(Baothanhhoa.vn) - Trùng tu, tôn tạo nhằm phục hồi và bảo vệ giá trị các di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, khi văn hóa đang được nhấn mạnh như một trụ cột quan trọng cho phát triển bền vững. Cũng vì lẽ đó, quan điểm trùng tu gắn với phát huy giá trị di sản đang trở thành một “mệnh đề” trong việc biến các di sản vật thể ấy thực sự trở thành những “di sản sống”...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Trùng tu, tôn tạo di tích gắn với phát triển du lịch

Trùng tu, tôn tạo nhằm phục hồi và bảo vệ giá trị các di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, khi văn hóa đang được nhấn mạnh như một trụ cột quan trọng cho phát triển bền vững. Cũng vì lẽ đó, quan điểm trùng tu gắn với phát huy giá trị di sản đang trở thành một “mệnh đề” trong việc biến các di sản vật thể ấy thực sự trở thành những “di sản sống”...

Chùa Vĩnh Thái (xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống).

Từ trùng tu, tôn tạo...

Với mật độ dày đặc các di tích (1.535 di tích) và được phân bố ở khắp các vùng miền trong tỉnh, có thể nói, Thanh Hóa đang sở hữu một kho tàng văn hóa vật thể tương đối đồ sộ và giàu giá trị. Để gìn giữ và từng bước phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế đặc biệt này phục vụ cho phát triển, những năm qua tỉnh ta luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích, di sản. Việc huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, tôn tạo đạt nhiều kết quả tích cực, với trên 2.000 tỷ đồng đầu tư phục hồi, chống xuống cấp cho trên 500 lượt di tích. Qua đó, nhiều di tích, di sản có giá trị nổi bật như Di tích lịch sử Lam Kinh, Di sản văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích lịch sử đền Bà Triệu, hang Con Moong... đã được trùng tu, tôn tạo. Công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng, kiểm kê, lập quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ di tích đã từng bước được chú trọng; nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, khai quật khảo cổ cũng được đẩy mạnh tại Thành Nhà Hồ, hang Con Moong... Ngoài ra, nhiều lễ hội và loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc gắn với các di sản cũng được phục dựng thành công và tổ chức thường niên, đảm bảo thuần phong mỹ tục, như lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Bà Triệu, trò diễn Xuân Phả, các điệu múa dân gian...

Nhắc đến ”vùng văn hóa” Thọ Xuân nhiều người sẽ liên tưởng ngay đến Lam Kinh – kinh đô tưởng niệm nhà Hậu Lê. Điều này âu cũng là hợp lẽ khi Lam Kinh không chỉ là một trong những đại diện tiêu biểu cho văn hóa xứ Thanh; mà tầm vóc, giá trị của di sản đặc biệt này còn có khả năng đại diện cho văn hóa dân tộc, ở một trong những giai đoạn lịch sử rực rỡ nhất. Với giá trị to lớn và không thể thay thế của di sản, kể từ năm 1994, Lam Kinh đã được Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục công trình như đền thờ vua Lê Thái tổ, các khu lăng mộ, 5 tòa thái miếu (tòa số 3, 4, 5, 6, 7), đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai, Nghi Môn, sân Rồng, hồ Tây, cầu Bạch, giếng Ngọc... và gần đây là Chính điện Lam Kinh vừa được khánh thành năm 2017 đúng dịp lễ hội Lam Kinh. Với tổng kinh phí đầu tư trên 471 tỷ đồng, có thể nói, Lam Kinh từ một phế tích đã dần được trả lại diện mạo như cách đây gần 600 năm. Ngoài ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh cũng tích cực kêu gọi các doanh nghiệp đóng góp công sức, tiền của lên đến hàng chục tỷ đồng để phục dựng Nghi môn và đường vào đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai. Ngoài ra, tỉnh cũng tích cực đôn đốc các địa phương trong khu vực trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng của di tích theo quy hoạch đã được phê duyệt. Đồng thời, chú trọng việc bổ sung hiện vật trưng bày và giới thiệu về các điểm đến trong di tích.

