(Baothanhhoa.vn) - Dãy Pù Rinh trầm mặc, ngàn năm vẫn “cô đơn”, sừng sững giữa đất trời huyện vùng biên Lang Chánh. Dãy núi hùng vĩ bậc nhất ở miền Tây xứ Thanh này chính là nơi lui binh chiến lược của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, ôm chứa nhiều di tích lịch sử cũng như tiềm năng phát triển kinh tế. Hiện, huyện Lang Chánh đang có nhiều giải pháp phát huy giá trị các di tích, hình thành các mô hình sản xuất và du lịch cộng đồng dựa vào núi rừng nơi đây.

Đánh thức đại ngàn Pù Rinh

Dãy Pù Rinh trầm mặc, ngàn năm vẫn “cô đơn”, sừng sững giữa đất trời huyện vùng biên Lang Chánh. Dãy núi hùng vĩ bậc nhất ở miền Tây xứ Thanh này chính là nơi lui binh chiến lược của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, ôm chứa nhiều di tích lịch sử cũng như tiềm năng phát triển kinh tế. Hiện, huyện Lang Chánh đang có nhiều giải pháp phát huy giá trị các di tích, hình thành các mô hình sản xuất và du lịch cộng đồng dựa vào núi rừng nơi đây.

Đánh thức đại ngàn Pù Rinh

Một khu trồng keo trên đất rừng sản xuất thuộc dãy Pù Rinh được thay thế bằng cây sưa đỏ để nâng cao giá trị kinh tế.

Từ núi thiêng che chở nghĩa quân Lam Sơn...

Người miền Tây xứ Thanh vẫn lưu truyền câu nói: “Pù Rinh là con chó, Pù Gió là con mèo, Pù Sèo là con chuột”. Lối so sánh ví von ấy ý nói sự hùng vĩ và độ cao, mà ở đó núi Pù Rinh được đánh giá cao nhất. Pù Rinh còn có tên gọi khác là núi Chí Linh, từng được nhắc đến trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi: “Khi Linh Sơn lương hết mấy tuần/ Khi Khôi Huyện quân không một đội”. Theo tiếng Thái, Pù Rinh có nghĩa là núi cao, còn Chí Linh hay Linh Sơn theo tiếng Hán Việt là ngọn núi rất linh thiêng.

Sách “Lam Sơn thực lục” có ghi: “Núi Chí Linh ở Mường Giao Lão (nay gồm các xã Giao An, Giao Thiện và Trí Nang – PV). Đối với nghĩa quân Lam Sơn, núi Chí Linh là khu cứ địa quan trọng sau đất Lam Sơn. Trong khoảng năm, sáu năm của thời kỳ đầu khởi nghĩa Lam Sơn, Bình Định vương rút về căn cứ Linh Sơn 3 lần để củng cố lực lượng, tránh đối đầu với giặc Minh người đông, ngựa khỏe”. Cũng chính tại khu vực núi thiêng này, đã diễn ra sự kiện Lê Lai liều mình cứu chúa nổi tiếng trong lịch sử. Nhiều sử liệu về khởi nghĩa Lam Sơn cũng đề cập: “Đóng trong núi Chí Linh, được bảo vệ vững chắc như ở trong một tòa thành thiên nhiên vĩ đại do tạo hóa kỳ công xây dựng. Quân Minh đã dò biết nơi ở của Bình Định vương. Tướng giặc Mã Kỳ bổ sung quân vây chặt bốn mặt, chặn giữ các cửa ngõ, dùng kế vây thành diệt viện. Bị cắt đứt đường tiếp tế, chủ tướng Lê Lợi phải cho giết 4 thớt voi và con ngựa mình cưỡi để lấy thịt nuôi quân. Giặc mỗi ngày kéo đến thêm đông, bao vây mấy vòng. Tình thế quẫn bách, tướng quân Lê Lai đã đóng giả Lê Lợi và một đạo quân ra phá vòng vây, giặc Minh mắc mưu tưởng đã bắt được Lê Lợi”. 3 lần lui binh chiến lược tại Chí Linh, cộng lại là 5 tháng, 10 ngày, có bao nhiêu ngày hết lương thực, núi Chí Linh chính là nơi cung cấp các loại măng, nguồn nước suối, củ, quả rừng để nghĩa quân sống qua những ngày đầu của cuộc khởi nghĩa gian khổ.

