(Baothanhhoa.vn) - Trần Đàm tặng tập thơ “Lời yêu” - NXB Hội nhà văn - 2018. Tập thơ in đẹp, gồm 138 trang với 87 bài thơ. Tôi đã đọc kỹ và lướt qua đôi nét về cuộc đời, sự nghiệp của ông, mới biết ông là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong nước và quốc tế. Đã một thời ông làm Thư ký Tòa soạn báo Thanh Hóa. Hiện nay ông là hội viên Hội VHNT tỉnh nhà. Đến nay đã xuất bản 3 tập thơ. Trước tập thơ vừa ra mắt là tập  “Dâng mẹ”  và “Xuân lòng”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đọng mãi “Lời yêu”- thơ Trần Đàm

Trần Đàm tặng tập thơ “Lời yêu” - NXB Hội nhà văn - 2018. Tập thơ in đẹp, gồm 138 trang với 87 bài thơ. Tôi đã đọc kỹ và lướt qua đôi nét về cuộc đời, sự nghiệp của ông, mới biết ông là hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, có nhiều tác phẩm đạt giải cao trong nước và quốc tế. Đã một thời ông làm Thư ký Tòa soạn báo Thanh Hóa. Hiện nay ông là hội viên Hội VHNT tỉnh nhà. Đến nay đã xuất bản 3 tập thơ. Trước tập thơ vừa ra mắt là tập “Dâng mẹ” và “Xuân lòng”.

Đọng mãi “Lời yêu”- thơ Trần Đàm

Tập thơ “Lời yêu” của ông là một trang đời trải nghiệm trong những chuyến đi. Là những phút giây tỏ lòng tâm sự trước cuộc sống đa sắc màu mà ông bắt gặp.

Những hình ảnh đẹp trong thơ ông đã kích thích tôi đọc một cách say sưa. Tôi đã gom mỗi bài thơ theo nhóm chủ đề ông viết để dễ dàng cảm nhận. Tập thơ có nhiều bài hay cả về hình thức nội dung và nghệ thuật. Cảm hứng chủ đạo ông viết, vẫn là các bài thơ về tình yêu quê hương, đất nước; về tình yêu con người, tình yêu đôi lứa. Phần nhiều tập trung đề tài ở vùng núi cao, nơi ông đã từng sống thời trẻ. Đặc biệt, ở mảng thơ thế sự có giọng điệu, đậm nét riêng, không lẫn vào đâu được. Tất cả được gom vào hai chữ “Lời Yêu” đầy tính nhân văn với một sắc màu mới mà người đọc dễ nhận diện trong hành trình sáng tác.

Đi sâu tìm hiểu nét khái quát tập thơ, tôi có cảm nhận ngay từ “Ngày ấy” đến “bây giơ” “Lời yêu” trong thơ ông vẫn đằm thắm, nồng nàn cháy bỏng. Luôn bộc lộ những “khát khao giao cảm” với đời, với thiên nhiên, với người mình yêu. Và là mạch nguồn cảm xúc khởi đầu mạch chảy cho cả tập thơ. Vâng! Thơ ông là thế. Vẫn là con tằm nhả tơ kết tinh cho đời những giọt thơ trong suốt.

Với bài thơ mở đầu “Lời yêu ngày ấy... bây giờ” có sức gợi, tạo sự chú ý ngay từ phút đầu khi mà người con trai đã hóa thân vào người dân bản để thể hiện những khát khao. Đó cũng là sự trẻ trung, giàu nhiệt huyết của chàng trai: “Ngày ấy mày coi tao như mảnh trăng non/ Như búp măng mới nhú trong vườn/ Như nước suối ngọt khi mày khát/ Như cây cầu tre nối hai bờ thác”.

