(Baothanhhoa.vn) - Với quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo chiều sâu. Chính vì thế, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương trong tốp đầu của cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo tiền đề để sau năm 2020 cơ bản phát triển theo chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng

Với quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kết hợp chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo chiều sâu. Chính vì thế, tỉnh Thanh Hóa được đánh giá là một trong những địa phương trong tốp đầu của cả nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, tạo tiền đề để sau năm 2020 cơ bản phát triển theo chiều sâu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với mô hình tăng trưởngSản xuất dầu ăn tại Công ty TNHH Dầu thực vật miền Bắc tại Khu Kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Khánh Phương

Trong thời gian qua, cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm từ 17,8% năm 2015 xuống còn khoảng 10% năm 2020; ngành công nghiệp, xây dựng tăng từ 39,3% lên 49,3%; ngành dịch vụ giảm từ 38,5% xuống 31,5%. Cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của từng ngành, lĩnh vực và vùng, địa phương, nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trong nông nghiệp, đã tập trung ứng dụng các công nghệ mới, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao lên 21%. Lĩnh vực công nghiệp, nhiều nhà máy, cơ sở công nghiệp mới đi vào hoạt động được sử dụng thiết bị sản xuất với công nghệ tiên tiến, tự động hóa cao, nhất là trong các lĩnh vực lọc hóa dầu, sản xuất dầu ăn, xi măng, điện, thép, chế biến gia súc, gia cầm... Đối với lĩnh vực dịch vụ, đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch, vận tải, thương mại, giáo dục, y tế chất lượng cao. Nhìn chung, mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh từng bước chuyển đổi từ chiều rộng sang chiều sâu; tăng trưởng giảm dần sự phụ thuộc vào vốn đầu tư, sử dụng lao động đơn giản, khai thác, sử dụng tài nguyên; tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, chú trọng cải tiến phương thức quản lý, nâng cao kỹ năng, trình độ của người lao động để mở rộng sản xuất, tăng năng suất lao động. Có được kết quả đó, thời gian qua, Thanh Hóa đã tập trung điều hành và huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển, bảo đảm nguyên tắc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát huy cao nhất các tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời, ưu tiên phát triển mạnh các ngành, sản phẩm công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng khoa học công nghệ, giá trị gia tăng cao, phát triển kinh tế biển, các vùng kinh tế động lực...

Tại hội nghị trực tuyến nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhấn mạnh: Nghị quyết số 58-NQ/TW đặt ra cho Thanh Hóa phải là một cực tăng trưởng để tạo ra một tứ giác phát triển trên nền tảng tam giác phát triển là Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh. Trên tinh thần đó, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa chung sức, đồng lòng đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm thực chất, hiệu quả nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, tập trung phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới. Tập trung tích tụ đất đai hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động của các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ. Trong phát triển công nghiệp kết hợp hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu; trong đó, chú trọng phát triển theo chiều sâu để tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm, như: Lọc hóa dầu, xi măng, thép, may mặc, da giầy đứng trong nhóm dẫn đầu cả nước. Tiếp tục phát triển hợp lý các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động (may mặc, giầy da) khu vực nông thôn, miền núi, nhằm giải quyết việc làm và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế. Đẩy mạnh thu hút đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh, như: Lọc hóa dầu và sau lọc hóa dầu, thép, thiết bị y tế, phân bón, thức ăn chăn nuôi, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp, thủy sản, điện năng lượng mặt trời... Ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, tạo động lực mới cho tăng trưởng của tỉnh. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành và đưa vào hoạt động các dự án quy mô lớn đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025. Từng bước hình thành và phát triển một số cụm liên kết các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh, như: Lọc hóa dầu, hóa chất (polypropylen, sợi tổng hợp, chất dẻo, phân bón tổng hợp...) tại Khu Kinh tế Nghi Sơn; công nghiệp điện tử, công nghiệp viễn thông tại Khu Công nghiệp công nghệ cao Lam Sơn – Sao Vàng. Phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với khôi phục các làng nghề truyền thống, nhân cấy nghề mới đối với những sản phẩm có thị trường tiêu thụ ổn định. Cùng với đó, phát triển ngành xây dựng đạt trình độ cao trong các lĩnh vực thiết kế, xây dựng công trình, vật liệu xây dựng... Tại các khu vực đô thị lớn, Khu Kinh tế Nghi Sơn tiếp tục ưu tiên tập trung phát triển các dịch vụ logistics, các trung tâm thương mại, siêu thị, kho bảo quản, chợ đầu mối, các cửa hàng thương mại, chợ phục vụ dân sinh. Đối với các khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm huyện, cụm xã phát triển mạnh loại hình siêu thị kết hợp chợ truyền thống và cửa hàng bán lẻ; khu vực nông thôn tập trung chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Đẩy nhanh tiến độ thành lập Khu Kinh tế cửa khẩu Na Mèo để thúc đẩy giao thương hàng hóa, dịch vụ giữa tỉnh Thanh Hóa và các tỉnh trong khu vực với các tỉnh của nước CHDCND Lào và khu vực Đông Bắc Thái Lan. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và kết quả hoạt động đối ngoại của tỉnh để mở rộng và đa dạng thị trường xuất khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường. Tập trung phát triển du lịch của tỉnh thành một ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng dịch vụ chuyên nghiệp, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch, ưu tiên thu hút các dự án có sản phẩm du lịch đẳng cấp, độc đáo và khác biệt để xây dựng hình ảnh, thương hiệu cho du lịch Thanh Hóa. Trước mắt tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án du lịch quy mô lớn, như: Quảng trường biển, trục cảnh quan lễ hội TP Sầm Sơn; quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp với các dịch vụ vui chơi, giải trí cao cấp Bến En... Đa dạng các loại hình vận tải, kết hợp phát triển đồng bộ, hợp lý giữa vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Khai thác thế mạnh cụm cảng nước sâu Nghi Sơn để phát triển mạnh dịch vụ cảng biển, vận tải biển, logistics. Khuyến khích và tạo điều kiện cho các hãng vận tải biển lớn thiết lập trụ sở, chi nhánh tại tỉnh Thanh Hóa; thu hút các doanh nghiệp logistics có thương hiệu, uy tín đầu tư vào tỉnh; nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics cấp vùng hạng I tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, sớm phát triển Cảng biển Nghi Sơn thành cảng loại IA (cảng cửa ngõ đi quốc tế). Xúc tiến mở thêm các đường bay trong nước và quốc tế đi, đến Cảng Hàng không quốc tế Thọ Xuân. Cùng với đó, phát triển thông tin truyền thông với công nghệ hiện đại, độ phủ rộng, tốc độ và chất lượng cao đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh, đồng bộ với phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển dịch vụ tài chính, ngân hàng theo hướng hiện đại, đa dạng các dịch vụ kinh doanh và tiện ích ngân hàng theo chuẩn quốc tế.

Lê Hợi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]