(Baothanhhoa.vn) - “Hoằng Xuyên ba phía liền sông/ Ngô lúa chen đồng, cây cối tốt tươi”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Đánh thức” vùng đất Hoằng Xuyên

“Hoằng Xuyên ba phía liền sông/ Ngô lúa chen đồng, cây cối tốt tươi”.

“Đánh thức” vùng đất Hoằng Xuyên

Trang trại chăn nuôi kết hợp của gia đình bà Trịnh Thị Xếp, thôn Tây Đại.

Câu thơ lôi cuốn chúng tôi tìm về với vùng đất phía Bắc của huyện Hoằng Hóa. Xã Hoằng Xuyên nằm bên tả ngạn sông Lạch Trường, cách trung tâm huyện Hoằng Hóa khoảng 2km. Vùng đất này chủ yếu do phù sa các con sông bồi đắp hàng ngàn năm mà tạo thành. Sử sách ghi lại rằng xưa kia, Hoằng Xuyên có 3 con sông chảy qua: Sông Lạch Trường, Kim Trà và Bồ Đề tạo thành 3 vệt sổ, giống như chữ xuyên trong tiếng Hán Nôm. Tháng 6-1953, xã Hoằng Xuyên chính thức được tách ra từ xã Mỹ Xuyên (gồm các xã: Hoằng Xuyên, Hoằng Cát, Hoằng Khê). Đến tháng 12-2019, theo chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, xã Hoằng Khê được nhập vào xã Hoằng Xuyên. Sau khi sáp nhập, xã Hoằng Xuyên có 6,03km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số hơn 5.800 người chia làm 10 thôn. Trụ sở làm việc của đơn vị hành chính mới được bố trí tại công sở xã Hoằng Khê cũ.

Theo lời giới thiệu của lãnh đạo xã Hoằng Xuyên, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi của gia đình bà Trịnh Thị Xếp, ở thôn Tây Đại. Những con đường bê tông nội đồng trải dài giữa những cánh đồng lúa xanh mướt. Vừa đặt chân tới nơi, những hàng bưởi, hàng mít chi chít mùa quả đầu, dãy chuồng trại chăn nuôi quy hoạch bài bản, hai ao cá rộng thênh thang mang lại cho chúng tôi cảm giác mới mẻ, sống động ở xứ đồng vắng vẻ này.

Ở tuổi 70, bà Trịnh Thị Xếp vẫn cặm cụi nhặt từng cây cỏ trong vườn, dọn dẹp chuồng gà cho sạch sẽ để phòng chống dịch bệnh. Bà Xếp bộc bạch: Trước kia nơi đây là vùng đất kém màu mỡ lại cách xa khu dân cư nên nhiều người “chê” vì trồng lúa kém năng suất, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2017, được sự hướng dẫn của địa phương, con trai, con dâu quyết định xin chuyển đổi đất ruộng về khu vực này, thuê mua thêm của một số hộ rồi làm thủ tục xin chủ trương của cấp trên để thuê đất 50 năm làm một khu trang trại chăn nuôi với diện tích hơn 6.000m2, tạo việc làm cho gia đình. Ban đầu cũng gian khó lắm, bao nhiêu tiền bạc dồn vào đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm, chủ yếu là gà lai chọi, gà đẻ trứng; rồi đào ao, thả cá và tận dụng diện tích trồng thêm một số loại cây ăn quả xung quanh. Trang trại tuy có quy mô không lớn, song bước đầu đã cho thu nhập ổn định từ những lứa gà, ngan hay số trứng thu hoạch được hằng ngày.

Sự nỗ lực của những người trong gia đình bà Xếp đã biến vùng đất trũng trở nên có giá trị. Điều đáng trân trọng hơn đó là những người con sinh ra, lớn lên ở vùng đất này vốn cần cù, chăm chỉ, gắn bó với đồng ruộng. Chỉ cần băng qua những cánh đồng, đi trên những trục đường bê tông, ngắm những bờ vùng, bờ thửa được đào đắp gọn gàng là có thể cảm nhận được sự chăm chút của người nông dân với đồng ruộng. Nhân dân địa phương đã tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, biến vùng đất khô cằn, nước lợ thành đồng ruộng phì nhiêu, 2 vụ lúa, 4 vụ màu, những cánh đồng không cho đất nghỉ, làng mạc đông vui trù mật. Ở đây, với khoảng 50% diện tích đất nông nghiệp là đất bãi màu, người dân còn có truyền thống trồng rau màu vụ đông, nổi tiếng với những thửa ruộng trồng hành, tỏi, ớt xuất khẩu...

