(Baothanhhoa.vn) - Đó là nội dung một buổi ngoại khóa mà Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu Thanh Hóa đã tổ chức cho các học viên của mình ở Nông trại Bò vàng (Nông trại Golden Cow) thuộc xã Lương Sơn (Thường Xuân).

Tin liên quan

Đọc nhiều

Từ một hoạt động ngoại khóa, nghĩ về du lịch nông nghiệp

Đó là nội dung một buổi ngoại khóa mà Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu Thanh Hóa đã tổ chức cho các học viên của mình ở Nông trại Bò vàng (Nông trại Golden Cow) thuộc xã Lương Sơn (Thường Xuân).

Các học viên của Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu hào hứng với chuyến đi trải nghiệm thực tế “Một ngày làm nông dân” tại Nông trại Bò vàng (xã Lương Sơn, Thường Xuân).

Một ngày làm nông dân

Đó là nội dung một buổi ngoại khóa mà Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu Thanh Hóa đã tổ chức cho các học viên của mình ở Nông trại Bò vàng (Nông trại Golden Cow) thuộc xã Lương Sơn (Thường Xuân). Tại đây, các học viên được hòa mình vào thiên nhiên trong không gian giải trí thoáng đãng, trong lành và được trực tiếp tham gia nhiều trải nghiệm thú vị với các công việc thường ngày của một người nông dân. Dù hoạt động “một ngày làm nông dân” đã kết thúc, em Nguyễn Thảo Nguyên (10 tuổi, học viên của Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu) vẫn không giấu nổi sự hào hứng trong từng lời chia sẻ: “Chuyến đi thực tế đến nông trại bò vàng là một trong những kỷ niệm vui, đáng nhớ nhất của em. Ở đây, chúng em không những được ngắm cảnh thiên nhiên tươi đẹp, được chơi các trò chơi giải trí mà còn được tự làm các công việc của một người nông dân thực thụ như: Cho bò ăn, trồng cây, nướng thịt trên bãi cỏ... Khi được tự làm những công việc đó, chúng em cảm thấy hiểu và yêu mến các bác nông dân nhiều hơn”.

Cùng tham gia hoạt động ngoại khóa “một ngày làm nông dân” do trung tâm tổ chức, em Dương Bảo Khánh (10 tuổi) bắt đầu câu chuyện trong một tâm trạng hào hứng, vui vẻ: Thi thoảng em cũng được bố mẹ cho về quê thăm ông bà, nhưng đối với em cảnh sắc vùng nông thôn và các hoạt động sản xuất nông nghiệp vẫn là những điều rất mới mẻ, thu hút.

Nói về nhu cầu tham quan, trải nghiệm các dịch vụ du lịch nông nghiệp như hoạt động ngoại khóa “một ngày làm nông dân” vừa qua tại trung tâm, chị Lê Thị Yến, Giám đốc Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu cho biết: “Ngoài hoạt động đào tạo tiếng Anh cho các học viên, Trung tâm Anh ngữ Ocean Edu luôn chú trọng đến công tác bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng mềm cho học viên thông qua các hoạt động ngoại khóa, đặc biệt là các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm du lịch nông nghiệp. Phần lớn các học viên đều thích và đều có mong muốn được tiếp tục tham gia các buổi ngoại khóa như thế. Ngay cả phụ huynh học viên cũng rất ủng hộ, khuyến khích con em mình tham gia”. Tuy nhiên, một thực tế được chị Lê Thị Yến chia sẻ: “Nhu cầu thì chúng tôi luôn có nhưng các điểm du lịch nông nghiệp ở tỉnh Thanh Hóa còn hạn chế, ít có sự lựa chọn. Các điểm du lịch còn có sự trùng lặp nhau trong mô hình, cách thức tổ chức dịch vụ nên thiếu sự đa dạng, phong phú làm nên nét riêng biệt”.

Tiềm năng còn bỏ ngỏ

Trên thực tế, du lịch nông nghiệp là một loại hình du lịch tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ du khách dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp với hệ thống tài nguyên bao gồm tất cả những gì phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Tại hội thảo “Định hướng phát triển du lịch nông nghiệp từ góc độ sản phẩm và thị trường” được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Qúy Phương, Vụ trưởng Vụ lữ hành Tổng cục Du lịch Việt Nam đã có những nhận định tổng quan về phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam hiện nay, trong đó khẳng định du lịch và nông nghiệp là hai ngành mũi nhọn được Đảng và Nhà nước xác định ưu tiên phát triển trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều năm qua, hoạt động du lịch nông nghiệp đã được khai thác mạnh mẽ ở nhiều địa phương, tạo thành những sản phẩm du lịch chủ đạo trong việc thu hút khách, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc thù văn hóa nông nghiệp các vùng miền trải dài từ Bắc tới Nam đã được hình thành. Một số chương trình đã trở thành thương hiệu với khả năng thu hút khách hàng trong nước và quốc tế.