Dãy Pù Rinh chạy dài uốn lượn gần 20km, các đỉnh có độ cao từ 1.180m đến 1.291m so với mực nước biển. Nơi đây được che phủ bởi hệ sinh thái rừng đa dạng. Do có nhiều khu vực lồi lõm, cao thấp khác nhau đã tạo nên sự trùng điệp và cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ. Khu vực núi hiện còn nhiều di tích, theo tương truyền liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, như hòn đá Bình Định vương hay ngồi, thác Ma Hao, vườn cam vua Lê, suối rượu... Trên các triền núi còn có hệ thống khe suối, thác nước đẹp, mà nổi tiếng nhất là thác Ma Hao ở xã Trí Nang. Hệ thực vật phong phú, Pù Rinh quanh năm mây trời bao phủ, có điều kiện khí hậu trong lành và mát mẻ quanh năm. Đó chính là những tiềm năng cho phát triển du lịch theo hướng cộng đồng, gần gũi thiên nhiên mà huyện Lang Chánh đã và đang triển khai.

... đến khơi dậy tiềm năng phát triển

Vắt ngang phần lớn diện tích tự nhiên của huyện Lang Chánh nên việc khơi dậy tiềm năng dãy Pù Rinh có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Ngoài hệ thống rừng phòng hộ trên cao, các vùng chân núi thấp hiện nay đa phần là rừng sản xuất – cũng chính là nơi đồng bào địa phương quần cư sinh sống với nghề chủ yếu là kinh tế rừng. Thống kê từ UBND huyện Lang Chánh, địa phương hiện có gần 15,9 nghìn ha đất rừng phòng hộ, hơn 34,6 nghìn ha đất rừng sản xuất và phần nhiều tập trung ở khu vực núi Pù Rinh. Riêng phần đất rừng sản xuất chủ yếu thuộc khu vực chân núi, từ nhiều năm qua, địa phương đã duy trì được hơn 13 nghìn ha trồng luồng, 6,8 nghìn ha keo, khoảng 4 nghìn ha vầu và nứa. Lang Chánh còn được coi là xứ sở “vua luồng” xứ Thanh xét về mặt chất lượng. Rõ ràng, kinh tế rừng quanh ngọn núi Pù Rinh có tính quyết định cho sự phát triển chung nên thời gian gần đây, huyện đã kêu gọi được các doanh nghiệp chế biến sâu trong lĩnh vực lâm sản như Công ty CP Bamboo King Vina, Công ty CP Chế biến nông sản Hợp Hùng...

Kỳ vọng nhất là Công ty CP Bamboo King Vina vừa được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho thuê đất tại Quyết định 776/QĐ-UBND vào tháng 3-2022. Hiện nay, công ty đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm tre, luồng xuất khẩu trên diện tích 15 ha tại Cụm Công nghiệp Bãi Bùi. Dự kiến khi đi vào hoạt động, nhà máy có tổng vốn đầu tư 289 tỷ đồng với công suất chế biến 80 triệu cây tre luồng/năm này sẽ bảo đảm đầu ra cho toàn bộ nguyên liệu luồng, vầu, nứa của huyện và một phần của các huyện lân cận. Rồi đây, những cây luồng, cây vầu, cây nứa quanh vùng Pù Rinh không còn phải bán với giá rẻ, không còn phụ thuộc vào các khâu trung gian hay sự ép giá của các tư thương mà kỳ vọng gắn liền với đầu ra ổn định, biến thành những sản phẩm tinh xảo dành cho xuất khẩu và thị trường trong nước với giá trị kinh tế cao.