Những hình ảnh trong vắt “Mảnh trăng non”, “Búp măng mới nhú” đi vào thơ cứ ngọt ngào, da diết như câu chuyện cổ làm ánh lên vẻ đẹp của chàng thanh niên phơi phới tuổi xuân giàu nhiệt huyết. Và cũng từ “Ngày ấy” trên những ngọn núi cao, anh đã chứng kiến sự run rẩy khi “Mày cầm tay tao”. “Mày là của tao”, “Vì mày nói dân bản nghe hết lời”. Nặng ân tình từ những rung cảm đầu đời. Khát vọng cháy bỏng con tim đã rung lên tiếng đàn bằng thơ xao động “Ngày ấy/ Mày nắm tay tao mày run/ Cài cúc cho tao mặt mày đỏ lự”. “Lời yêu” như một lời trách cứ, nhưng sức nặng ân tình rất lớn lao. Nhiều câu chữ là lời bộc bạch rất dễ thương mang đặc trưng của người dân tộc, rất mộc mạc nhưng lắng đọng bồi hồi. “Ngày ấy/ Tao không vượt được ngọn núi cao/ Không bỏ được cầu thang gỗ nhỏ/ Không rời được máng nước róc rách/ Không xa được mùa nương nếp/ Nên tao mất mày”. Cái giá trị mang tính khái quát cao: “Nhìn ảnh của mày bụng tao sôi lật/ Đọc thơ của mày ngực tao rung trống/ Nhìn lũ bạn thương mày đầu tao vui sướng/ Tao không phải của mày/ Nhưng mày mãi là của tao/ Hết cả đời, mày ở nguyên trong ngực tao”. Câu thơ như rượu ngon, càng uống càng nồng, càng say, càng thao thức. Là men tình say đắm.

Hình như cái duyên ấy cứ nối dài cảm xúc. Nó không dừng lại ở ngôn từ sắc cảm mà còn âm vang bởi những âm thanh vọng vào đá núi trong bài thơ “Tiếng khèn”.

“Tiếng khèn vọng vào vách đá/ Ngân xa/ Ngân xa/ Tiếng khèn trèo lên sàn nhà/ Rót vào tai mẹ/ Rót vào tai cha/ Rót đầy chum rượu/ Rót đầy ngực em”... Hình tượng tiếng khèn như một đặc trưng. Nó là âm thanh của núi rừng vọng vào vách đá, ngân xa, ngân xa rồi quay về với ngôi nhà sàn ấm lửa. Đó là cả một sự sáng tạo trong sử dụng thi ngôn, thi ảnh của ông. “Rượu rót đầy ngực”. Có lẽ cả nhà, cả bản đều có chung cảm nhận từ tiếng khèn, họ đã hiểu nhau, yêu quý nhau đến độ thắm thiết không rời nên họ đã uống say. Mà uống say là đỉnh của tuyệt vời. Cái mới trong thơ ông là ở đó. Con chữ đã dùng đắc địa đẩy tứ và ý cùng cảm xúc thăng hoa hơn lúc nào hết. Thơ hay cần phải có những câu thơ xuất thần như thế mới tạo nên vẻ đẹp, kéo theo mạch nguồn cho hình tượng thơ tỏa sáng. Men ngấm rồi khi được rót đầy vào ngực em thì có lẽ bão có đến thì tình vẫn say, vẫn rực lửa. Cái đỉnh tận cùng đã đưa thơ lên đỉnh của cái hay cái đẹp. Đây cũng là cái hay trong phong cách thơ Trần Đàm mà người đọc rất thích thú.