Tuy nhiên, theo lời một số cán bộ xã Hoằng Xuyên, so với các địa phương lân cận, việc phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả ở đây chưa nhiều. Một số trang trại chăn nuôi lợn do tác động của bệnh dịch tả lợn châu Phi nên đang tạm dừng chăn nuôi. Đối với các mô hình trồng trọt còn nhỏ lẻ, sản xuất theo hộ gia đình nên hiệu quả kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng.

Trên cánh đồng ớt ở thôn Thượng Đại, bà Lê Thị Thao và một số người dân đang tranh thủ hái những lứa ớt còn sót lại. Bà Thao cho biết: Gia đình bà có hơn 3 sào đất màu, hàng năm vụ đông xuân đều dành để trồng ớt. Trong thôn Thượng Đại cũng có nhiều hộ trồng ớt. Thế nhưng giá trị kinh tế của cây ớt còn phụ thuộc vào thị trường, giá cả bấp bênh, không ổn định. Giống như hiện nay, với tác động của dịch bệnh, ớt bà hái về cũng không có thương lái nào đến thu mua mà chỉ bán lẻ ở chợ truyền thống song không làm thì... “tiếc đất”.

Cụm từ đó cũng được ông Trịnh Huy Thông, Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Thượng Đại nhắc lại nhiều lần khi trò chuyện với chúng tôi. Người đàn ông đã có thâm niên gần 40 năm gắn bó với công tác của thôn bộc bạch: “Tiếc đất” nên nông dân ở đây vẫn cần mẫn với ruộng lúa, ruộng màu nhưng giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế không cao nên họ chỉ tranh thủ thời gian để làm. Thu nhập chính của nhiều gia đình vẫn là đi làm công ty, xây dựng hay đi xuất khẩu lao động...

Phát triển nông nghiệp là một trong những chương trình trọng tâm mà xã Hoằng Xuyên đặt ra trong nhiệm kỳ 2015-2020 với những định hướng cụ thể như: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng trong sản xuất, nâng cao giá trị trên đơn vị diện tích; khuyến khích nông dân tích tụ ruộng đất, phát triển các mô hình trang trại, gia trại; ứng dụng khoa học - kỹ thuật công nghệ, cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, phát triển các loại hình HTX, kinh tế hộ, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển nông nghiệp.

Sau khi thực hiện đổi điền, dồn thửa lần 3 và tích tụ ruộng đất để đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ở Hoằng Xuyên, mỗi hộ chỉ còn 1 khoảnh ruộng lúa và 1 khoảnh ruộng làm màu. Địa phương khuyến khích các hộ cá thể có điều kiện mở rộng sản xuất, hình thành cánh đồng mẫu lớn, các gia trại, trang trại. Giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác tăng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người mỗi năm cũng được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, rào cản trong việc phát triển kinh tế nhất là làm thế nào để khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế ở vùng đất ven sông này. Đó là những điều mà ông Lê Quang Thúy, Bí thư Đảng ủy xã Hoằng Xuyên trăn trở. Ông cho biết thêm: “Đối với xã Hoằng Xuyên, việc quy hoạch, đưa vào sản xuất các cây trồng có giá trị kinh tế cao, kêu gọi đầu tư, tích tụ ruộng đất, khuyến khích phát triển các khu chăn nuôi công nghệ cao là định hướng cần thiết trong thời gian tới để có thể phát huy tiềm năng, lợi thế của đất đai, thổ nhưỡng ở vùng đất ven sông này”.

Bài và ảnh: Minh Hiền


Bài Và Ảnh: Minh Hiền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]