Cũng trên địa bàn huyện Thọ Xuân, sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến di tích Đền thờ Lê Hoàn (xã Xuân Lập). Tương truyền, khi vua Lê Đại Hành mất (năm 1005), nhân dân làng Trung Lập đã lập một miếu nhỏ để thờ vua, ngay trên mảnh đất xưa kia là túp lều tranh nơi vua và mẹ từng sống. Đến đầu thời Lý, vua Lý Thái tổ cho xây dựng đền thờ theo hình chữ Công. Trải qua hưng vong của nhiều triều đại, nhưng ngôi đền vẫn được nhân dân bảo vệ, tôn tạo tương đối nguyên vẹn cho đến tận ngày nay. Đền thờ Lê Hoàn hiện còn lưu giữ 14 đạo sắc phong của các triều đại; 2 tấm bia đá ghi ruộng thờ cúng ở đền thờ vua và ghi thân thế sự nghiệp vua; cùng nhiều hiện vật quý khác. Đây được xem là công trình kiến trúc văn hóa nghệ thuật cổ và độc đáo bậc nhất ở xứ Thanh hiện nay. Được Bộ Văn hóa - Thông tin nay là Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1990, từ đó, đền thờ và các di tích liên quan đã được các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện quan tâm đầu tư kinh phí và huy động các nguồn xã hội hóa để thực hiện trùng tu, tôn tạo. Trong đó, đền thờ Lê Hoàn được ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 9,1 tỷ đồng để tôn tạo đền thờ chính, nhà bia và hơn 600 triệu đồng được huy động từ các nguồn xã hội hóa để tu bổ cổng, tường rào chính điện. Ngoài ra, thông qua kêu gọi xã hội hóa với nguồn kinh phí trên 3 tỷ đồng, các di tích lăng Quốc Mẫu, lăng Hoàng Khảo, nền Sinh Thánh, lăng Lê Đột cũng được tu bổ, tôn tạo lại.

...

Có thể nói, những kết quả đạt được trong công tác trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn tỉnh ta những năm qua là tương đối rõ nét. Tuy nhiên, với khoảng 822 di tích được xếp hạng các cấp, mà nhiều di tích trong số đó đang ở tình trạng xuống cấp hoặc có nguy cơ xuống cấp và cần được tu bổ, tôn tạo khẩn cấp, thì khó khăn đặt ra trong công tác này là rất lớn. Đó là nguồn kinh phí dành cho tu bổ, tôn tạo, phục hồi các di sản văn hóa còn hạn hẹp; trong khi, việc xã hội hóa và bảo đảm giá trị gốc của di sản trong quá trình trùng tu, tôn tạo, hiện còn gặp nhiều khó khăn. Cùng với đó, việc hài hòa mối quan hệ giữa gìn giữ và khai thác, phát huy giá trị di sản có lúc, có nơi vẫn chưa đồng nhất quan điểm. Đó là chưa kể, quá trình trùng tu, tôn tạo ở nhiều di tích chưa được giám sát chặt chẽ, đã và đang làm ảnh hưởng đến giá trị và tính nguyên bản của di tích...

... đến phát huy giá trị

Trùng tu, tôn tạo nhằm phục hồi và bảo vệ giá trị các di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay là hết sức cần thiết, khi văn hóa đang được nhấn mạnh như một trụ cột quan trọng cho phát triển bền vững. Cũng vì lẽ đó, quan điểm trùng tu gắn với phát huy giá trị di sản đang trở thành một “mệnh đề” trong việc biến các di sản vật thể ấy thực sự trở thành những “di sản sống”. Bởi, di sản không chỉ góp phần làm phong phú, giàu có kho tàng văn hóa truyền thống, mà còn góp phần phát triển kinh tế nhờ nguồn thu nó mang lại. Và, đây là lúc cho du lịch lên tiếng, khi loại hình dịch vụ đặc biệt này đang được xem là con đường gần nhất và nhanh nhất đưa du khách đến với di sản. Nắm bắt được các lợi thế sẵn có, những năm gần đây, Thanh Hóa đang chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh như một trong những sản phẩm thế mạnh, có khả năng bổ trợ đắc lực cho sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển vốn được xác định là mũi nhọn. Trong đó phải kể đến sản phẩm tham quan, nghiên cứu lịch sử, văn hóa tại Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, quần thể di tích văn hóa Hàm Rồng, đền Bà Triệu, đền thờ Lê Hoàn...; sản phẩm du lịch lễ hội tín ngưỡng tâm linh gắn với các di tích...

Có thể nói, việc xây dựng các sản phẩm du lịch từ vốn di sản văn hóa phong phú, không chỉ góp phần tạo dựng thương hiệu, mà còn từng bước tạo nên sự khác biệt và hấp dẫn cho du lịch Thanh Hóa. Tuy nhiên, cũng như việc trùng tu, tôn tạo các di tích, việc khai thác giá trị các di sản phục vụ phát triển du lịch hiện cũng đang gặp không ít khó khăn. Trong đó, không thể không kể đến công tác quản lý và khai thác các di sản văn hóa với tư cách là tài nguyên du lịch, hiện vẫn còn chồng chéo giữa các cấp, các ngành, các địa phương. Đồng thời, công tác phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, các đơn vị, doanh nghiệp du lịch cũng chưa thật chặt chẽ, dẫn đến hiệu quả khai thác chưa cao. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch các khu di tích cấp quốc gia còn thiếu sự gắn kết để phát triển du lịch. Đó là chưa kể đến sự tác động của điều kiện tự nhiên (thời tiết, khí hậu) và quá trình khai thác của con người (lượng khách tham quan) đã tạo nên những tác động cơ học, hóa học làm ảnh hưởng đến di vật, di tích. Ngoài ra, một trong những cái khó cơ bản nhất vẫn là kinh phí đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất du lịch tại các khu, điểm du lịch văn hóa – lịch sử, văn hóa – tâm linh hiện nay.

