(Baothanhhoa.vn) - Vùng đất Thiệu Hóa được con người khai phá từ rất sớm, để rồi, công cuộc mở mang nơi định cư trải suốt hàng nghìn năm đã gây dựng nên nhiều làng mạc trù phú. Và, theo sự sinh sôi của những xóm làng ấy, nhiều nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời, cũng phát triển và duy trì cho đến tận ngày nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đất nghề Thiệu Hóa

Vùng đất Thiệu Hóa được con người khai phá từ rất sớm, để rồi, công cuộc mở mang nơi định cư trải suốt hàng nghìn năm đã gây dựng nên nhiều làng mạc trù phú. Và, theo sự sinh sôi của những xóm làng ấy, nhiều nghề thủ công truyền thống có lịch sử lâu đời, cũng phát triển và duy trì cho đến tận ngày nay.

Các sản phẩm đồ đồng của gia đình nghệ nhân Nguyễn Bá Châu.

Nói đến Thiệu Hóa là nói đến đất nghề, mà nức tiếng hơn cả là nghề đúc đồng. Tương truyền, từ thời Lý, dòng họ Vũ ở giáp Bối Lý đã đưa nghề đúc đồng vào làng Trà Đông (còn gọi là làng Chè Đúc, thuộc xã Thiệu Trung ngày nay). Ban đầu chỉ có vài hộ theo nghề, với các sản phẩm chính là tượng, chuông và đồ dùng gia đình phục vụ đời sống người dân trong vùng. Dần dà, nghề đúc đồng lan ra cả làng và đồ đồng Trà Đông đã có mặt khắp xứ Thanh và nhiều tỉnh, thành trong nước. Làng Trà Đông trở thành cái “tâm nghề”, thu hút xung quanh nó nhiều làng vệ tinh theo làm nghề hoặc cung cấp các dịch vụ giúp nghề phát triển. Chợ Chè ở Trà Đông trở thành chợ bán đồ đồng và thu gom nguyên liệu sản xuất. Làng Rỵ bên cạnh cũng được hút “guồng máy” làng nghề Chè Đúc, giúp đưa các sản phẩm ra thị trường và cung cấp nguyên liệu trở lại cho làng nghề. Rồi các làng Đà, làng Bồ thì bán than lim; làng Nưa đưa tre, nứa, gỗ về phục vụ sản xuất...

Trải qua nhiều giai đoạn phát triển cực thịnh, bước vào cuối những năm năm 80 của thế kỷ trước đến đầu năm 2000 của thế kỷ này, làng nghề trở nên sa sút vì không thể cạnh tranh nổi với cơ chế thị trường và nhiều sản phẩm công nghiệp cùng loại. Hơn 2 thập kỷ làng nghề đìu hiu, các nghệ nhân xoay qua tìm nghề khác để mưu sinh, các lò đúc đồng lạnh ngắt than lửa. Mãi đến những năm gần đây, cùng với sự phục hồi các làng nghề truyền thống và nhờ vào tâm huyết của nhiều nghệ nhân còn yêu nghề, tiếc nghề, nghề đúc đồng làng Trà Đông cũng dần được khôi phục. Hơn nửa thế kỷ theo đuổi cái nghề đòi hỏi nhiều công phu và đôi bàn tay tài hoa này, với Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Bá Châu, việc “sống lại” nghề đúc đồng là sự tri ân đối với tổ nghề và với cái nghề đã được biết mấy thế hệ nghệ nhân làng Trà Đông trao truyền lại. Giữa khói bụi, than lửa, nghệ nhân đúc đồng vẫn nhẫn nại, tỉ mẩn khắc từng nét hoa văn lên khuôn đúc, khiến người quan sát liên tưởng đến hình ảnh người nghệ sĩ tài hoa, đang thu lại để chạm lên từng món đồ đồng mọi vẻ đẹp của đất, của người. Ngày nay, đồ đồng Trà Đông đang dần được biết đến, đặc biệt là qua trống đồng, một sản phẩm tinh xảo, giàu giá trị và là tặng phẩm rất đặc trưng của riêng xứ Thanh gửi đến bè bạn. Với sự đổi mới và sáng tạo không ngừng của người làm nghề, nhằm bắt kịp nhu cầu thị trường, hy vọng làng nghề đúc đồng Trà Đông sẽ tìm lại giai đoạn phát triển huy hoàng.

