(Baothanhhoa.vn) - Thành phố Thanh Hóa nằm trên vùng đất cổ, nơi dòng sông Mã vắt qua những vỉa tầng văn hóa, được bồi đắp từ thời Hùng Vương dựng nước. Cho đến tận ngày nay, thành phố Chim Hạc vẫn luôn tự hào là một cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn, với nhiều dấu vết còn in hằn trên các di tích và hiện vật vô giá được tìm thấy tại làng cổ Đông Sơn. Để rồi, làng cổ Đông Sơn cũng là điểm đến đầu tiên trên hành trình khám phá những điểm đến văn hóa – tâm linh của thành phố.

Tin liên quan

Đọc nhiều

TP Thanh Hóa: Điểm đến văn hóa - tâm linh hấp dẫn

Thành phố Thanh Hóa nằm trên vùng đất cổ, nơi dòng sông Mã vắt qua những vỉa tầng văn hóa, được bồi đắp từ thời Hùng Vương dựng nước. Cho đến tận ngày nay, thành phố Chim Hạc vẫn luôn tự hào là một cái nôi của nền văn hóa Đông Sơn, với nhiều dấu vết còn in hằn trên các di tích và hiện vật vô giá được tìm thấy tại làng cổ Đông Sơn. Để rồi, làng cổ Đông Sơn cũng là điểm đến đầu tiên trên hành trình khám phá những điểm đến văn hóa – tâm linh của thành phố.

TP Thanh Hóa: Điểm đến văn hóa - tâm linh hấp dẫn

Du khách đến tham quan Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng.

Được xem là 1 trong 10 ngôi làng cổ đẹp nhất Việt Nam, làng cổ Đông Sơn có đủ 5 loại hình di tích, gồm di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến, danh lam thắng cảnh và kiến trúc truyền thống. Nổi bật trong đó phải kể đến giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi và 13 ngôi nhà cổ. Đặc biệt, làng cổ Đông Sơn còn nằm trong một quần thể danh thắng nổi tiếng của thành phố.

Quần thể này đã được xây dựng quy hoạch chi tiết, dưới tên gọi Khu du lịch văn hoá Hàm Rồng, bao gồm làng cổ Đông Sơn, cầu Hàm Rồng, núi Ngọc, sông Mã, động Tiên Sơn, động Long Quang, hồ Kim Quy, đồi C4, núi “Quyết Thắng”, Đền thờ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các Anh hùng liệt sĩ,Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng... Khu du lịch văn hoá Hàm Rồng đang được đầu tư xây dựng thành quần thể du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch văn hoá lịch sử, du lịch nhân văn, du lịch cắm trại - vui chơi giải trí trọng điểm của thành phố. Vùng danh thắng Hàm Rồng đã nổi tiếng trong thơ ca, văn chương và lịch sử, nhờ vẻ đẹp tự nhiên cùng những chiến công vang dội trong kháng chiến chống Mỹ. Nhờ đó, Hàm Rồng trở thành cái tên tiêu biểu và nổi bật nhất khi nói về vẻ đẹp của thành phố bên bờ sông Mã.

Trên mảnh đất cổ này còn in đậm dấu ấn vương triều Nguyễn, nhờ những di tích mang đậm phong cách kiến trúc nghệ thuật thời kỳ này. Nhà Nguyễn từng thiết lập Đàn Xã tắc ở xã Thọ Hạc (1821), Đàn Tiên Nông ở thôn Tạnh Xá (1834), Đàn Sơn Xuyên ở phía Tây Nam thành phố (1825), Miếu Thành Hoàng ở thôn Phú Cốc (1841). Các di tích này gắn liền với việc thờ cúng và nghi thức rước Thần Nông, cày ruộng (lễ Tịch Điền) vào dịp lập xuân hàng năm. Đặc biệt, tại làng Bố Vệ, nhà Nguyễn đã cho xây dựng Thái Miếu thờ các vị vua, hoàng hậu và công thần nhà Hậu Lê. Việc thờ cúng các vua Lê cũng được dời từ Thăng Long về Bố Vệ vào tháng 3 năm Gia Long thứ 3 (1804). Từ đó, vào các ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch hàng năm, các quan đầu tỉnh đều phải cử hành lễ dâng hương. Ngoài ra, phường Đông Vệ còn có chùa Đại Bi (chùa Mật Sơn) là nơi thờ vua Lê Thần tông và 6 vị hoàng hậu.

Với lịch sử hình thành lâu đời, TP Thanh Hóa còn một hệ thống di tích - danh thắng tương đối dày đặc và giàu giá trị. Tiêu biểu phải kể đến Di chỉ khảo cổ Núi Đọ; Khu Di tích thắng cảnh núi Mật Sơn; Khu Di tích thắng cảnh An Hoạch; đền thờ Lê Uy - Trần Quang Khải; đền thờ Dương Đình Nghệ; chùa Đại Bi; Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; Tượng đài Lê Lợi; Quảng trường Lam Sơn; Quảng trường Hàm Rồng; Công viên Hội An; Công viên Thanh Quảng; Bảo tàng Thanh Hóa; Bảo tàng Hoàng Long... Đây là những điều kiện cần để thành phố có sự định hướng và đầu tư cho công tác bảo tồn, khai thác và phát huy giá trị hệ thống di tích – danh thắng, phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội của tỉnh, lại nằm ở vị trí kết nối quan trọng của hành lang Bắc – Nam, Đông – Tây, thành phố có hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy. Cùng với đó, cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật du lịch gồm cơ sở lưu trú, nhà hàng, điểm vui chơi giải trí, mua sắm... cũng phát triển với tốc độ nhanh, quy mô và chất lượng ngày càng nâng cao.

Nhờ các yếu tố thiên thời, địa lợi ấy, vài năm trở lại đây, TP Thanh Hóa là một trong những trọng điểm du lịch của tỉnh. Để đón lượng khách lớn vào dịp đầu năm mới, ngày 31-12-2019, UBND thành phố đã ban hành Kế hoạch 1252/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Trong đó, chú trọng đến các hoạt động văn hóa đặc sắc như khai trương phòng đọc báo xuân tại Công viên Hội An; tuyên truyền giới thiệu sách phục vụ các độc giả trong dịp tết; tổ chức chương trình chào đón năm mới, với các màn biểu diễn nghệ thuật và bắn pháo hoa đêm giao thừa. Ngoài ra, việc chỉnh trang đô thị và các điểm di tích – danh thắng như Công viên Hội An, Công viên Thanh Quảng, Tượng đài Lê Lợi, Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ, Nghĩa trang Liệt sĩ Hàm Rồng, Quảng trường Lam Sơn, Quảng trường Hàm Rồng... cũng được chú trọng. Từ đó, mang đến cho thành phố một không gian tràn ngập sắc xuân, cũng như mang lại niềm hân hoan cho du khách khi về với mảnh đất văn hóa này những ngày đầu năm mới.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân


Bài Và Ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]