(Baothanhhoa.vn) - Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng cường xây dựng các nhà truyền thống, phòng truyền thống hoặc nhà lưu niệm, nhà trưng bày nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương. Hệ thống những “địa chỉ đỏ” này cũng đang góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước và nhân cách cho thế hệ trẻ.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát huy giá trị nhà truyền thống nhằm giáo dục thế hệ trẻ

Thời gian gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã tăng cường xây dựng các nhà truyền thống, phòng truyền thống hoặc nhà lưu niệm, nhà trưng bày nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị lịch sử - văn hóa của quê hương. Hệ thống những “địa chỉ đỏ” này cũng đang góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi đắp lòng yêu nước và nhân cách cho thế hệ trẻ.

Phát huy giá trị nhà truyền thống nhằm giáo dục thế hệ trẻ

Nhà truyền thống huyện Đông Sơn luôn thu hút các em học sinh đến tham quan, học tập.

Đến với nhà truyền thống huyện Đông Sơn, nằm trong Khu di tích địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, chúng ta cảm nhận rõ hơn nơi lưu giữ và trưng bày các hiện vật, hình ảnh, tư liệu về quá trình hình thành và phát triển của đất và con người Đông Sơn. Nhà truyền thống được khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, có diện tích 40m2, là nơi trưng bày khoảng 200 hiện vật, ảnh, tư liệu, chia thành 5 mảng chủ đề chính.

Mảng thứ nhất có chủ đề: Địa danh Đông Sơn qua các thời kỳ lịch sử. Các hình ảnh, tư liệu, hiện vật tại đây cho thấy, trải qua các thời kỳ lịch sử, huyện Đông Sơn có nhiều thay đổi về tên gọi và địa giới hành chính. Đông Sơn từng là trung tâm, sở lỵ của xứ Thanh qua nhiều thời kỳ. Mảng chủ đề này bao gồm: bản đồ hành chính huyện Đông Sơn được chụp năm 2012; pano tên gọi huyện Đông Sơn qua các thời kỳ lịch sử; ảnh chụp trung tâm sở lỵ xứ Thanh trong lịch sử; ảnh chụp toàn cảnh trung tâm thị trấn Rừng Thông... Ở chủ đề này, nổi bật là mô phỏng trống đồng Ngọc Lũ được Đảng bộ và Nhân dân huyện Đông Sơn chập lửa lò đúc ngày 20-2-2012 nhân dịp kỷ niệm 65 năm Bác Hồ lần đầu tiên về thăm. Chiếc trống đồng với đường kính mặt trống 79cm mang ý nghĩa 79 mùa xuân tuổi Bác, trống cao 69cm tượng trưng cho năm mất của Người. Trên thân trống có hình ảnh Bác Hồ đọc Bản tuyên ngôn độc lập và 4 hình ảnh những lần Bác Hồ về thăm Thanh Hóa.

Ở mảng chủ đề thứ 2 với nội dung: Truyền thống yêu nước chống xâm lược và đấu tranh cách mạng của Nhân dân Đông Sơn. Trải qua hàng ngàn năm, truyền thống anh dũng bất khuất chống xâm lược, truyền thống đấu tranh cách mạng của con người Đông Sơn trở thành truyền thống tiêu biểu nhất. Đông Sơn là mảnh đất “địa linh, nhân kiệt” sản sinh ra nhiều danh nhân, nhân vật lịch sử - những người con ưu tú của quê hương. Nổi bật ở chủ đề này là hình ảnh của cụm Di tích lịch sử cách mạng Hàm Hạ - nơi thành lập và hoạt động Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa. Chi bộ Hàm Hạ ra đời bầu đồng chí Lê Thế Long làm bí thư chi bộ. Sự ra đời của Chi bộ Hàm Hạ là đỉnh cao của phong trào yêu nước, là mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung và huyện Đông Sơn nói riêng.

