(Baothanhhoa.vn) - Đất công ích là diện tích đất được trích ra từ quỹ đất nông nghiệp, do UBND cấp xã, phường, thị trấn quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý đất công ích ở một số địa phương trong tỉnh thời gian qua còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bài 1: Nhiều bất cập trong công tác quản lý

Đất công ích là diện tích đất được trích ra từ quỹ đất nông nghiệp, do UBND cấp xã, phường, thị trấn quản lý. Tuy nhiên, việc quản lý đất công ích ở một số địa phương trong tỉnh thời gian qua còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong dư luận.

Một số diện tích đất công ích trên địa bàn TP Thanh Hóa nằm rải rác, xen kẹt chưa phát huy được hiệu quả. Ảnh: Lê Quốc

Lỏng lẻo trong quản lý

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 24.734,12 ha đất công ích trên địa bàn 26 huyện, thị xã, thành phố (huyện Quan Sơn không có đất công ích). Theo Nghị định 64/CP của Chính phủ quy định: “Quỹ đất công ích được sử dụng vào các mục đích như cho thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản hoặc xây dựng công trình công cộng tại cấp xã, thị trấn được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Tiền thu được từ việc cho thuê quỹ đất công ích được dùng cho nhu cầu công ích của địa phương...”. Tuy nhiên, hiện nay việc quản lý và sử dụng đất công ích ở một số địa phương trong tỉnh còn nhiều bất cập như: Cho thuê đất công ích không đúng đối tượng, chưa lập hợp đồng thuê, chưa lập hồ sơ cho thuê... dẫn đến sử dụng không đúng mục đích, gây thất thoát nguồn thu cho ngân sách địa phương và bức xúc trong dư luận.

Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, tình trạng cho thuê đất trái thẩm quyền, sử dụng đất không đúng mục đích là câu chuyện không chỉ bây giờ mới diễn ra mà đã xảy ra khá lâu và vô cùng phức tạp ở nhiều địa phương trong tỉnh.Ví như quỹ đất công ích dọc tuyến bờ đê sông Yên trên địa bàn xã Quảng Nham (Quảng Xương) đã bị một số hộ dân được thuê tự ý xây dựng hàng loạt công trình bê tông cốt thép lấn ra lòng sông gây cản trở dòng chảy thoát lũ. Theo ghi nhận, cứ khoảng 50m lại có 1 khu nhà được xây nổi ngay trên lòng sông. Các ngôi nhà thường rộng từ 10-30m2, người dân dựng cột bê tông dưới lòng sông làm trụ sau đó dựng thành nhà. Nghiêm trọng hơn, cắt ngang dòng sông là hàng chục cầu bằng bê tông nối từ chân đê ra lòng sông. Các cây cầu thường rộng từ 1-1,5m, dài từ 30-60m. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì, tình trạng này diễn ra đã 3 năm qua, song chính quyền xã Quảng Nham vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm.

Hay như ở các phường Quảng Thành, Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) lập quỹ đất công ích lớn hơn 5%, không đúng quy định tại Khoản 1, Điều 72, Luật Đất đai năm 2003 và Khoản 1, Điều 132, Luật Đất đai năm 2013. Tự ý ký hợp đồng cho thuê đất không thông qua hình thức đấu thầu hoặc đấu giá; không thực hiện việc cập nhật, chỉnh lý bản đồ địa chính, sổ địa chính, sổ mục kê đất đai đang quản lý theo quy định; thời hạn cho thuê vượt quá 5 năm. Còn ở phường Đông Hải và xã Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) cho thuê đất không có hợp đồng và cho hộ gia đình, cá nhân mượn không thực hiện việc thu tiền nộp ngân sách Nhà nước...

Theo ông Trịnh Xuân Ba, Trưởng Phòng Quản lý đất đai thuộc Sở Tài Nguyên và Môi trường, nguyên nhân dẫn đến quỹ đất công ích bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích là do một số nơi không thực hiện quản lý đến từng thửa đất, không lập sổ theo dõi riêng, không thực hiện công khai theo quy định để người dân giám sát, không lập kế hoạch bố trí sử dụng đất... Bên cạnh đó, ở một số địa phương việc quản lý hồ sơ đất công ích còn nhiều hạn chế, yếu kém, thiếu chặt chẽ, hợp đồng thuê khoán không đầy đủ thủ tục theo quy định (chưa xác định rõ vị trí, diện tích, mức thu, thời gian sử dụng); có nhiều trường hợp cho thuê đất công ích nhưng không làm hợp đồng cho thuê, khoán theo quy định, sử dụng đất công ích không đúng mục đích, lạm dụng diện tích đất công ích để chuyển mục đích sử dụng sang đất phi nông nghiệp (sản xuất, kinh doanh, nhà ở...). Những bất cập, tồn tại trên cho thấy, công tác quản lý đất công ích ở nhiều địa phương trong thời gian qua còn nhiều lỏng lẻo, dẫn đến chưa phát huy được hiệu quả sử dụng đất công ích.