Dọc theo thời gian, trong những bài thơ biểu lộ tình yêu, Trần Đàm thường xây dựng tứ thơ trên cơ sở cảm hứng thực tại. Đến với vùng miền lãng đãng sương giăng trên đỉnh Pù Luông, còn có hình ảnh đẹp trong cách miêu tả đậm chất thẩm mỹ: “Trăng nghiêng rọi vào mắt lá/ Để tay giữ chặt bàn tay/ Pù Luông xanh ngắt rừng cây/ Suối reo róc rách đêm ngày/ Em là nàng tiên ở đấy/ Ta về lòng ngấm men say”. Bài thơ “Chòm Đốc chiều cuối thu” là dấu vết ghi lại tình cảm thủy chung trong một lần ông trở lại thăm chốn này, sau nhiều năm xa cách. Thế rồi tình yêu và nỗi nhớ đã ùa về trong ký ức. “Người đâu khói bếp ngẩn ngơ/ Một luồng gió lạnh vương bờ vai anh”. Một câu hỏi tu từ đặt vào khoảng trống “Người đâu” rồi mà chỉ có khói bếp ngẩn ngơ. Cái thần của câu thơ là vương vào cảm xúc. Cảnh cũ thì vẫn còn đó nhưng người xưa thì ở đâu rồi? “Một luồng gió lạnh vương bờ vai anh” như nói lên tất cả tâm trạng của ông. Một nỗi nhớ như có gì xa xót chạm vào ký ức làm lay thức ông đến nao lòng. Ông đã đặt “dấu lặng” vào thơ, tạo thêm hình ảnh cho yếu tố bất ngờ. Những từ tượng hình, tượng thanh cứ lung linh trong cảm xúc dâng trào: “Vẫn còn đây cái nắm tay/ Vẫn là đây những tháng ngày bông lau/ Bờ sương bịn rịn áo nâu/ Suối sâu không bóng mây màu thiên di”. Rõ ràng cách sử dụng nhịp điệu, gieo vần, từ ngữ tinh tế, sáng tạo, mới có những vần thơ lục bát hay như thế.

Ở bài thơ “Chiều bến En.” Tác giả như đắm chìm thả hồn trong cảnh đất trời sông nước. Nhà thơ như hóa thân vào nơi này để biểu lộ cảm xúc. Tôi cho đây là một bài thơ hay, có nhiều sáng tạo trong ý tưởng, trong cách sử dụng ngôn từ:

“Chiều Bến En ngả mình trên thảm cỏ

Nghe thanh âm ríu rít chuyền cành

Ly rượu mềm uống cạn giữa trời xanh

Mắt của núi của rừng thao thiết thế?

Với bút pháp đặc tả hòa theo cảm xúc, hình ảnh Bến En trong thơ ông hiện lên cứ như gợi về một thời xưa cũ để khắc họa cái bóng dáng của rừng cây cổ thụ soi bóng xuống mặt hồ để buông thả những lời tình tự. Câu thơ có hình ảnh của núi rừng, có men say của tình người in bóng. Vừa đặc tả cái chất của thi sĩ vừa gợi lên không gian của thi ca trong cảm nhận “Chiều Bến En lá chao trong mắt trẻ/ Thảm tre già che khuất mấy ngàn năm”.

Với văn chương, ông luôn dành một khoảng lặng để chiêm nghiệm cuộc đời với thế sự. Dẫu cho dòng đời cuộn chảy, hình ảnh quê hương vẫn luôn đọng lại trong thơ ông những gì đẹp nhất, đó là “Hồn làng”. Chả thế mà nhà thơ Chế Lan Viên đã từng viết “Muốn tìm thơ hay, thơ thứ thiệt hãy về với gốc quê”. Đối với Trần Đàm, không phải ngẫu nhiên mà ông có một “Hồn làng” da diết vời vợi hay như thế! “Có theo câu hát thì theo/ Không theo tim cũng đã neo hồn làng”.

(Hồn làng)

Là người Việt Nam ít ai không có trong tâm tưởng “hồn làng”. Với Trần Đàm “Hồn làng” là những hình ảnh thân thuộc gắn với bờ ao, cỏ cây hoa lá. Những tiếng gà báo sang canh trong những buổi sớm sương mai vơi đầy nỗi nhớ:

“Cây lộc vừng vịn ao thơ/ Hoa buông mặt nước cành chờ áo ai/ Tiếng gà gáy một canh dài/ Hồn làng đánh thức sương mai vơi đầy”.