Với thế mạnh của một tỉnh mà lịch sử đã gắn chặt với các hoạt động sản xuất nông nghiệp, du lịch nông nghiệp hoàn toàn có đủ điều kiện để trở thành một hướng đi hiệu quả, mang tính bền vững của du lịch xứ Thanh. Đặc biệt là việc phát triển du lịch nông nghiệp trên cơ sở kết hợp các mô hình dịch vụ: Mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với tìm hiểu lịch sử, văn hóa; du lịch trải nghiệm đồng quê kết hợp với làng nghề truyền thống như: Đúc đồng ở xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa), chạm khắc đá Nhồi (phường An Hoạch, TP Thanh Hóa)... du lịch trải nghiệm đồng quê gắn với lao động, sản xuất...

Tiềm năng là thế, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, loại hình du lịch nông nghiệp của tỉnh Thanh Hóa mới chỉ dừng lại ở những bước đi chập chững ban đầu, mang tính tự phát, nhỏ lẻ, thiếu sự đầu tư quy mô, bài bản. Các sản phẩm nông nghiệp làm ra còn mang tính chất đại trà, chung chung, chưa làm nổi bật được những nét đặc sắc văn hóa vùng miền riêng biệt vốn là yếu tố quan trọng trong việc phát triển thương hiệu và quảng bá hình ảnh. Không chỉ thiếu các sản phẩm du lịch nông nghiệp đủ sức hấp dẫn du khách mà vấn đề thiếu đội ngũ nhân lực chất lượng cũng là một trong những rào cản lớn đối với sự phát triển của loại hình du lịch này. Những người nông dân chân chất, thật thà tuy là người trực tiếp tạo ra các sản phẩm nông nghiệp nhưng thiếu các kỹ năng, điều kiện cơ bản để biến các sản phẩm đó thành sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, du lịch nông nghiệp xứ Thanh chưa tạo được tính liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp lữ hành và các tuyến điểm; công tác truyền thông còn hạn chế nên du khách bị hạn chế trong việc tìm hiểu, nắm bắt thông tin cũng như khó khăn trong việc lựa chọn điểm đến.

Mọi dạng tiềm năng khi vẫn còn bị bỏ ngỏ đều là sự lãng phí đáng tiếc, nhất là trong giai đoạn tỉnh Thanh Hóa chúng ta đang quyết tâm tranh thủ mọi nguồn lực cho sự phát triển về mọi mặt. Để tiềm năng du lịch nông nghiệp xứ Thanh “cất cánh”, vấn đề quan trọng nhất là phải xây dựng thành công, có hiệu quả mô hình du lịch với sự tham gia chặt chẽ, tương hỗ lẫn nhau giữa những người trực tiếp tạo ra sản phẩm nông nghiệp, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý hoạt động nông nghiệp – văn hóa - du lịch – thương mại. Trong mối quan hệ đa chiều này, tính chủ động phải được đặt lên hàng đầu. Cùng với đó, các đề án phát triển du lịch nông nghiệp cần được gắn kết, bám sát quy hoạch nông thôn mới với các chính sách phát triển theo chương trình “mỗi làng một sản phẩm”; đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ đầu tư, vay vốn... Có như vậy, du lịch nông nghiệp xứ Thanh mới thực sự phát huy được tiềm năng vốn có, mang lại những hiệu quả to lớn trong việc tăng giá trị nông sản, đưa người nông dân thoát khỏi tình trạng phải kêu gọi “giải cứu” nông sản trước quy luật nghiệt ngã “được mùa mất giá” của thị trường như hiện nay. Ở tầm vĩ mô hơn, sự phát triển của du lịch nông nghiệp xứ Thanh còn tạo động lực cho sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động; góp phần giải bài toán khó “ly nông bất ly hương”. Sự phát triển của loại hình du lịch này làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch của tỉnh nhà, tạo đà để phát triển du lịch theo hướng bền vững, hướng đến cộng đồng và bảo tồn được các giá trị văn hóa truyền thống.


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]