(Baothanhhoa.vn) - Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm mô hình cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp những trí thức trẻ đầu tiên của tỉnh đã và đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, ví như một luồng sinh khí mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, thay đổi diện mạo NN, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đổi thay từ những HTX được tăng cường cử nhân

Đổi thay từ những HTX được tăng cường cử nhân

Cử nhân Hoàng Thị Giang được tăng cường về làm việc tại HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Đông Phương Hồng (Thọ Xuân) chăm sóc rau, quả VietGAP của HTX.

Sau gần 2 năm thực hiện thí điểm mô hình cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở các HTX nông nghiệp những trí thức trẻ đầu tiên của tỉnh đã và đang tạo ra nhiều chuyển biến tích cực, ví như một luồng sinh khí mới, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, thay đổi diện mạo NN, nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 673 HTX dịch vụ nông nghiệp, tăng 74 HTX so với năm 2016, với tổng số 79.320 thành viên. Tuy số lượng HTX tăng lên, song nhìn chung các HTX vẫn hoạt động ở quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao. Đa phần cán bộ lãnh đạo HTX đều là những “lão nông tri điền”, những kiến thức có được đều nhờ đúc rút từ thực tế lao động sản xuất. Vì vậy việc quản lý, điều hành, tổ chức, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh dài hơi cho HTX còn lúng túng, sự nhạy bén, năng động không cao. Năm 2018, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai Chương trình thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc tại HTX nông nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng Kế hoạch số 115/KH-UBND thực hiện thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc ở các HTX nông nghiệp. Theo đó, các HTX NN&PTNT Đông Phương Hồng (Thọ Xuân), HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (Thọ Xuân), HTX dịch vụ nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Hưng Thịnh (Ngọc Lặc), HTX dịch vụ nông sản hữu cơ Trúc Phượng (Như Thanh) trở thành những “bến đỗ” cho 5 cử nhân thể hiện, phát huy năng lực, đóng góp tích cực vào xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các HTX và phát triển nông nghiệp địa phương.

Về HTX NN&PTNT Đông Phương Hồng, xã Thọ Hải (Thọ Xuân), chúng tôi được tham quan mô hình phát triển sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP, với diện tích hơn 12,5 ha và mô hình liên kết trồng nho hạt đen, diện tích 1 ha - đây là những mô hình ghi dấu sự đóng góp trí tuệ, tâm huyết của cử nhân Hoàng Thị Giang. Chia sẻ với chúng tôi, chị Giang cho biết: Được tham gia thực hiện mô hình phát triển sản xuất rau an toàn tập trung theo tiêu chuẩn VietGAP là bài học thực tế đầu tiên khi em vừa rời ghế nhà trường. Đây là mô hình sản xuất quy định chặt chẽ các quy trình kỹ thuật. Còn mô hình liên kết trồng nho hạt đen rèn luyện cho em cách làm việc nhóm, khả năng tiếp cận kỹ thuật và giống cây trồng mới. Theo đó, tham gia thực hiện các mô hình cùng với sự giúp đỡ của các cô, chú, anh chị đồng nghiệp, bản thân em cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao để từ đó tạo được kiến thức nền, sự tự tin trong những công việc tiếp theo.

