(Baothanhhoa.vn) - Điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới là được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Chương trình giáo dục phổ thông mới và những thay đổi căn bản

Điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông mới là được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng.

Chương trình giáo dục phổ thông mới và những thay đổi căn bản

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Hoằng Minh (Hoằng Hóa) trong giờ ra chơi. Ảnh: Lê phong

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) sẽ bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021 trên phạm vi toàn quốc. Với nhiều thay đổi so với chương trình giáo dục hiện hành, chương trình GDPTM đáp ứng yêu cầu xây dựng và chuẩn hóa nội dung giáo dục phổ thông theo hướng hiện đại, tinh gọn, bảo đảm chất lượng, tích hợp cao ở các lớp học dưới và phân hóa dần ở các lớp học trên; giảm số môn học bắt buộc; tăng môn học, chủ đề và hoạt động giáo dục tự chọn...

Chương trình GDPTM bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình được chia thành hai giai đoạn: Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9) và giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12). Giai đoạn giáo dục cơ bản nhằm trang bị cho học sinh tri thức, kỹ năng nền tảng; hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội trong tương lai. Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp nhằm phát triển năng lực theo sở trường, nguyện vọng của từng học sinh, bảo đảm học sinh tiếp cận nghề nghiệp, chuẩn bị cho giai đoạn học sau giáo dục phổ thông có chất lượng hoặc tham gia cuộc sống lao động. Trong giai đoạn này bên cạnh một số môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh được lựa chọn những môn học và chuyên đề học tập phù hợp với sở thích, năng lực và định hướng nghề nghiệp của mình. Chương trình GDPTM áp dụng 6 biện pháp “giảm tải”, gồm: Giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học, giảm kiến thức kinh viện, tăng cường dạy học phân hóa, tự chọn, thực hiện phương pháp dạy học mới và đổi mới việc đánh giá kết quả giáo dục. Riêng về môn học, theo chương trình mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và 5 có 11 môn học. Chương trình mới của các lớp THCS đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và 7 có 16 môn học, lớp 8 và 9 có 17 môn học. Đối với các lớp THPT chương trình mới cũng đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành lớp 10 và 11 có 16 môn học, lớp 12 có 17 môn học.

Điểm mới của chương trình GDPTM là được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Chương trình chú ý đến tính kết nối giữa chương trình các lớp học, cấp học, từng môn học và giữa chương trình của các môn học trong từng lớp học, cấp học; bảo đảm định hướng thống nhất và những nội dung cốt lõi, bắt buộc đối với học sinh toàn quốc, đồng thời trao quyết định chủ động và trách nhiệm cho địa phương, các nhà trường trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch với đối tượng giáo dục, điều kiện các địa phương, cơ sở giáo dục. Thực hiện chương trình, cấp tiểu học sẽ dạy 2 buổi/ngày, cấp THCS và THPT thực hiện dạy 1 buổi/ngày. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Khuyến khích các trường THCS, THPT đủ điều kiện thực hiện dạy 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT...

Nhằm triển khai hiệu quả chương trình GDPTM, Bộ GD&ĐT đã tham mưu để Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 18-6-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; đồng thời tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ cán bộ, giáo viên. Trên cơ sở đó, cùng với công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, giáo viên, các tầng lớp nhân dân về nội dung, ý nghĩa chương trình GDPTM, ngành giáo dục Thanh Hóa xác định, đội ngũ nhà giáo là một trong những yếu tố cốt lõi để thực hiện hiệu quả chương trình GDPTM. Theo đó, ngành đã tập trung rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện bố trí, sắp xếp cán bộ, giáo viên bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Bên cạnh đó, ngành chỉ đạo các đơn vị rà soát quy mô, mạng lưới trường lớp, trang thiết bị phục vụ dạy học, xác định nội dung ưu tiên trong xây dựng kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nâng cao hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, đáp ứng điều kiện và bảo đảm lộ trình thực hiện chương trình GDPTM. Ngoài ra, ngành không ngừng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy, học; hoàn thiện cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đồng bộ, đạt chuẩn. Đồng thời, mở rộng hợp tác quốc tế, vận dụng có chọn lọc kinh nghiệm từ các mô hình giáo dục tiên tiến và bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo...

Chương trình GDPTM ra đời là cần thiết, là phù hợp với xu thế hiện nay, thế nhưng, để phát huy tính ưu việt của chương trình cùng với sự chuẩn bị chu đáo các nguồn lực của ngành giáo dục, nhất là sự đổi mới tư duy, phương pháp của đội ngũ nhà giáo cần sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội, đúng như ý kiến của đồng chí Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện chương trình GDPTM mới đây: Sự nghiệp đổi mới giáo dục là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, vì vậy, cùng với tâm thế sẵn sàng của ngành giáo dục cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp, các ngành, các địa phương. Việc đổi mới thành công hay không phụ thuộc nhiều vào đội ngũ giáo viên, do đó, các địa phương cần quan tâm tạo dựng môi trường, điều kiện tốt nhất để các thầy, cô giáo đổi mới, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Bài và ảnh: PS


Bài Và Ảnh: PS

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]