(Baothanhhoa.vn) - Những ngày này, ngược miền Tây xứ Thanh chúng ta cảm nhận rõ sự thay đổi rõ nét của vùng đất này, với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn được phủ lên một màu vàng óng của lúa đến kỳ thu hoạch; những mảnh đồi bát úp xanh ngút ngàn của cây ngô, cây sắn và các loại cây lâm nghiệp khác... minh chứng rõ nét cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Khởi sắc miền Tây xứ Thanh

Những ngày này, ngược miền Tây xứ Thanh chúng ta cảm nhận rõ sự thay đổi rõ nét của vùng đất này, với những thửa ruộng bậc thang uốn lượn được phủ lên một màu vàng óng của lúa đến kỳ thu hoạch; những mảnh đồi bát úp xanh ngút ngàn của cây ngô, cây sắn và các loại cây lâm nghiệp khác... minh chứng rõ nét cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân nơi đây.

Khởi sắc miền Tây xứ Thanh

Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà lưới ở xã Kiên Thọ (Ngọc Lặc) cho thu nhập cao. Ảnh: Khắc Công

Từ những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

Vùng dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa có trên 1 triệu người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có trên 600.000 người, chủ yếu là các dân tộc Mường, Thái, Thổ, Mông, Dao, Khơ Mú. Xác định phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi là nhiệm vụ quan trọng, thời gian qua Đảng, Nhà nước, tỉnh ta luôn quan tâm chỉ đạo và thực hiện tốt các chính sách dân tộc đối với đồng bào khu vực này. Trong giai đoạn 2014-2019, bằng nguồn vốn từ Nghị quyết 30a, Chương trình 135 và các chương trình, dự án của Nhà nước, khu vực miền núi được đầu tư trên 80.000 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho người dân. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến hết năm 2020”; “Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020”; Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận vùng đồng bào DTTS và miền núi Thanh Hóa”; ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành 8 đề án về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh và bền vững đối với vùng DTTS và miền núi, thì sự quyết tâm đầu tư phát triển vùng đồng bào DTTS trong tỉnh được cụ thể hơn, với nhiều chương trình, dự án thiết thực hơn mang lại những hiệu quả rõ rệt, góp phần thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi. Minh chứng rõ nét nhất, đó là tỉnh đã chú trọng ưu tiên nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ người dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất. Nhờ đó đến nay, diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt hằng năm luôn ổn định từ 130.000 ha - 140.000 ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 360.000 - 370.000 tấn. Đã hình thành một số vùng cây nguyên liệu tập trung phục vụ cho công nghiệp chế biến, như: vùng mía trên 21.000 ha, 13.000 ha sắn, 22.000 ha ngô, 56.000 ha lúa. Chăn nuôi phát triển theo hình thức trang trại, gia trại; lâm nghiệp phát triển toàn diện cả về trồng, khoanh nuôi và bảo vệ rừng. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các ngành nghề dịch vụ có bước phát triển khá. Các huyện miền núi đã tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy may công nghiệp, chế biến gỗ, sắn, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động; thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng 4 cụm công nghiệp với diện tích 129,5 ha. Nhiều dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa, thúc đẩy kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống dân sinh, như: Đường nối các huyện Tây Thanh Hóa dài 350 km; mở rộng, nâng cấp đường Hồi Xuân - Tén Tằn có chiều dài 111 km; mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 217, Quốc lộ 47; nâng cấp, cứng hóa các tuyến đường giao thông đến trung tâm xã, liên xã; các Nhà máy Thủy điện Bá Thước 1, Bá Thước 2, Trung Sơn, Cẩm Thủy hoàn thành đi vào hoạt động; hàng trăm công trình phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt được đầu tư nâng cấp, xây mới; nâng cấp trên 100 công trình hồ đập, kiên cố hóa hàng trăm km kênh mương nội đồng, đưa năng lực tưới khu vực miền núi lên 72%. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp theo Quyết định 102/QĐ-TTg; chính sách vay vốn; chính sách người có uy tín; các đề án tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật vùng đồng bào DTTS được Trung ương phân bổ 2.800 tỷ đồng. Bằng nguồn vốn trên, đã cho hơn 90.000 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất; thực hiện chính sách đối với người có uy tín gần 10.000 lượt người... góp phần cải thiện đời sống và vật chất tinh thần cho đồng bào các DTTS.

Thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn miền núi

Hiệu quả từ các chương trình, dự án của Trung ương, của tỉnh, các huyện miền núi đến nay 100% số xã miền núi vùng đồng bào dân tộc đã có đường ô tô đến trung tâm xã. Tỷ lệ dân số được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 87%. Các tiêu chí hưởng thụ văn hóa, y tế - giáo dục đều có bước phát triển tốt, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động mỗi năm. Tăng trưởng kinh tế những năm gần đây đạt 8,7%; thu nhập bình quân đầu người đạt 30 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,3%. Đặc biệt năm 2019, huyện Như Xuân đã thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; 5% số xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), 65% thôn, bản ĐBKK vùng đồng bào dân tộc miền núi thoát khỏi diện ĐBKK giai đoạn 2016-2020 theo tiêu chí quy định. Việc triển khai các chính sách dân tộc thông qua các chương trình, dự án đầu tư hỗ trợ của Đảng, Nhà nước đã làm thay đổi rõ rệt cuộc sống người dân, góp phần đẩy lùi các tệ nạn, hủ tục, giữ vững quốc phòng - an ninh.

Đơn cử huyện vùng cao biên giới Quan Hóa, từ một huyện miền núi nghèo, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, đến nay huyện Quan Hóa đã có nhiều giải pháp tập trung lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ông Trương Nho Tự, Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, cho biết: Các chính sách đặc thù cho vùng DTTS và miền núi được triển khai đã đem lại nguồn lực to lớn, giúp huyện có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội; cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để Nhân dân các dân tộc phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhiều mô hình sản xuất mới được triển khai thực hiện có hiệu quả và nhân ra diện rộng, như: mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu cho lúa; trồng ngô đông trên đất 2 lúa; mô hình rau an toàn; nuôi lợn nái sinh sản; chương trình cải tạo, nâng cao tầm vóc đàn bò; phục tráng rừng luồng... Đến nay, huyện đã có 2.370 ha luồng ở xã Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Lệ, Phú Sơn được cấp chứng chỉ FSC. Tính hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 27,83 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,22%.

Để thoát ra khỏi huyện nghèo, huyện Như Xuân mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng cao kết hợp cơ giới hóa vào sản xuất. Nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn với các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được hình thành, như: cây ăn quả ở các xã Xuân Hòa, Bãi Trành, Xuân Bình, Xuân Hòa, Yên Lễ, với diện tích trên 982 ha và phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại, gia trại, liên doanh, liên kết. Ngoài ra, huyện chú trọng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và thương mại - dịch vụ theo hướng nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, năng suất lao động, khả năng cạnh tranh. Đến nay, huyện đã thu hút được 77 doanh nghiệp và 21 HTX hoạt động sản xuất CN-TTCN. Trong số các doanh nghiệp, có 24 cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm sản xuất khẩu, sản xuất gỗ ván ép công nghiệp, sản xuất đá ốp lát, khai khoáng... Với hướng đi đúng, hết năm 2019, thu nhập bình quân đầu người đạt 29 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 7,8%. Kinh tế khởi sắc là điều kiện thuận lợi để huyện thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay huyện có 4 xã, 48 thôn đạt chuẩn NTM (sau khi sáp nhập theo Nghị quyết 786/NQ-UBTVQH14 ngày 16-10-2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội) và thoát khỏi huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.

Để kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi ngày càng phát triển bền vững, hiện Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa đang hoàn thiện “Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025”. Theo đó, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền núi, như: nâng cao hiệu quả sản xuất sắp xếp ổn định dân cư; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên kết vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện về giáo dục, y tế, văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực... Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người hằng năm tăng gấp 1,5 lần trở lên so với năm 2020; 80% huyện miền núi thấp có đường giao thông được cứng hóa; 75% huyện miền núi cao cứng hóa đường giao thông; đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi đáp ứng 95% nhu cầu tưới tiêu; 100% thôn, bản có điện lưới quốc gia; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65%; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,67%/năm... Đây là điều kiện thuận lợi để miền Tây xứ Thanh phát triển bền vững trong tương lai.

Khắc Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]