(Baothanhhoa.vn) - Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TSTT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

Chương trình phát triển tài sản trí tuệ (TSTT) đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, bảo đảm môi trường đầu tư, duy trì lợi thế cạnh tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia. Thời gian qua, tỉnh Thanh Hóa đã chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về TSTT. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn gặp phải không ít khó khăn, vướng mắc.

Nhiều khó khăn, vướng mắc trong hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ

Làng nghề nón lá Trường Giang (Nông Cống).

Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 429 tổ chức, cá nhân được cấp 1.080 văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (4 sáng chế, 4 giải pháp hữu ích, 4 chỉ dẫn địa lý, 83 kiểu dáng công nghiệp, 985 nhãn hiệu). Sau khi được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT), Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương, đơn vị tăng cường các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường thông qua các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh. Với sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp, nhất là khi “Chương trình hỗ trợ phát triển TSTT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2012-2015 và giai đoạn 2016-2020” được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt, các hoạt động SHTT trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án về SHTT được triển khai thực hiện và đạt kết quả khả quan, như: tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể tương Làng Ái (Yên Định), chè lam Phủ Quảng (Vĩnh Lộc), nước mắm Khúc Phụ (Hoằng Hóa), mắm tép Hà Yên (Hà Trung); đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, như: bưởi Luận Văn (Thọ Xuân), tơ lụa Hồng Đô (Thiệu Hóa), nón lá Trường Giang (Nông Cống)... Hiện, Sở KH&CN đang tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chủ trì triển khai các dự án xây dựng và phát triển nhãn hiệu cho một số đặc sản như, nhãn hiệu tập thể “Nước mắm Sầm Sơn”, “Mực khô Sầm Sơn”; nhãn hiệu tập thể “Cam Xuân Thành” (Thọ Xuân)...

Bên cạnh những kết quả đạt được, chương trình phát triển TSTT gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Ví như, nước mắm Khúc Phụ là một trong những sản phẩm đặc trưng của vùng ven biển xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa). Nghề làm nước mắm ở đây đã hình thành hàng trăm năm và hiện đang thu hút hơn 350 hộ sản xuất và buôn bán nhỏ lẻ. Năm 2015, sản phẩm nước mắm Khúc Phụ đã được Cục SHTT (Bộ KH&CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể, được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã vạch cho sản phẩm. Đây là cơ hội để nước mắm Khúc Phụ từ một đặc sản dân gian nổi tiếng phát triển thành thương hiệu mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, việc xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nước mắm Khúc Phụ còn gặp nhiều khó khăn. Đó là khó khăn về nguồn vốn nên sản xuất chủ yếu ở quy mô nhỏ; phần lớn các cơ sở sản xuất nước mắm Khúc Phụ chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị, quảng cáo sản phẩm trên thị trường; nhiều cơ sở sản xuất chưa thấy hết giá trị của việc gắn tem nhận diện sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và sợ tăng giá thành sản phẩm nên việc gắn tem cho sản phẩm chưa được sử dụng rộng rãi; vai trò của HTX chế biến nước mắm Khúc Phụ trong việc tuyên truyền, quảng bá còn nhiều hạn chế.

Hay như nghề nón lá Trường Giang (Nông Cống) đã tồn tại từ hàng trăm năm nay; năm 2014, nón lá Trường Giang đã được công nhận làng nghề truyền thống; năm 2015, sản phẩm vinh dự lọt top 100 thương hiệu nổi tiếng cả nước; năm 2016, UBND huyện Nông Cống được UBND tỉnh phê duyệt cho triển khai thực hiện 2 dự án thuộc chương trình hỗ trợ phát triển TSTT, trong đó có Dự án “Tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nón lá Trường Giang”. Từ đó đến nay, huyện Nông Cống đã phối hợp với UBND xã Trường Giang và UBND xã Thăng Long chỉ đạo Hiệp hội sản xuất nón lá Trường Giang thực hiện các quy chế, quy trình về quản lý, sử dụng nhãn hiệu tập thể đã được công nhận; chủ động phối hợp, hợp tác với các cơ quan, tổ chức trong và ngoài tỉnh giới thiệu, quảng bá, thực hiện các chương trình, kế hoạch lồng ghép hỗ trợ phát triển nhãn hiệu sản phẩm... Tuy nhiên, việc sản xuất nón lá vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, thủ công, bán thủ công nên việc kiểm soát quy trình sản xuất phải dựa chủ yếu vào kinh nghiệm, dẫn tới sự thiếu đồng nhất, thiếu ổn định của sản phẩm. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất vẫn chưa mạnh dạn đầu tư vào nhãn hiệu. Việc đưa nhãn hiệu vào sản phẩm nón lá làm tăng giá thành sản phẩm, ảnh hưởng tới tiêu thụ sản phẩm và đặc biệt thương lái các tỉnh không mua sản phẩm có nhãn hiệu. Việc này ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tiêu thụ của hộ dân. Ngoài ra, đặc thù của sản phẩm nón lá là chưa tìm được chất liệu để chống mốc cho sản phẩm, dẫn đến việc trưng bày sản phẩm nón lá rất khó khăn.

Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc, trên cơ sở chiến lược SHTT đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, căn cứ vào tình hình thực tế của tỉnh, Sở KH&CN tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chương trình hỗ trợ phát triển TSTT tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Theo đó, tiếp tục phát triển TSTT đồng bộ, hiệu quả ở tất cả các khâu sáng tạo, xác lập, khai thác và bảo vệ, thực thi quyền SHTT; tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo, đưa SHTT thành công cụ quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Chương trình phát triển TSTT phải gắn kết chặt chẽ với Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Thanh Hóa (Chương trình OCOP-TH). Sản phẩm OCOP-TH và các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa phải được xác lập, quản lý và phát triển quyền SHTT. Số đơn đăng ký xác lập quyền SHTT trên địa bàn tỉnh tăng trung bình hằng năm là 8 - 10%. Đến năm 2030, hỗ trợ, khai thác, áp dụng thực tiễn cho ít nhất 4 sáng chế/giải pháp hữu ích cho các sản phẩm của Chương trình OCOP-TH; hỗ trợ tạo lập, quản lý và phát triển SHTT cho ít nhất 150 sản phẩm là đối tượng của Chương trình OCOP-TH và các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh.

Bài và ảnh: Trần Hằng


Bài và ảnh: Trần Hằng

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]