Vừa qua, có dịp đồng hành cùng các đồng chí lãnh đạo huyện Lang Chánh, chúng tôi được đến thăm các mô hình sản xuất theo hướng công nghệ cao, thân thiện môi trường dọc dãy Pù Rinh. Tại bản Năng Cát, xã Trí Nang, mô hình nuôi cá tầm, cá hồi nước lạnh có quy mô lớn nhất tại Thanh Hóa đã khẳng định được hiệu quả kinh tế những năm gần đây. Những dòng nước mát từ hệ thống khe suối quanh năm tuôn chảy, được dẫn về các bể nuôi. Với công nghệ du nhập từ châu Âu, những lứa cá tầm, cá hồi vẫn quanh năm vùng vẫy, cho giá trị kinh tế cao. Cách đó không xa, dòng thác Ma Hao cũng được khai thác trở thành điểm du lịch được nhiều người tìm đến. Khu Du lịch bản Năng Cát được các đồng chí lãnh đạo huyện dày công gây dựng, đang manh nha phát triển các tour du lịch cộng đồng.

Tại một khu rừng sản xuất thuộc xã Trí Nang, những cây keo giá trị kinh tế thấp trước kia đã được thay thế bằng rừng sưa đỏ nhiều năm tuổi. Nhiều chủ rừng năng động còn đưa các giống cây trồng giá trị cao về canh tác, trong đó có khu trồng mai vàng Yên Tử. Theo lý giải từ chủ mô hình, đây là giống mai bản địa miền Bắc với hoa to và đẹp, có nguồn gốc từ núi Yên Tử thuộc tỉnh Quảng Ninh. Đã từng trồng thử nghiệm và phát triển tốt tại Lang Chánh bởi dãy Pù Rinh có điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu khá tương đồng với núi Yên Tử.

Cũng trên dãy Pù Rinh, mô hình trồng thử nghiệm 10 ha sâm Ngọc Linh đang được một doanh nghiệp triển khai. Với khí hậu mát mẻ, đất đai màu mỡ, những lứa sâm nhiều tháng tuổi hiện phát triển xanh tốt ngoài dự kiến. Cây trồng này được kỳ vọng như là “mỏ vàng” ở Pù Rinh vì có giá trị hàng trăm triệu đồng mỗi kg. Trong buổi thăm các mô hình, Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh Hoàng Văn Thanh, chia sẻ: Địa phương đang hướng đến những đối tượng cây trồng cho giá trị kinh tế cao trên đất rừng. Pù Rinh vốn có nhiều cây dược liệu quý, nên huyện đang xây dựng nhiều mô hình trồng cây dược liệu theo hình thức trồng xen dưới tán rừng. Vừa qua, UBND huyện Lang Chánh đã ký kết được hợp đồng với Công ty Đông Nam dược miền Trung để phát triển 200 ha dược liệu dưới tán rừng, với các cây trồng như bách bộ, thiên môn đông, mạch môn đông, ngải cứu, cát sâm, lan kim tuyến... Dự án trồng 10.000 ha rừng sặt – một loài tre, luồng bản địa cũng đã được UBND huyện Lang Chánh ký biên bản ghi nhớ với Công ty CP Bamboo King Vina nhằm khai thác, chế biến măng... Huyện cũng mới triển khai trồng 4 ha táo tại vùng núi xã Trí Nang để thử nghiệm trồng vùng táo xuất khẩu sau này.

Nhiều xã phân bố dọc dãy Pù Rinh như Giao An, Trí Nang, Yên Khương, Yên Thắng, Tam Văn, Giao Thiện... hiện đang có nhiều dư địa phát triển kinh tế lâm nghiệp. Dãy Pù Rinh đang được khơi dậy những tiềm năng để thành một vùng trù phú. Giờ đây, hoạt động du lịch cộng đồng ngày càng phát triển, nhiều mô hình kinh tế giá trị cao được hình thành, dãy núi thiêng ấy sẽ trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Lang Chánh trong tương lai.

Bài và ảnh: Lê Đồng


Bài và ảnh: Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]