vào sản xuất: Hiệu quả và những vấn đề đặt ra

Với mục tiêu nâng cao hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp, những năm qua, nhiều địa phương đã và đang tuyển chọn, du nhập những giống cây trồng mới đưa vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, nếu các địa phương không có những kế hoạch, những lộ trình thực hiện bài bản thì việc du nhập cây trồng mới cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Cây ba kích được du nhập vào huyện Thường Xuân từ năm 2014 song không đạt được hiệu quả kinh tế như kỳ vọng.

Hiện nông dân xã Hoằng Trung (Hoằng Hóa) bước vào vụ thứ hai sản xuất cây đậu tương rau. Có mặt tại địa phương những ngày này, chúng tôi cảm nhận được khí thế lao động hăng say của bà con nông dân trên những cánh đồng đã xanh mướt, phủ kín bởi cây rau màu. Để tăng hiệu quả kinh tế và ổn định cuộc sống của người dân, UBND xã giao nhiệm vụ cho HTX dịch vụ nông nghiệp chủ động tuyển chọn, du nhập những giống cây trồng mới phù hợp với đồng đất địa phương và có giá trị kinh tế cao để đưa vào sản xuất thay thế những loại cây trồng truyền thống. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Hùng Sơn, giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã, cho biết: Vụ hè thu 2018, địa phương đã liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao để triển khai trồng 23 ha cây đậu tương rau, doanh thu đạt từ 250 đến 270 triệu đồng/ha/năm (3 vụ/năm). Nhận thấy cây đậu tương rau dễ trồng, thời vụ ngắn (70 ngày/vụ), có khả năng cải tạo đất, thị trường tiêu thụ ổn định nên đã phát triển thành 1 trong 5 cây trồng chủ lực của địa phương. Tuy nhiên, không vì hiệu quả kinh tế cao mà tiến hành trồng ồ ạt. HTX dịch vụ nông nghiệp xã đã tuyên truyền hướng dẫn người dân tiến hành luân canh các loại cây trồng vừa để cải tạo đất lại tránh được tình trạng vụ trước được mùa, vụ sau diện tích tăng cao dẫn tới tình trạng rớt giá, khó tiêu thụ sản phẩm. Được biết, ngoài cây đậu tương rau, những năm gần đây, trên địa bàn xã Hoằng Trung đã du nhập được cây ngô ngọt vào canh tác trên đất chuyên canh rau màu, doanh thu từ 100 đến 240 triệu đồng/ha/năm.

Năm 2014, thực hiện chủ trương cải tạo vườn tạp, huyện Thường xuân đã đưa cây mít Thái, chuối tiêu hồng, ba kích vào trồng tại các xã Xuân Cẩm, Ngọc Phụng. Ban đầu nhiều hộ dân hồ hởi, phấn khởi tham gia dự án với niềm tin thoát nghèo nhờ những cây trồng mới. Nhưng sau 2 đến 3 năm thực hiện mô hình, diện tích cây ba kích, chuối tiêu hồng ở xã Ngọc Phụng và cây mít Thái ở xã Xuân Cẩm đã bị người dân chặt bỏ. Đến nay, gần như những loại cây trồng mới này đã “vắng bóng” khỏi địa phương. Bà Hà Thị Nguyệt, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND huyện Thường Xuân, cho biết: Cây chuối tiêu hồng phù hợp với đất đai thổ nhưỡng địa phương, nhưng không có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, người dân phải tự mang ra chợ bán, giá rẻ không đủ chi phí cho công lao động. Chính vì vậy, cực chẳng đã người dân đành phải chặt chuối. Còn đối với cây mít Thái, cây ba kích do người dân không chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật được hướng dẫn nên cây sinh trưởng, phát triển chậm, không đạt được hiệu quả kinh tế như mong muốn nên người dân chuyển đổi sang trồng những loại cây trồng khác.

Cùng với việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với tái cơ cấu nông nghiệp, các địa phương đã du nhập được nhiều loại cây trồng mới. Trong đó, cây khoai tây Marabel, đậu tương rau, cây dược liệu sa chi, ngô ngọt... được du nhập và sản xuất với diện tích lớn đã cho hiệu quả kinh tế ổn định và cao hơn từ 2 đến 3 lần trở lên so với cây trồng truyền thống. Sở dĩ, những loại cây này “bén duyên” và trụ vững được là bởi trước khi đưa vào trồng và nhân rộng, chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp đã tham vấn ý kiến của các nhà chuyên môn về sự phù hợp của các yếu tố địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu, người trồng cũng được chuyển giao quy trình kỹ thuật đầy đủ. Hơn nữa, doanh nghiệp đứng ra thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nên thị trường tiêu thụ ổn định, tạo tâm lý yên tâm cho người sản xuất. Còn những loại cây, như: Cây chùm ngây ở các huyện Yên Định, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Cẩm Thủy... chuối tiêu hồng, ba kích, mít Thái... ở huyện Thường Xuân, cây trám ghép ở huyện Cẩm Thủy... do địa phương chưa lập kế hoạch, khảo sát thổ nhưỡng, khí hậu và thị trường tiêu thụ sản phẩm trước khi du nhập nên không thể mang lại hiệu quả kinh tế và gây hoài nghi cho người dân về chính sách du nhập cây trồng mới.

Để việc du nhập cây trồng mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định cho người dân, ông Đỗ Văn Kỳ, Trưởng Phòng Trồng trọt, Sở NN&PTNT cho rằng: Trước khi du nhập một loại cây trồng mới, các địa phương và người dân cần xác định yếu tố phù hợp về địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ kỹ thuật... để tránh tình trạng cây trồng không thể phát triển hoặc không đủ kỹ thuật để chăm sóc. Bên cạnh đó, các địa phương cần hướng tới du nhập những loại cây trồng có liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, cũng như chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo định hướng để tránh tình trạng khủng hoảng thừa - thiếu các sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm hiệu quả kinh tế cho người dân.


Bài và ảnh: Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]