(Hồn làng)

Thơ Trần Đàm hay bởi ngôn từ giản dị, chân chất tình quê. Thơ ông diễn tả cung bậc tình yêu rất nhẹ nhàng, đi vào đời sống chân quê như một khúc nhạc lắng sâu vời vợi. Với cách sử dụng thể thơ lục bát khá điêu luyện cộng với sự sáng tạo trong tìm tứ, tạo tứ hay, bài thơ “Đợi” đã nói lên tính thẩm mỹ trong cách miêu tả xây dựng hình tượng nghệ thuật khá thành công:

“Em đi tìm lá diêu bông/ Để anh đợi mãi mà không thấy về/ Quanh chùa tím rực hoa mua/ Lũ bươm bướm trắng đang đùa rượt nhau/ Sân chùa có một hàng cau/ Thị Mầu đang chút nỗi đau lên trời/ Một mình ta đứng chơi vơi/ Trong sương lạnh để đợi người ta yêu”. (Đợi).

Giọng điệu thơ Trần Đàm có phép liên tưởng sáng tạo. Phải nhìn sâu vào nội lực thơ ông mới thấy hết cái hay cái đẹp trong cách sử dụng hình ảnh. Đặc biệt là các biện pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, câu hỏi tu từ.

Đi sâu giải mã mảng thơ tình ông viết thấy có nét lạ. Nhiều câu thơ ông viết cứ ám ảnh giăng mắc sự đời. Giữa cái lạ, cái thực, cái mơ trong cõi người cứ đan xen quyện vào nhau. Hình như trong dụng ý nghệ thuật, ông cố tình xây dựng chi tiết thẩm mỹ như một cách gợi thêm sự chú ý thông qua hình tượng ngôn ngữ trong đặc tả. Từ ánh mắt đến hành động nhằm khắc họa đối tượng miêu tả, cốt yếu đẩy cảm xúc lên cao trào để tìm về cái mơ mộng thực tại đến tận cùng của đời sống mà con người luôn vươn tới: “Mình gặp nhau suốt chiều mưa/ Nón nghiêng áo tím đung đưa mạn thuyền/ Hút hồn anh trong mắt huyền/ Lửa tình cháy đỏ rực miền Cố Đô”.

(Đêm sông Hương).

Người đẹp hút hồn, mà lại hút hồn nghệ sĩ đa tài như ông mà ông không vướng mới là chuyện lạ. Chính vì vướng nên ông mới có những câu thơ mãnh liệt như thế!

Trong bài thơ “Hoa gạo và em” không những hay ở tứ mà còn hay ở tính tư tưởng bùng cháy trong cảm xúc. Với Trần Đàm, hoa gạo chính là nhân chứng của tình yêu. Gắn với hồn làng, với sông quê, với những triền đê xanh bờ ngọn cỏ bao giờ cũng nhập hồn vào thơ ông như một định mệnh. “Ta cài lên mái tóc em yêu/ Vòng xuyến đỏ hoa tươi mùi đồng nội/ Em nép mình vào ngực ta nóng hổi/ Tay trong tay nắm chặt đến không cùng”.

Trong đời sống thi ca, thơ viết về đề tài tình yêu không hiếm, nhưng để có bài thơ hay trụ lại lòng người quả không đơn giản. Tôi cho rằng thơ trữ tình của Trần Đàm có một số bài giàu sức thuyết phục, có giọng điệu, có phong cách rất riêng.“Hạt mưa xuân đã nói gì/ Mà em xao xuyến thầm thì đôi môi/ Hoa xoan nhuộm tím vai người/ Bờ đê rối một chân trời cỏ may”.