Dân gian vùng đất nghề Thiệu Hóa vẫn truyền nhau câu ca “Đẹp nhất là nhiễu Hồng Đô/ Các bà thích mặc, các cô ưa dùng” bằng tất cả niềm tự hào. Nằm bên hữu ngạn sông Chu, con sông mang theo ăm ắp phù sa bồi đắp mà làm nên làng Hồng Đô (xã Thiệu Đô) nức tiếng với nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu từ xa xưa. Làng Hồng Đô nhộn nhịp nhất có lẽ là khi lứa tằm kéo kén làm tổ, cũng là lúc các lò ươm đỏ lửa. Để rồi, từ các lò ươm, những sợi tơ vàng óng được kéo ra, đánh ống, xe sợi và các bà, các chị lại đưa tay thoăn thoắt bên khung dệt. Những tấm lụa, tấm nhiễu bắt đầu từ lá dâu xanh, con tằm trắng, sợi tơ vàng và biết mấy là mồ hôi, công sức “làm ruộng ăn cơm nằm/ nuôi tằm ăn cơm đứng” của con người, đã được làm ra theo guồng quay liên tục của mùa màng, của guồng tơ. Bí quyết nào khiến nhiễu Hồng Đô trở thành sản phẩm nức tiếng đến vậy? Tương truyền, hơn 1 thế kỷ trước, trong làng có ông họ Phạm thường mang tơ lụa đi bán khắp nơi, đã may mắn học được bí mật của nghề dệt nhiễu. So với dệt lụa, dệt nhiễu công phu hơn, vì phải qua nhiều công đoạn. Đặc biệt, sợi dệt nhiễu phải là sợi xe tám. Khung dệt nhiễu cũng phải to hơn và sử dụng 2 go, 2 thoi. Quá trình dệt ra một tấm nhiễu cần sự phối hợp liên tục, nhịp nhàng và hết sức khéo léo, chân đạp phải ăn nhịp với tay đưa thì tấm nhiễu mới đều, đẹp. Tấm nhiễu sau khi dệt xong phải thêm nhiều công đoạn ngâm, nhuộm mới ra thành phẩm cuối cùng để đưa đến tay người tiêu dùng.

Vào thời điểm phát triển nhất của nghề, làng Hồng Đô có tới 300 khung dệt, 400-500 thợ dệt có tay nghề và mỗi năm xuất đi khắp nơi, sang cả Lào và Trung Quốc khoảng 15.000 tấm nhiễu. Làng dệt cũng lan sang các làng và Thiệu Đô trở thành một “xã nghề” nức tiếng. Những năm gần đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Thiệu Đô không còn phát triển như xưa và nghề dệt nhiễu cũng thu hẹp dần phạm vi, số khung dệt, thợ dệt theo đó cũng giảm dần. Thực trạng này, âu cũng là vấn đề chung của nhiều làng nghề truyền thống, khi mỗi sản phẩm thủ công làm ra thường tiêu tốn nhiều chi phí, dẫn đến khó cạnh tranh với các sản phẩm sản xuất công nghiệp cùng loại. May mắn là, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thiệu Đô có ý thức cao trong việc gìn giữ nghề truyền thống lâu đời này. Đồng thời, được sự giúp đỡ của huyện Thiệu Hóa, Ngân hàng Thế giới và Tổ chức phi chính phủ AILO, năm 2012, Thiệu Đô đã triển khai thực hiện Dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hộ trồng dâu, nuôi tằm và chế biến sản phẩm từ tơ tằm” trên địa bàn. Nhờ bước đi này, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô đang có cơ sở để duy trì và phát triển về lâu dài.

Là một huyện thuần nông và do vậy, hầu hết các nghề truyền thống có lịch sử lâu đời ở Thiệu Hóa đều gắn với mùa màng, với cây lúa nước và với cuộc sống, nếp sinh hoạt của người nông dân. Ngoài các nghề đúc đồng, dệt nhiễu có tiếng từ lâu, thì trên đất Thiệu Hóa cũng còn không ít nghề được hình thành từ xưa và vẫn có được chỗ đứng nhất định trong đời sống. Kẻ Go là làng đã từng nổi tiếng với nghề chế biến gạo và nấu bánh đúc: “Bánh đúc chợ Go/ Trâu bò chợ Bản”; Lai Duệ chuyên sản xuất lụa đũi bằng loại tơ tinh bạch; Kẻ Giàng – Dương Xá có nghề đan cót nứa; Kẻ Vồm – Đại Khánh chuyên nghề đồ gốm... Đó là những sản phẩm được làm ra từ sức lao động, từ tình yêu cuộc sống và bằng đôi tay tài hoa của những con người chất phác, đôn hậu. Không chỉ là những sản phẩm phục vụ đời sống vật chất hàng ngày, mà nhiều nghề và làng nghề đã trở thành những di sản văn hóa giàu giá trị. Để rồi, sự tồn tại của các nghề và làng nghề ấy đã, đang góp phần làm phong phú, giàu có hơn đời sống tinh thần của cư dân nông nghiệp vùng đồng bằng châu thổ sông Chu, sông Mã này.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]