Muôn kiểu xà xẻo đất công

Thời gian gần đây, tại xã Hoằng Phong (Hoằng Hóa) đã xảy ra tình trạng hộ gia đình ông Hoàng Minh Chiến, ở thôn Bắc Hải, xây dựng nhà và chòi kiên cố trái phép trên đất công ích của xã, khiến dư luận không khỏi bất bình và nghi ngờ có sự bao che, “bật đèn xanh” của chính quyền xã. Theo phản ánh của người dân, ngôi nhà với diện tích trên 70m2 vừa được gia đình ông Hoàng Minh Chiến xây xong là đất thầu 5 năm, xã giao cho hộ ông Chiến để triển khai mô hình cá - lúa. Từ khi xã xây dựng nông thôn mới, khu đất thầu của gia đình ông Chiến nằm ngay mặt đường tại khu vực Đồng Hàn Đông Phong, giao thông đi lại thuận tiện. Đầu tháng 5-2018, người dân thấy gia đình ông Chiến san lấp một phần góc đất thầu làm móng nhà, đã phản ánh sự việc lên chính quyền xã. Mấy ngày sau, xã đã lập đoàn kiểm tra và đình chỉ việc xây dựng. Nhưng, không hiểu sao, chỉ một thời gian, gia đình ông Chiến lại tiếp tục tiến hành xây dựng và hoàn thành ngôi nhà và chòi kiên cố. Được biết, ngày 11-7-2018, UBND xã Hoằng Phong đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Hoàng Minh Chiến về hành vi chuyển đổi đất sai mục đích, với mức phạt tiền là 5 triệu đồng. Trong đó, thời hạn thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả chậm nhất là 10 ngày kể từ khi giao quyết định xử phạt. Nếu không chấp nhận sẽ bị cưỡng chế thi hành. Tuy nhiên, đã 3 tháng kể từ ngày ra quyết định xử phạt nhưng UBND xã Hoằng Phong vẫn chưa đưa ra bất kỳ biện pháp nào để xử lý dứt điểm những sai phạm của ông Chiến, khiến dư luận không khỏi bức xúc. Lý giải về sự chậm trễ này, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phong cho hay: Hộ gia đình ông Hoàng Minh Chiến có hỗ trợ nhiều cho địa phương về công tác xã hội, giúp đỡ các hộ gia đình nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế. Ngoài ra, ông Chiến còn đang nhân rộng mô hình nuôi cá chình, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân biết và làm theo nên tập thể đảng bộ, chính quyền địa phương đã thống nhất tạo điều kiện cho ông Chiến. Hiện xã đang đề nghị ông Chiến hoàn thiện hồ sơ thuê đất lâu dài trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định. Nếu từ nay đến hết năm 2018, ông Chiến không được UBND tỉnh phê duyệt, sự chấp thuận chủ trương của UBND huyện thì sẽ phải tiến hành tự tháo dỡ các công trình vi phạm, chấm dứt hợp đồng thuê đất.

Mặc dù chỉ được cho thuê mặt nước với mục đích nuôi trồng thủy sản và hoạt động vui chơi giải trí (câu cá giải trí) nhưng ông Lê Đức Anh, ở thị trấn Thường Xuân lại tập kết vật liệu xây dựng, đào móng đổ cột bê tông cốt thép xây dựng các công trình trái phép. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 5-5-2018 UBND xã Ngọc Phụng (Thường Xuân) đã ký hợp đồng cho gia đình ông Lê Đức Anh thuê mặt nước hồ Sậy có diện tích hơn 11,5 ha tại thôn Xuân Thắng với thời hạn thuê là 5 năm. Mục đích cho thuê là nuôi trồng thủy sản và hoạt động vui chơi giải trí. Song ông Anh lại không tuân thủ những quy định trong hợp đồng mà tự ý tập kết vật liệu xây dựng ngay trên bờ hồ Sậy, sau đó tiến hành đào móng, đổ cột bê tông cốt thép để xây dựng các công trình trái phép. Sau khi phát hiện sự việc, UBND xã Ngọc Phụng đã lập biên bản và yêu cầu ông Anh dừng ngay việc tập kết vật liệu xây dựng và xây dựng trái phép trên hồ Sậy.

Từ thực tế trên cho thấy, công tác quản lý Nhà nước về đất công ích trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn rất nhiều hạn chế, bất cập, vì thế đòi hỏi các ngành chức năng cần có giải pháp siết chặt công tác quản lý đất đai trong thời gian tới.

Bài 2: Nghiêm túc xử lý những sai phạm.


Lê Quốc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]