Đến với mảng chủ đề thứ 3: Truyền thống văn hóa - Khoa bảng. Đông Sơn là vùng đất cổ, quê hương của nền văn hóa Đông Sơn, nơi tìm thấy trống đồng - di vật tiêu biểu của nền văn hóa này nhiều nhất. Đông Sơn cũng từng là trung tâm, sở lỵ của xứ Thanh qua nhiều thời kỳ. Đây cũng là một vùng đất có truyền thống hiếu học, khoa bảng. Vì vậy ngày nay Đông Sơn còn lưu giữ hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đậm đặc, phong phú. Theo số liệu được kiểm kê, trên địa bàn huyện Đông Sơn có 92 di tích lịch sử văn hóa, bao gồm các loại hình như: di tích khảo cổ học, di tích kiến trúc tôn giáo (đền, chùa, đình, miếu, từ đường, bia ký), di tích cách mạng và danh lam thắng cảnh... có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật. Trong đó có 31 di tích đã được xếp hạng gồm: 7 di tích lịch sử văn hóa và danh thắng, di tích cách mạng cấp quốc gia, 24 di tích cấp tỉnh. Số di tích còn lại đã được kiểm kê, bảo vệ để tiếp tục lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Ở chủ đề thứ 4 là Những danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng. Đảng bộ, Nhân dân huyện Đông Sơn đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu cao quý. Với những cống hiến to lớn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đổi mới và hội nhập, Đảng bộ và Nhân dân Đông Sơn vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý: 4 tập thể, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, 1 tập thể và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới; 1 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 tập thể được tặng Huân chương Quân công hạng Nhất, 1 tập thể được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng khen và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Mảng chủ đề thứ 5 với nội dung Đông Sơn trên con đường đổi mới và phát triển, trở thành huyện kiểu mẫu. Phát huy truyền thống quê hương, dưới sự lãnh đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, Đông Sơn đang vững bước trên con đường đổi mới, phát triển, hội nhập, đạt nhiều thành tựu nổi bật về mọi mặt, phấn đấu nhanh chóng trở thành “huyện kiểu mẫu”, xứng đáng với niềm vinh dự, tự hào là nơi Bác Hồ về thăm Thanh Hóa lần đầu.

Mới khánh thành trong tháng 5-2020, nhà truyền thống xã Nga Thạch (Nga Sơn) đã trở thành nơi giáo dục truyền thống cho Nhân dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ. Nhận thức rõ việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông ta đã để lại và tầm quan trọng của giáo dục truyền thống trong công tác xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương. Một trong những sáng kiến mà xã Nga Thạch triển khai là khánh thành và đi vào hoạt động nhà truyền thống của xã, theo mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhà truyền thống hiện trưng bày các tranh, ảnh về hoạt động kinh tế - xã hội của đảng bộ và Nhân dân trong xã; ảnh các lãnh đạo xã qua các thời kỳ, tượng Bác Hồ và danh sách các liệt sĩ là người con của quê hương Nga Thạch đã hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Tất cả đã phần nào giúp tái hiện lịch sử oai hùng của Nhân dân xã Nga Thạch. Những năm qua, đảng ủy, UBND xã đã phối hợp với Nhân dân thực hiện công tác sưu tầm hiện vật, tranh, ảnh bổ sung vào nhà truyền thống. Hàng ngày nhà truyền thống vẫn đều đặn mở cửa phục vụ Nhân dân trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu. Từ đó giúp cho người dân Nga Thạch hiểu thêm về truyền thống lịch sử hào hùng của quê hương mình, qua đó khơi dậy lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp Nhân dân.

Có thể nói, hệ thống các nhà truyền thống, phòng truyền thống, nhà lưu niệm, trưng bày được ví như một bảo tàng thu nhỏ. Đây cũng chính là thiết chế đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân. Từ đây, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, từ đó nâng cao chất lượng các phong trào “Xây dựng gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, tạo môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú và giàu bản sắc dân tộc, góp phần giữ gìn và phát huy những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc đối với thế hệ sau.

Bài và ảnh: Nguyễn Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]