(Baothanhhoa.vn) - Đầu năm 2019, khi chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của tỉnh là hơn 1,2 triệu con. Vào đầu năm 2020, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh chỉ còn hơn 955 nghìn con, chỉ bằng 80% so với trước dịch.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bổ sung nhanh đàn giống để vực dậy hoạt động chăn nuôi lợn

Bổ sung nhanh đàn giống để vực dậy hoạt động chăn nuôi lợn

Nhiều trang trại ở xã Nga Bạch (Nga Sơn) tập trung tái đàn, khôi phục chăn nuôi.

Đầu năm 2019, khi chưa xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn của tỉnh là hơn 1,2 triệu con. Vào đầu năm 2020, khi bệnh dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh chỉ còn hơn 955 nghìn con, chỉ bằng 80% so với trước dịch.

Với 214.204 con lợn, tổng trọng lượng gần 14.400 tấn bị tiêu hủy, nguồn lợn giống lại khan hiếm, những tưởng cơn bão dịch bệnh trên đàn lợn sẽ khiến hoạt động chăn nuôi lợn của tỉnh rơi vào khủng hoảng một thời gian dài. Đáng nói, trong số lợn buộc phải tiêu hủy có tới 39.028 con lợn bố mẹ, khiến nguồn cung lợn giống cho người chăn nuôi bị đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên, đến nay, Thanh Hóa đã nhanh chóng vực dậy được hoạt động chăn nuôi lợn, trở thành điển hình của cả nước trong công tác tái đàn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhiều đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc về tình hình chăn nuôi gần đây đều có những đánh giá cao và khen ngợi các giải pháp chủ động sản xuất lợn giống của Thanh Hóa, góp phần thúc đẩy tái đàn lợn hiệu quả. Thống kê từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tính đến cuối tháng 6-2020, sau hơn 5 tháng đẩy mạnh tái đàn, tăng đàn để khôi phục đàn lợn sau bệnh dịch tả lợn châu Phi, tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh, đạt gần 1,15 triệu con, bằng 96% tổng đàn lợn trước dịch.

Đó chính là kết quả của những giải pháp riêng kịp thời, đúng hướng của tỉnh. Ngay từ khi đang xảy ra bệnh dịch tả lợn châu Phi, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề phải giữ bằng được đàn lợn đực giống và lợn nái. Tỉnh đã kịp thời họp bàn, ban hành các cơ chế hỗ trợ giữ an toàn dịch bệnh và duy trì bằng được đàn lợn ông bà, cụ kỵ để sau khi kết thúc dịch bệnh sẽ có điều kiện khôi phục lại đàn lợn một cách nhanh nhất. Khi dịch bệnh vẫn còn phức tạp, tỉnh đã kịp thời cấp 884 triệu đồng để hỗ trợ cho các trang trại chăn nuôi duy trì giống gốc với mức 500.000 đồng/con, đã có 1.726 con lợn giống gốc được hỗ trợ kinh phí duy trì. Sang năm 2020, tỉnh tiếp tục phê duyệt cấp 1,2 tỷ đồng theo Quyết định số 5637/2015/QĐ-UBND ngày 31-12-2015 để tiếp tục hỗ trợ đàn lợn giống ông bà sản xuất cung ứng lợn giống hậu bị bố mẹ đảm bảo chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Ngoài các doanh nghiệp nuôi lợn quy mô lớn, trên địa bàn tỉnh hiện có tới 130.634 hộ gia đình và 1.219 trang trại chăn nuôi lợn. Việc duy trì được đàn lợn bố mẹ, cho sinh sản để tái đàn ngay tại các trang trại, gia trại cũng góp phần mang lại hiệu quả đáng kể. Điều này giúp hoạt động nuôi lợn của tỉnh không bị quá phụ thuộc vào các doanh nghiệp cung ứng giống và nguồn giống từ bên ngoài như nhiều địa phương khác trong những tháng vừa qua.

Một giải pháp khác đang cho thấy hiệu quả là tỉnh kêu gọi và khuyến khích các công ty, tập đoàn lớn tổ chức nhập khẩu lợn nái, lợn giống từ nước ngoài trên cơ sở được kiểm soát chặt chẽ nguy cơ dịch bệnh từ Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong gần 6 tháng đầu năm, số lợn nhập về các trang trại tập trung quy mô lớn của tỉnh Thanh Hóa đã chiếm gần 22.300 con. Đáng nói, Công ty TNHH Dịch vụ và Chăn nuôi Newhope Thanh Hóa đã nhập khẩu hơn 1.200 lợn ông bà từ Canada về nuôi tại trang trại tập trung ở xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành. Theo kế hoạch từ phía các doanh nghiệp và các tập đoàn chăn nuôi lớn đang đầu tư vào Thanh Hóa, dự kiến đến hết tháng 6 này sẽ nhập khẩu 7.078 con lợn cụ kỵ, bố mẹ về tỉnh. Trong đó, Công ty Việt Đức nhập 5.880 con lợn bố mẹ từ Thái Lan về huyện Như Thanh; Công ty Newhope nhập 1.198 con lợn bố mẹ từ Canada về huyện Thạch Thành. Ngoài ra, gần 900 nghìn con lợn choai và lợn đang được vỗ béo trong dân và các trang trại nhỏ có thể phát triển thành lợn nái, lợn đực giống. Đây là nguồn sản xuất lợn giống đáng kể, không những cung ứng cho hoạt động nuôi lợn trong tỉnh mà còn cho cả các địa phương khác trong nước.

Việc chủ động được nguồn lợn giống đã giúp đàn lợn của tỉnh liên tục tăng nhanh. Từ sau dịch bệnh, đã có gần 3.600 cơ sở nuôi lợn tổ chức tái đàn với hơn 86.800 con lợn được nuôi mới và còn lại là các doanh nghiệp đầu tư. Nhờ vực dậy được hoạt động chăn nuôi lợn, những tháng gần đây, trung bình mỗi ngày có 1.800 con lợn được xuất bán và giết mổ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân.

Dự kiến quý III năm 2020, đàn lợn của tỉnh sẽ tăng thêm 100.000 con do các doanh nghiệp đã được chấp thuận chủ trương đầu tư sẽ đi vào hoạt động và các trang trại tăng đàn để đáp ứng nhu cầu lợn thịt xuất bán vào dịp cuối năm. Các chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất con giống, giới thiệu các cơ sở sản xuất con giống có chất lượng, an toàn dịch bệnh, có giấy chứng nhận kiểm dịch cho các cơ sở chăn nuôi vẫn đang được triển khai hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

Lê Đồng


Lê Đồng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]