Nếu xem thơ Trần Đàm phảng phất những câu thơ đậm chất ngẫu hứng mới lạ trong cách xây dựng hình ảnh sáng tạo để biểu đạt ý tưởng vẫn hoàn toàn đúng: “Ông trời xô dọc xô ngang/ Lấy tơ buộc lại để nàng gặp ta/ Nụ thơ vừa nhú kiêu sa/ Mắt vừa gặp mắt đã xa nhau rồi/ Con tim thao thức bồi hồi/ Mà không thốt được nửa lời cùng nhau/ Đành thôi im lặng để sau/ Mong ngày lại nhớ cho nhau hẹn chờ”.

(Vô đề).

Thơ Trần Đàm trong mảng thơ thế sự, trong cách cảm về góc nhìn di tích lịch sử, dấu vết các vùng văn hóa trên đất nước, ông đều có thơ hay. Những bài thơ đượm sắc thái biểu cảm luôn có mặt ở khắp các vùng miền trong những chuyến đi. Như bài: “Cửa Thần Phù”, “Thăm cụ Nguyễn Du”, “Viếng mộ cụ Hữu Loan”. “Trước đàn Nam Giao”, “Thăm đền Lê Hoàn”, “Cảm tác Thành Nhà Hồ”. “Chiều thu Lam Kinh”, “Tháng tư Trần khát Chân”...

Lúc đầu tôi cứ tưởng ông gửi cái chất thi sĩ đa tình vào thơ mới và thơ lục bát nhưng đọc đến một số bài thơ Đường quả thật ông là một cao thủ. Về niêm luật chặt chẽ, phép đối chuẩn cả về từ loại, thanh điệu và ý thơ. Thế mới biết “gừng càng già càng cay”. Bài thơ “Ngọn gió” với một nét vẽ bằng thơ mà đã nổi bật vẻ đẹp của tố nữ. Hơi men cảm xúc trữ tình cùng với hồn thi cảm đã chạm vào nét đẹp của tạo hóa, làm nổi bật bức tranh nghệ thuật lung linh rực rỡ.

“Vô tình gió nhẹ áo em bay

Khi vẫn miên man giấc ngủ ngày

Một thoáng ảo mờ da trắng trắng

Hai vầng tương phản má hây hây

Dạt dào hạnh phúc hồn thơ mộng

Thổn thức tâm tình dạ ngất ngây

Anh ước được như cơn gió thoảng

Len vào hơi thở lúc em say”.

(Ngọn gió)

Nếu như bài thơ Đường “Tiếng đêm”, chất thơ của ông không lẫn vào đâu được. Vẫn óng ánh ngôn từ và thanh cao trong cảm nhận thì bài “Xuân lòng” là một tác phẩm độc đáo. Nhà thơ đã trải lòng với cái tình của mình với bạn. Ông quan niệm với bạn, lúc nào cũng xuân. Những bồi hồi rất trẻ đã đưa nỗi niềm của ông vào thế giới tâm sự của cõi lòng. Nó lắng đọng tha thiết theo nhịp tí tách của giọt cà phê rơi để rồi nhớ lại một thời mơ mộng đã qua. Thơ ông hay bởi bộc lộ cảm xúc ở dạng “tả cảnh ngụ tình”. Đọc bài thơ ta như thấy dòng đời đi qua những cung bậc cảm xúc vô cùng cao khiết: “Cà phê giọt đắng rơi trong mắt/ Mi ứa dòng cay đọng giọt châu/ Như gặp người xưa hồn thổn thức/ Nao nao gợi nhớ mối duyên đầu”.

(Xuân lòng)

Đáng chú ý, dù đi đâu về đâu, nhà thơ vẫn dành một mảnh trời riêng để viết về người thân yêu của mình. Đó là hình ảnh người mẹ đã đi vào thơ ông với những áng thơ giàu cảm xúc chân tình nhất. Viết về mẹ, ông có bài thơ: “Lời mẹ ru”, “Vu lan nhớ mẹ”, “Gánh rau của mẹ”...

