(Baothanhhoa.vn) - Với tốc độ và nhu cầu phát triển xã hội hiện nay, có thể thấy, học nghề đang được xem là một trong những lựa chọn tốt, bởi khi hiểu đúng để lựa chọn ngành, nghề học phù hợp với năng lực bản thân cũng như nhu cầu của xã hội, đó sẽ là con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Giáo dục nghề nghiệp: Chuyện của những người trong cuộc

Với tốc độ và nhu cầu phát triển xã hội hiện nay, có thể thấy, học nghề đang được xem là một trong những lựa chọn tốt, bởi khi hiểu đúng để lựa chọn ngành, nghề học phù hợp với năng lực bản thân cũng như nhu cầu của xã hội, đó sẽ là con đường ngắn nhất để dẫn đến thành công.

Giáo dục nghề nghiệp: Chuyện của những người trong cuộcGiờ thực hành của học viên Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: P.S

Xét thấy năng lực và kinh tế gia đình khó khăn nên Hà Trọng Thu, xã Xuân Khang (Như Thanh) đã quyết định đăng ký học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa. Anh Thu chia sẻ: “Tôi đã suy nghĩ, đắn đo nhiều. Nếu học đại học phải mất 4 đến 5 năm với chi phí học tập không nhỏ, nhưng nếu học cao đẳng chỉ 3 năm là có thể tốt nghiệp, đi làm có thu nhập lo cho bản thân, phụ giúp gia đình. Vì vậy, năm 2012 sau khi tốt nghiệp THPT, tôi quyết định đăng ký học chuyên ngành công nghệ ô tô tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa. Trong quá trình học, ngoài giờ học chính khóa, tôi còn đi làm thêm để có thêm thu nhập cũng như nâng cao kỹ năng tay nghề. Đây cũng là một trong những lý do để tôi chọn học nghề thay vì đi học đại học”. Nhờ đi làm thêm bên ngoài, học hỏi kinh nghiệm từ thực tế nên sau khi tốt nghiệp ra trường anh Thu đã là thợ “cứng tay” được các gara ô tô tiếp nhận khi xin việc. Sau 3 năm làm công ăn lương, năm 2019, anh Thu quyết định thuê mặt bằng tại TP Thanh Hóa đầu tư và mở gara sửa chữa ô tô riêng. Quyết định này không chỉ nâng cao thu nhập cho gia đình mà còn tạo việc làm ổn định cho 5 lao động với mức lương 10 triệu đồng/người/tháng.

Cũng như Hà Trọng Thu, thay vì học đại học, anh Lê Tuấn Anh, xã Tân Ninh (Triệu Sơn) đã lựa chọn con đường học nghề để lập nghiệp. Và, đến nay, sau 10 năm đưa ra quyết định về con đường sự nghiệp của mình, Tuấn Anh cho rằng, đó là sự lựa chọn đúng đắn. Năm 2010, Tuấn Anh đăng ký học chuyên ngành Nhiệt lạnh, Khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng Nghề Công nghiệp Thanh Hóa. Sau 3 năm nỗ lực học tập trên giảng đường cũng như từ những buổi đi làm thêm ở các cơ sở sửa chữa điện lạnh, năm 2013, Tuấn Anh tốt nghiệp ra trường với tấm bằng loại ưu. Có tay nghề vững vàng ngay sau khi tốt nghiệp, Tuấn Anh đã đầu tư mở cửa hàng sửa chữa và kinh doanh mặt hàng điện lạnh. Từ kết quả ban đầu, năm 2015, Tuấn Anh quyết định thành lập Công ty TNHH Vật tư cơ điện lạnh Anh Tuấn chuyên lắp đặt điều hòa không khí và thông gió do anh làm chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc. Sau 5 năm đi vào hoạt động, hiện công ty của Tuấn Anh đang tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 80 lao động phổ thông và 22 lao động kỹ thuật. Lê Tuấn Anh chia sẻ: “Con đường vào đại học chưa phải là duy nhất để có thể lập nghiệp, học nghề với nhiều người sẽ là con đường ngắn nhất để thành công. Với tôi, có được kết quả như ngày hôm nay đó là sự nỗ lực của bản thân, là sự hỗ trợ và giúp đỡ rất lớn từ các thầy, cô giáo ở trường nghề. Ngay cả đến khi ra trường các thầy, cô vẫn luôn sát cánh hỗ trợ tôi trong lập nghiệp”.