Được biết, từ năm 2018, HTX NN&PTNT Đông Phương Hồng đã triển khai thực hiện mô hình phát triển cơ giới hóa đồng bộ mạ khay máy cấy trong sản xuất lúa, diện tích là 25 ha. Tổng nguồn vốn thực hiện 530 triệu đồng; trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 265 triệu đồng, vốn đối ứng của HTX là 265 triệu đồng. Kết quả thực hiện, doanh thu từ mô hình đạt 725 triệu đồng, lợi nhuận thu được 75 triệu đồng. Ngoài ra, HTX còn xây dựng nhà trồng nấm hữu cơ diện tích hơn 1.000m2, thực hiện liên kết sản xuất lúa Bắc Thịnh, trồng mía nguyên liệu... Tổng doanh thu hằng năm của HTX đạt khoảng 2 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Ông Trần Lê Văn, Giám đốc HTX khẳng định: Để HTX thực hiện thành công các hoạt động sản xuất, kinh doanh, có sự đóng góp, “trợ lực” tích cực của Hoàng Thị Giang, cán bộ trẻ tốt nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam, được phân công thí điểm về làm việc có thời hạn tại HTX. Tuy vừa rời ghế nhà trường nhưng khi được giao nhiệm vụ, Giang bắt nhịp rất nhanh, luôn hoàn thành nhiệm vụ được phân công. Trước đây, HTX chỉ làm trung gian cung cấp các thiết bị vật tư cho thành viên, chưa xây dựng được kế hoạch tổ chức và quản lý các loại hình sản xuất trong cộng đồng. Việc chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các giải pháp góp phần nâng cao đời sống và phát triển năng lực của cộng đồng ở nông thôn chưa thực sự hoàn thiện. Do đó, từ khi được hỗ trợ cán bộ trẻ tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp, chúng tôi có nhiều mô hình sản xuất phù hợp với thực tiễn cũng như hoàn thiện hơn về mặt tổ chức sản xuất, quy mô kinh doanh.

Theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại các HTX, cả 5 cán bộ trẻ tham gia thí điểm đã có những đề xuất, sáng kiến, các mô hình sản xuất, kinh doanh để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Trong đó, có những mô hình nổi bật, được ngành nông nghiệp đánh giá cao, như: Mô hình liên kết trồng lúa nếp cẩm, diện tích 5,3 ha; mô hình trồng măng tây, diện tích 2 ha của HTX dịch vụ và xây dựng Hưng Thịnh; mô hình phối hợp trồng nho hạt đen của HTX NN&PTNT Đông Phương Hồng; mô hình sản xuất và xây dựng nấm hữu cơ trở thành sản phẩm OCOP của HTX nông sản hữu cơ Trúc Phượng... Những đóng góp về ý tưởng, tâm huyết của các cử nhân đã tạo những chuyển biến rõ nét trong kết quả sản xuất, kinh doanh, nâng cao doanh thu và lợi nhuận các HTX. Đồng thời, tạo bước đột phá về công nghệ, thiết bị máy móc và khả năng ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật mới vào sản xuất nông nghiệp của các thành viên HTX.

Khảo sát thực tế tại các HTX cho thấy, bên cạnh những mô hình phát triển sản xuất được hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại HTX, các cán bộ trẻ tham gia thí điểm đã có những đề xuất, sáng kiến... để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, như: HTX dịch vụ nông nghiệp Xuân Lai (Thọ Xuân) chủ động thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ cây ngô ngọt, ớt xuất khẩu, bí xanh; HTX NN&PTNT Đông Phương Hồng thực hiện mở rộng mô hình mạ khay máy cấy; HTX nuôi trồng thủy sản Hoằng Lưu nuôi trồng và bao tiêu sản phẩm thủy sản... Ngoài ra, những cử nhân được tăng cường về các HTX cũng chủ động phối hợp, liên kết với nhau để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển sản phẩm mới.

Rõ ràng, đổi thay ở 5 HTX nông nghiệp nói trên đã khẳng định việc tăng cường cán bộ trẻ về các HTX nông nghiệp là chủ trương đúng đắn, tạo bước phát triển mới cả về lượng và chất cho các HTX tham gia thí điểm. Thời gian hỗ trợ của kế hoạch là 36 tháng có thể chưa đủ để thực hiện một dự án dài hơi, nhưng cũng không phải là quá ngắn để các cán bộ trẻ thể hiện, phát huy năng lực của bản thân. Hầu hết các HTX đều đánh giá, ghi nhận sự nỗ lực, đóng góp của các cử nhân trong việc xây dựng kế hoạch sản xuất và phát triển của HTX. Dẫu biết, mục đích của kế hoạch không phải là tạo việc làm cho đội ngũ cử nhân chuyên ngành nông nghiệp mong muốn gắn bó với các HTX mà sâu xa chính là sự lan tỏa từ một chương trình nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp.

Lê Hòa


Lê Hòa

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]