Trong hành trình thi ca, từ khi tuổi trẻ đến khi nghỉ hưu, ông luôn khao khát nặng lòng với thơ. Chính vì thế, ông có nhiều bài thơ hay ca ngợi những cảnh sắc tươi đẹp nhiều vùng đất nước đang đổi mới từng ngày. Bài thơ “Thành phố tôi yêu” là một khúc ca vui, đọng lại những câu thơ hay. Tôi muốn trích dẫn để khẳng định thơ ông có nhiều bài xứng đáng trụ lại với thời gian, góp cho người đọc hiểu thêm và yêu hơn phong cách thơ Trần Đàm: “Thành phố tôi yêu/ Nơi chim Hạc tìm về làm tổ/ Để ngàn năm bay trên mặt trống đồng/ Nơi sông Mã oằn mình dậy sóng/ Cuồn cuộn phù sa bồi đắp triền bờ/ Văn vắt xanh trong tháng ngày nắng hạ/ Câu hò dô cháy xám những lưng trần”.

Thơ là tiếng nói đồng điệu của tâm hồn, là khát vọng cháy bỏng để vươn tới cái đẹp. Với Trần Đàm, ông đã có một hành trình thơ trong cuộc đời khá ấn tượng, có điểm nhìn nghệ thuật khá tinh tường. Trong mạch thơ ông viết rất chắc tay. Đặc biệt thể thơ nào ông cũng sành. Thơ Đường thì mẫu mực. Thơ mới tự do phóng khoáng dạt dào cảm xúc. Lục bát luôn thăng hoa theo phong cách thơ Nguyễn Bính. Mặc dù thơ ông có thể chưa hay bằng các nhà thơ có tiếng trên thi đàn đã thành danh được xếp vào chiếu trên, nhưng thơ ông hay bởi tâm sự rất mộc mạc bình dị. Ngôn từ cô đọng, chất thơ có giọng điệu, có phong cách. Nói như tiến sĩ văn học Lưu Khánh Thơ - Viện Văn học Việt Nam: “Thơ hay là phải có giọng điệu và phong cách, phải định hình rõ nét tính tư tưởng”. Nhà thơ Trần Đàm đã có được điểm ấy.

Nhìn chung, với “Lời yêu”, ông đã có một thế giới quan trong cách nhìn, cách cảm về cuộc sống hiện thực rất thành công. Nhiều bài thơ trữ tình đã rung động trái tim người đọc. Đọc xong, ta có cảm nhận thi sĩ Trần Đàm là một người viết thơ tình có hạng. “Lời yêu” chính là mạch nguồn cảm xúc, đã chạm mạnh vào bờ sóng của thi ca, với một phong cách thơ rất riêng và lạ. Chính cái lạ ấy càng làm cho tôi và nhiều bạn đọc muốn khám phá những điều bí ẩn trong thơ ông: “Giờ con tóc trắng mây bay/ Chỉ còn hoài niệm những ngày xa xưa/ Gói đời vào những câu thơ/ Vịn tay vào những vu vơ mà cười”.

(Lục bát hoài niệm)

Thơ Trần Đàm là thế! Dẫu cho bể dâu biến cuộc, ông vẫn cười, vẫn vui, vì ông nhìn sự đời luôn thấu tỏ. Để mở những câu thơ mà ông “gói đời” vào đó là cả một câu chuyện thú vị đang chờ người đọc tiếp tục giải mã. Hy vọng trong tâm khảm mỗi người, khi đọc tập thơ “LỜI YÊU” của thi sĩ TRẦN ĐÀM sẽ say thêm một làn hương mới. Tin tưởng, thơ ông sẽ là những nụ hoa kết tinh cho đời những bông hoa đẹp. Nó góp cho dòng chảy thi ca trên văn đàn không ngừng tỏa sáng. Và trong thời đại bùng nổ công nghệ số, bạn đọc sẽ được thưởng thức thơ ông nhiều hơn.

Xuân Kỷ Hợi-2019

Trịnh Vĩnh Đức


Trịnh Vĩnh Đức

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]