Có thể thấy, hiện nay, nhiều học sinh và phụ huynh đã có những hiểu biết tích cực về giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Việc lựa chọn đi học đại học hay học nghề không còn là “bài toán” khó đối với cả phụ huynh và học sinh. Chị Nguyễn Thị Thủy, xã Hoằng Đồng (Hoằng Hóa) cho hay: “Thấy cháu thích học nghề nên sau khi tốt nghiệp THCS tôi đã định hướng cho cháu vừa học văn hóa, vừa học nghề ở trường nghề để sau này có thể tham gia thị trường lao động, lập nghiệp sớm nhất”. Thực tế trên cũng cho thấy, quan điểm, mục tiêu vào đại học của học sinh không còn trong tiềm thức của nhiều bậc phụ huynh. Hiện nay, nhiều trung tâm đào tạo nghề được xem là lựa chọn hợp lý và hiệu quả không hề thua kém các trường đào tạo nghiên cứu. Theo thống kê của ngành chức năng, có khoảng trên 80% học viên được đào tạo từ các cơ sở GDNN trên địa bàn ra trường có việc làm ngay. Trong đó, có những nghề 100% học viên ra trường có việc làm như, nghề hàn, cắt gọt kim loại, may và thiết kế thời trang...

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế tại một số trường nghề cho thấy, không ít học sinh và phụ huynh vẫn chưa mặn mà với việc học nghề, vẫn còn tư tưởng “sính bằng cấp”. Một bộ phận học sinh, sinh viên tham gia học nghề nhưng chưa xác định rõ động cơ học tập và định hướng nghề nghiệp của mình nên đã bỏ học giữa chừng... Theo chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa, ở các cơ sở GDNN trong tỉnh, hằng năm có khoảng 20% học viên bỏ học giữa chừng vì nhiều lý do khác nhau như, thiếu niềm đam mê với nghề, chưa xác định được mục tiêu khi học nghề, kinh tế gia đình khó khăn... Tại Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa con số này là từ 10-15% mỗi năm. Trong khi vẫn còn nhiều phụ huynh, học sinh chưa mặn mà với học nghề, nhiều cán bộ quản lý và cả những học viên đang theo học ở các cơ sở GDNN lại cho rằng, hầu hết trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là trong thời kỳ công nghệ 4.0. Thầy giáo Nguyễn Anh Quyết, Trưởng Khoa may - thiết kế thời trang, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa cho hay: “Trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo đã được quan tâm đầu tư, nhưng vẫn thiếu đồng bộ, nhất là trang thiết bị hiện đại. Nếu tính theo xu thế hiện nay, trang thiết bị của nhà trường mới chỉ đáp ứng ở mức trung bình khá đến khá. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác và chất lượng đào tạo”. Một cựu sinh viên Khoa Điện tử - Điện lạnh, Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Thanh Hóa chia sẻ: “Nếu muốn nâng cao kỹ năng nghề nghiệp để có thể lập nghiệp sau khi ra trường bắt buộc người học phải tìm đến các cơ sở, công ty, doanh nghiệp ngoài nhà trường thực hành, vì nhiều trang thiết bị thực hành trong trường chưa đáp ứng được yêu cầu”. Được biết, dù phải thực hành trên các máy móc, trang thiết bị thiếu đồng bộ, song, các học viên vẫn quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng. Cảm hứng và đam mê chính là sức mạnh giúp các em vượt qua mọi trở ngại để trở nên thạo nghề.

Từ phía doanh nghiệp sử dụng lao động, ông Trịnh Quốc Tuấn, Trưởng Phòng Tổ chức, Công ty CP Cơ khí và Xây lắp Sông Chu đánh giá, chất lượng đào tạo hiện nay về cơ bản đã có sự chuyển biến tích cực, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp đặt ra như, tác phong làm việc, trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 1/3 số lao động khi doanh nghiệp tiếp nhận phải kèm cặp và đào tạo lại, bởi nhiều tiêu chí, kỹ năng doanh nghiệp đặt ra học viên mới tốt nghiệp ra trường chưa thể đáp ứng được. Đặc biệt, hiện nay, các cơ sở GDNN trong tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo lao động có tay nghề ở một số bộ phận như, thợ tiện, thợ rèn, thợ lắp máy...

Vẫn biết, GDNN trong cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có nhiều cố gắng, ngành chức năng, các cơ sở giáo dục đã triển khai đồng bộ các giải pháp để đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo và đạt được những kết quả tích cực; phần lớn phụ huynh, học sinh cũng đã có cái nhìn tích cực về công tác đào tạo nghề. Thế nhưng, từ chia sẻ của những người trong cuộc, hy vọng, trong thời gian tới, công tác GDNN trên địa bàn tỉnh sẽ từng bước được đổi mới, tạo đột phá về mọi mặt, đóng góp xứng đáng vào công cuộc CNH, HĐH quê hương, đất nước.

Phong Sắc


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]