Có thể đơn cử như Thành Nhà Hồ, một trong những di sản được đánh giá cao về lợi thế và tiềm năng phát triển du lịch của Thanh Hóa. Sau quá trình xây dựng và đề cử thành công hồ sơ khoa học, Di sản Thành Nhà Hồ đã nhận được nhiều sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh trong việc nghiên cứu, bảo tồn thông qua các dự án quy hoạch tổng thể và chi tiết di sản; nghiên cứu khai quật vùng đề cử di sản; tu bổ tôn tạo cấp thiết Đàn Nam Giao; tu bổ tôn tạo di tích Giếng Vua; khai quật và xây dựng nhà trưng bày ngoài trời công trường khai thác đá cổ An Tôn; xây dựng nhà trưng bày bảo quản hiện vật bổ sung Di sản Thành Nhà Hồ; xây dựng khu tưởng niệm các vua Hồ tại Đàn Nam Giao; đầu tư xây dựng và nâng cấp các tuyến đường giao thông dẫn vào các di tích và phục vụ khách tham quan Thành Nhà Hồ; xây dựng các biển quảng bá tấm lớn về di sản trên các tuyến quốc lộ... Mặc dù vậy, để trở thành một sản phẩm du lịch hoàn thiện và hấp dẫn thì di sản này đang còn rất nhiều việc phải làm. Trong khi đó, ngân sách địa phương hạn chế, nguồn vốn Trung ương theo chương trình mục tiêu quốc gia chưa được quan tâm đầu tư, các nguồn hỗ trợ từ UNESCO và các tổ chức phi chính phủ chưa có, các dự án, đề án được cấp vốn chậm hoặc chưa được cấp vốn... Tất cả đang gây nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện tổng thể, đồng bộ và hiệu quả các kế hoạch, chương trình đã được đề ra đối với di sản, trong đó có việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch.

Là một sản phẩm có thế mạnh, song tính đến nay, lượng khách đến các điểm du lịch văn hóa, tâm linh ở tỉnh ta chưa nhiều (năm 2017 đạt 1,4 triệu lượt khách, chiếm khoảng 20% tổng lượt khách) và chủ yếu tập trung ở các thời điểm lễ hội và Tết Nguyên đán. Trong khi đó, mức chi tiêu của du khách là khá thấp (doanh thu từ du lịch văn hóa tâm linh năm 2017 khoảng 800 tỷ đồng, chiếm 10% tổng doanh thu du lịch). Đặc biệt, một “điểm yếu” của sản phẩm du lịch này là sự đơn điệu, thiếu hấp dẫn. Các hoạt động du lịch tại Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, đền Bà Triệu, Hàm Rồng... chủ yếu là tham quan vãn cảnh, tìm hiểu di sản, thời gian kéo dài trung bình 2-4 tiếng. Hầu hết các điểm đến đều thiếu các trải nghiệm tái hiện lịch sử, văn hóa và cuộc sống cổ xưa gắn với di tích. Đồng thời, các dịch vụ bổ trợ phục vụ khách du lịch như lưu trú, ăn uống, mua sắm hàng lưu niệm, đồ thủ công mỹ nghệ còn thiếu và chất lượng chưa cao. Thực trạng trên đã dẫn đến thời gian lưu trú của khách thường rất ngắn, chi trả các dịch vụ bổ trợ thấp, chưa tạo được sức hấp dẫn để khách quay trở lại nhiều lần. Bên cạnh đó, chất lượng thuyết minh tại các khu, điểm di tích chưa đáp ứng yêu cầu; nội dung và cách thức thuyết minh chưa sinh động và chưa đủ sức lay động lòng người. Ngoài ra, các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh ở tỉnh ta chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các sản phẩm tương đồng, nhưng đa dạng và hấp dẫn hơn trong khu vực, như Bái Đính (Ninh Bình), Cố đô Huế...

Đành rằng, để hoàn thiện một sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh là không đơn giản; bởi việc trùng tu, tôn tạo một di tích vốn dĩ là nhiệm vụ hết sức kỳ công, phức tạp và cần nhiều thời gian. Tuy nhiên, với những di sản nổi bật, đã, đang và sẽ tiếp tục được đầu tư trùng tu, tôn tạo; thiết nghĩ, cần phải đặt vấn đề phát huy giá trị các di sản ấy gắn với phát triển du lịch một cách nghiêm túc, bài bản thì mới có nhiều hy vọng khả quan về kết quả.


Bài và ảnh: Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]